Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4/2009: Nền kinh tế đang có chuyển biến tích cực
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đó là những đánh giá của Chính phủ được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thông báo tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 5/5. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thêm: trong phiên họp diễn ra trong hai ngày 4 và 5/5, các thành viên Chính phủ đã dành phần lớn thời gian tập trung thảo luận, cho ý kiến về báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2009; Báo cáo đánh giá 2 năm gia nhập WTO; Tờ trình Đề án ”Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; Báo cáo ”Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Quốc hội về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường”; Tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 90/2001/NĐ-CP về trợ giúp phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”; Tờ trình Chính phủ về về dự án Luật Bưu chính và một số vấn đề quan trọng khác trong đó có những vấn đề chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Về tình hình kinh tế 4 tháng đầu năm, theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ, nền kinh tế tiếp tục có chuyển biến theo chiều hướng tích cực khá rõ nét trong hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Trước hết, có thể khẳng định sự chuyển biến rõ rệt nhất trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp với việc giá trị sản xuất công nghiệp tăng liên tục trong 3 tháng. Cụ thể: giá trị công nghiệp tháng 4 ước đạt 55,47 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Còn tính chung trong 4 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 209 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ, trong đó khu vực ngoài Nhà nước tăng 6,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,3%. Đây là kết quả tích cực của việc thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, kích cầu đầu tư và tiêu dùng.

Về xuất khẩu, tính chung trong 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18,64 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm 2008, trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước có những dấu hiệu hết sức tích cực với kim ngạch xuất khẩu đạt 10,2 tỷ USD tăng 26,9% so với cùng kỳ. Đã có 6 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD là: dầu thô, thủy sản, gạo, hàng dệt may, giầy dép, mặt hàng đá quý, kim loại quý. Bên cạnh đó, tổng giá trị vốn ODA được ký thông qua các hiệp định với các nhà tài trợ tính trong 4 tháng đầu năm đạt gần 1,5 tỷ USD. Ước tổng giá trị giải ngân ODA khoảng 300 triệu USD, bằng 16% kế hoạch cả năm, trong đó vốn vay đạt khoảng 239 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 61 triệu USD. Ngoài ra, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài trong 4 tháng đầu năm đạt 2,2 tỷ USD.

Thị trường trong nước tiếp tục có chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 4 đạt khoảng 90,1 nghìn tỷ đồng. Tính chung 4 tháng đầu năm đạt 360,4 nghìn tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 so với tháng trước tăng 0,35%, trong đó có 4 nhóm hàng có mức tăng trưởng cao nhất là: phương tiện đi lại, thực phẩm, nhà ở và vật liệu xây dựng, đồ uống và thuốc lá.

Một vấn đề quan trọng khác cũng được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc thông báo. Đó là kết quả kiểm tra tại các địa phương đối với việc thực hiện Nghị quyết 30 của Chính phủ “về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội” cho thấy các địa phương, doanh nghiệp và người dân đều ủng hộ việc đưa Nghị quyết 30 vào cuộc sống. Thực tế tại các địa phương cho thấy, Nghị quyết 30 đã mang lại những hiệu quả tích cực, tuy nhiên tại một số địa phương, việc triển khai vẫn còn chậm. Chính vì vậy, trong phiên họp Chính phủ tháng 4 này, Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh các chương trình kích cầu kinh tế mà Chính phủ đã đề ra. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, triển khai nghiêm túc đề án cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng…

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân; các ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất 4% đối với các khoản cho vay tín dụng đầu tư vào sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nông dân mua máy móc thiết bị vật tư nông nghiệp, mở rộng đối tượng được bảo lãnh là doanh nghiệp có vốn dưới 20 tỷ đồng.

Cũng tại cuộc họp, Chính phủ thống nhất sẽ trực tiếp phát hành theo phương thức trái phiếu toàn cầu và phát hành bằng đồng USD với trị giá phát hành tối đa là 1 tỷ USD.

Nguồn: Báo điện tử Công thương