Chiết khấu kinh doanh xăng dầu: Cơ quan quản lý và doanh nghiệp lại vênh nhau
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trần tình về sự việc này, Bộ Công Thương và Petrolimex xác nhận, còn có những uẩn khúc.    

Bộ Công thương: Petrolimex đã báo cáo Bộ Tài chính

Tại công văn số 16098/BTC-VP, Bộ Tài chính cho biết, riêng 6 tháng đầu năm 2011, theo báo cáo tài chính hợp nhất của Petrolimex (gồm văn phòng TCty và 42 Cty thành viên), kinh doanh xăng dầu lỗ 1.840 tỉ đồng. Trong đó có nguyên nhân gây lỗ chủ quan là do Petrolimex chi trả thù lao cho đại lý, tổng đại lý vượt chi phí kinh doanh định mức theo quy định. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, mức chi phí kinh doanh xăng dầu thực tế phát sinh của Petrolimex vượt so với chi phí kinh doanh định mức quy định tổng số tiền là: 516.168.061.612đ (làm tròn số là 516 tỉ đồng). Như vậy, so với chi phí định mức quy định (600đ/lít với xăng, diesel, dầu hỏa; 400đ/kg với madút).

Trần tình về việc này, một nguồn tin của Lao Động từ Petrolimex và Bộ Công Thương đều xác nhận, Petrolimex đã từng có báo cáo Bộ Tài chính khá chi tiết về tỉ lệ chiết khấu hoa hồng này cho các đại lý. Cụ thể, số liệu của Petrolimex gửi đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính cho thấy: Trong thời gian 6 tháng đầu năm 2011, chiết khấu bình quân mặt hàng xăng cho tổng đại lý là 364đ/lít, cho đại lý là 260đ/lít (mức chiết khấu quy định là 600đ/lít). Chiết khấu với mặt hàng dầu hỏa cho tổng đại lý là 285đ/lít, cho đại lý 229đ/lít; còn chiết khấu cho mặt hàng diesel lần lượt là 378đ và 263đ/lít.

Ông này cũng cho biết, duy nhất có thời điểm Petrolimex nâng mức thù lao bình quân riêng với mặt hàng diesel cao hơn chi phí kinh doanh định mức là trong khoảng 57 ngày (từ 1.7 đến trước 21h ngày 26.8) với mức 702đ/lít. Lý do là “đảm bảo cho đại lý thu hồi lỗ của chu kỳ trước đó”. Theo đại diện Petrolimex: Với những địa bàn thuận lợi, mức chiết khấu tối thiểu chỉ có thể là 300đ/lít, TPHCM tối thiểu 500đ/lít, nhưng đưa về vùng sâu, vùng xa, mức thù lao phải lên tới 1.000 – 1.050đ/lít mới đảm bảo chi phí và có lãi.

Doanh nghiệp đổ lỗi cho quản lý

Trên thực tế, nếu theo Nghị định 84/CP về kinh doanh xăng dầu và thông tư 234/2009/TT-BTC hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu quy định: “Chi phí kinh doanh định mức là chi phí lưu thông xăng dầu (gồm chi phí bán buôn, bán lẻ) trong nước của các DN đầu mối. Chi phí này cũng bao gồm cả chi phí dành cho tổng đại lý, đại lý để tính giá cơ sở theo mức tối đa”. Như vậy với quy định hiện hành, chi phí bán lẻ bình quân giữa các vùng đối với xăng, dầu hôi và dầu diesel tối đa không quá 600đ/lít và chi phí bán buôn bình quân đối với dầu madút tối đa không quá 400đ/lít.

Tuy nhiên với Petrolimex, TCty này đang tách bạch riêng chi phí bán hàng và hoa hồng đại lý. Theo lý giải của DN này, sở dĩ có khoản chênh lệch lên tới 516 tỉ đồng kể trên là chênh lệch giữa tổng chi phí thực tế của Petrolimex (bao gồm cả chi phí bán hàng 6 tháng đầu năm cộng với thù lao trả cho đại lý) so với chi phí định mức, chứ không chỉ riêng khoản chênh lệch giữa thù lao đại lý và chi phí định mức, trong khi theo quy định thì 2 khoản này đều là một.

Chính do cách hiểu không đúng này, cộng thêm việc Bộ Tài chính không điều chỉnh chi phí kinh doanh kịp thời (chi phí định mức hiện hành được xây dựng trên cơ sở giá thực tế năm 2008), dẫn đến chi phí không đủ bù đắp. Trong 9 tháng đầu năm 2011, nếu tính cả chi phí kinh doanh và hoa hồng đại lý, hầu hết các mặt hàng xăng dầu của Petrolimex đều bị âm từ 51-163đ/lít. Petrolimex cho rằng nếu Bộ Tài chính điều chỉnh chi phí định mức lên 860đ/lít với xăng, dầu hỏa, diesel và 500đ/kg với madút như đề nghị của Petrolimex sẽ không có khoản chênh lệch 516 tỉ đồng kể trên.

Với cách lý giải này thì một lần nữa, Petrolimex lại… đổ lỗi cho cơ quan quản lý đã không… điều chỉnh chính sách theo mong muốn của DN. Nhưng phải chăng khi kiến nghị chưa được phê duyệt (vì còn nhiều tranh cãi và thiên về lợi ích của DN) thì Petrolimex… quên quy định và cứ làm theo ý mình?    

    Hồng Quân
Nguồn: Báo Điện tử Lao động