Chiếc bánh tiền tệ: Không đủ để chia
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trung bình khoảng 70% vốn của các DN trong nền kinh tế là vốn vay, ngân hàng (NH) cứ tăng 1% lãi suất tương đương chi phí của DN tăng 0,7%. Tính đến thời điểm này, riêng chi phí vốn của DN đã tăng lên khoảng 7%. Để đảm bảo lợi nhuận thì các DN phải tăng giá đầu ra. Đây là ảnh hưởng gián tiếp làm giá cả leo thang!

Chi phí vốn cao khiến không ít DN lao đao, sản xuất kinh doanh đình đốn, lãi suất cao còn ảnh hưởng rất mạnh tới các thị trường liên thông như chứng khoán, bất động sản. Gỡ trần lãi suất hướng tới “lãi suất thực dương” (lãi suất NH cao hơn tỷ lệ lạm phát) là mục tiêu hướng tới của chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm hạn chế lạm phát. Nhưng liệu giải pháp này có đem lại hiệu quả và thực hư đằng sau cuộc đua lãi suất là gì?

Nếu tưởng tượng lượng tiền trong lưu thông là một chiếc bánh thì các NH là những người ăn bánh. Trong vòng 5 năm qua, nếu cho rằng Ngân hàng nhà nước (NHNN) sẽ in tiền ra đúng bằng tỷ lệ tăng GDP khoảng 8%/năm, thì chiếc bánh tiền trong lưu thông mới chỉ tăng được gần 1,5 lần. Nhưng số người ăn bánh thì sao?

Đông anh em, chẳng đủ bánh chia

5 năm trước, tổng cộng mới chỉ có khoảng 13 – 15 NH hoạt động tại Việt Nam, tới nay, con số này đã trên 80 – tăng gần 6 lần, chưa kể các NH đua nhau tăng vốn điều lệ – đồng nghĩa với việc tăng quy mô hoạt động lên khoảng 5 – 7 lần (tạm lấy trung bình là 6). Vô hình trung, số người ăn bánh đã tăng lên khoảng 36 lần. Như vậy để đảm bảo hoạt động có hiệu quả, chiếc bánh tiền tệ cũng phải to lên tương ứng thì lợi nhuận của các NH mới được tạm coi là không thay đổi. Nhưng thực tế thì miếng bánh chỉ to lên 1,5 lần.

Khi cầu tiêu dùng chỉ tăng 1,5 lần tương đương tốc độ tăng trưởng GDP, các NH vẫn biết cách làm cho miếng bánh tiền tệ to lên nữa bằng cách tăng cường thêm các hình thức cho vay đa dạng, ví dụ như cho vay tiêu dùng, vay đầu tư tư nhân… giới NH kỳ vọng nhu cầu đi vay toàn xã hội sẽ tăng lên 36 lần. Khi tổng lượng tiền mặt trong XH là hạn chế, để tăng trưởng tín dụng thì buộc vòng quay của đồng vốn phải tăng nhanh hơn. Khi nhu cầu tăng trưởng tiêu dùng là 36 lần, nếu tổng lượng tiền mặt chỉ tăng 1,5 lần thì tốc độ vòng quay trung bình của đồng vốn phải tăng lên là (36 : 1,5) = 24 lần. Điều này là không thể!

Chưa kể sự mất cân đối về kỳ hạn giữa các khoản huy động – thường ngắn hơn nhiều so với kỳ hạn cho vay, nên các NH phải liên tục tìm thêm khoản tiền gửi để bù đắp cho tính thanh khoản của mình. Và khi đó, các ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ còn kỳ vọng vào việc thu hút đồng vốn trong dân chúng để tăng tính thanh khoản của chính mình.

Diễn biến lãi suất cơ bản từ 8/2000 đến nay

Nhưng việc gỡ bỏ trần lãi suất chỉ giúp cho các NHTM tăng thêm được một lượng tiền huy động khá nhỏ, còn xa mới đáp ứng được nhu cầu tín dụng! Ta đều biết rằng tỉ lệ vốn hoá của thị trường CK đã đạt mức hơn 30% so với GDP. Hơn nữa, lo sợ trước tình hình lạm phát cao, người dân đã đổ xô đi đầu cơ tiền mặt vào các loại hàng hoá có giá trị khác, do vậy lượng tiền mặt nhàn rỗi còn nằm trong dân chúng đã gần cạn.

Có chăng, một lượng tiền nhàn rỗi “định” đầu tư sẽ được gửi vào ngân hàng, nhưng số tiền này không thể được gọi là dòng vốn chuyển ra mà về bản chất nó vẫn là tiền nhàn rỗi, tiền cất ngăn tủ của các bà nội trợ. Vậy nên nói rằng sẽ có một luồng vốn chảy từ các thị trường chứng khoán hay vàng vào thị trường tiết kiệm là sai lầm!

Khi các NHTM tăng lãi suất huy động, nếu có sự xáo trộn xảy ra thì chẳng qua là người ta rút tiền từ NH có lãi suất thấp chuyển sang gửi ở NH có lãi suất cao hơn. Cực chẳng đã tất cả các NH đều lao vào cuộc đua lãi suất mà biết trước sẽ không có hồi kết. Tăng lãi suất mà vẫn không huy động được đủ tiền cho tăng trưởng tín dụng, thì mục đích tự thân của việc này coi như phá sản. Đây cũng là nguyên nhân làm cho chính sách tiền tệ không phát huy hiệu lực, hay trong kinh tế học người ta gọi là “bẫy thanh khoản”.

Khi chiếc bánh tiền tệ không thể to ra theo đúng ý muốn, thì buộc số người ăn nó phải giảm đi! Lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn. Một số NH đang mất dần tính thanh khoản. Chưa kể tới việc lãi suất huy động 15%/năm, lãi suất cho vay 18%/năm hiện nay đã là khá cao so với mức lợi nhuận trung bình của nền kinh tế – có khác gì lãi suất vay nóng ở ngoài? Điều này sẽ dẫn đến tình trạng: thay vì vay tiền NH đầu tư vào sản xuất KD thì xã hội sẽ gửi tiết kiệm tiền nhàn rỗi để thu lãi. Các NH sẽ mất nguồn thu nếu tổng nhu cầu đi vay của XH giảm, đồng nghĩa với việc thua lỗ! Hiện nay, sự thua lỗ này chưa biểu hiện rõ, nhưng tới kỳ đáo hạn các khoản tiền gửi với lãi suất cao, chúng ta sẽ nhìn thấy ngay ảnh hưởng của nó!

Cùng nghĩ cách kiếm thêm bánh

Tới đây đã thấy được sự mất cân đối của mảng tài chính trong nền kinh tê. Thêm vào đó, đầu tư bất động sản và cơ sở hạ tầng cũng là một lĩnh vực tăng trưởng rất nóng so với GDP, tỷ lệ hai mảng này trong một thời gian ngắn đã vượt lên khá cao trong tổng đầu tư của nền kinh tế. Đặc biệt lĩnh vực đầu tư bất động sản chủ yếu dựa vào nguồn vốn ngân sách, vốn FDI và vốn ODA, nên gần như không phản ứng với việc thay đổi của lãi suất. Khi tăng lãi suất mà nhu cầu cao trong xây dựng cơ bản không giảm cộng với tăng trưởng chậm trong đầu tư vào mảng nguyên liệu XD đã dẫn tới giá vật tư leo thang. Tóm lại, đây là sự mất cân bằng của thị trường hàng hoá vĩ mô, dẫn tới sự mất cân đối cung cầu tiền tệ bất khả kháng trong nội tại nền kinh tế.

Trong bối cảnh chính phủ đang nỗ lực chống lạm phát, các NH cũng nên thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng. Một trong những phương cách thắt lưng buộc bụng có thể là đóng cửa bớt các chi nhánh; không thành lập thêm NH mới… Còn tất cả các phép tính với lãi suất thực dương đều không phát huy hiệu quả khi “chiếc bánh tiền tệ” chỉ có hạn.

Nên chăng (chúng ta cùng suy ngẫm), NHNN có thể nới lỏng tiền tệ (có lộ trình), hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, mua lại một số tín phiếu đã phát hành làm tăng tính thanh khoản của các NHTM. Hạ lãi suất cơ bản từng bước trong khi kiểm soát chặt chẽ các NHTM việc thực hiện lãi suất không được vượt quá 150% so với lãi suất cơ bản của Luật Dân sự. Đồng thời đưa ra khuôn khổ pháp lý quy định các khoản phí cho vay để tránh việc các NHTM lách luật.

Bên cạnh đó, cũng nên nghĩ đến các biện pháp “mạnh tay”: Đóng cửa (nếu có thể), mua lại hoặc sáp nhập một số NH hoạt động không hiệu quả. Các NHTM lớn đã hoạt động lâu năm cũng nên nghĩ đến việc đóng cửa bớt các chi nhánh đang thua lỗ.

Trung bình khoảng 70% vốn của các DN trong nền kinh tế là vốn vay, vì thế nếu NH cứ tăng 1% lãi suất tương đương chi phí của DN tăng 0,7%, tính đến thời điểm này, riêng chi phí vốn của DN đã tăng lên khoảng 7%. Để đảm bảo lợi nhuận thì các DN phải tăng giá đầu ra, đây là ảnh hưởng gián tiếp làm giá cả leo thang!

Nguồn:  Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp