Chính phủ trình dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi: Thuế khởi điểm lên 9 triệu đồng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

*Phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản dưới mọi hình thức.

*Giá cả biến động từ 20%, khung thuế sẽ điều chỉnh.

Theo đó, nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ mức 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng.

Theo mức giảm trừ gia cảnh này thì người độc thân có thu nhập đến 9 triệu đồng/tháng chưa phải nộp thuế, người có 2 người phụ thuộc có thu nhập từ 16,2 triệu đồng/tháng trở xuống chưa phải nộp thuế. Người có thu nhập 20 triệu đồng/tháng nếu có 1 người phụ thuộc chỉ nộp thuế 490 nghìn đồng/tháng (bằng 2,45% thu nhập chịu thuế), phần thu nhập của cá nhân sau khi nộp thuế là 19,51 triệu đồng. Tương tự, nếu có 2 người phụ thuộc thì số thuế nộp chỉ 190 nghìn đồng/tháng (bằng 0,95% thu nhập chịu thuế) và phần thu nhập sau khi nộp thuế là 19,81 triệu đồng.

Để đảm bảo bao quát hết các trường hợp thu nhập phát sinh từ chuyển nhượng bất động sản, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 5 Điều 3 như sau: “Các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản dưới mọi hình thức”.

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh như quy định mới là phù hợp hơn với diễn biến chỉ số giá tiêu dùng và sức mua, đáp ứng tốc độ tăng trưởng GDP đến năm 2014 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, khi nâng từ 4 lên 9 triệu đồng, số thu ngân sách giảm đáng kể (cả nước hiện có khoảng 3,87 triệu người phải nộp thuế TNCN, chiếm 4,4% dân số cả nước, nâng lên 9 triệu thì còn khoảng 1 triệu người phải nộp thuế).

Chuyên gia kinh tế nói về mức thuế khởi điểm: 9 triệu tưởng “to” nhưng sẽ nhanh chóng lạc hậu

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: người dân phải có mức thu nhập đủ sống trước đã rồi mới đóng thuế là hợp lý. Vì vậy, Bộ Tài chính tăng các mức giảm trừ gia cảnh là sát với thực tế thu nhập hiện nay của người dân hơn. Đó là ưu điểm hơn hẳn đề xuất trước đây của Bộ.

Tuy nhiên, theo ông, tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân lên 9 triệu đồng/tháng vẫn là kiểu quy định cứng, đồng thời nếu lấy mốc lạm phát tăng trên 20% mới điều chỉnh lại thuế là quá cao, không thực tiễn.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong thì cho biết, mức 20% lạm phát để điều chỉnh đó không phải tính theo từng năm một mà tính tổng cộng của nhiều năm. Tức là kể từ thời điểm thuế TNCN có hiệu lực, hoặc thời điểm sửa đổi mức khởi điểm chịu thuế gần nhất, có thể là trong vòng 1, hoặc 2, 3, thậm chí 4 năm hoặc hơn nữa, tổng lạm phát lên đến 20% thì sẽ sửa đổi, nên nói rằng nó không thiết thực là hơi chủ quan. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, xét về mặt kỹ thuật, nếu để thuế TNCN tính theo tiền lương tối thiểu là hợp lý nhất, chuẩn nhất.

Việc Bộ Tài chính chỉ áp thuế TNCN sửa đổi theo chỉ số lạm phát, dù thể hiện sự bảo thủ, nhưng vì mục tiêu của thuế TNCN là thu ngân sách, nộp thuế càng nhiều thì càng có lợi cho ngân sách Nhà nước. Song, với tình hình kinh tế như hiện nay, lương tối thiểu sẽ còn phải thay đổi, biến động nhiều lần, vì ngay cả bản thân lương cũng chạy theo lạm phát, nên việc áp thuế TNCN theo lạm phát cũng là một phương án tốt.

“Tôi cho rằng, với lạm phát như ở Việt Nam, biến động mạnh và thất thường như vậy, đồng tiền mất giá rất nhanh, 9 triệu đồng bây giờ nghe là “to”, nhưng khi đối chiếu vào cuộc sống thực tế, chưa chắc đã phù hợp. Cá nhân tôi cho rằng mức khởi điểm chịu thuế 9 triệu dù cao trong thời điểm này, nhưng rồi nó cũng sẽ nhanh chóng lạc hậu” – ông Phong nhận định.

 

Đối tượng tham nhũng chủ động từ chức sẽ được giảm nhẹ hình phạt

Tại tờ trình dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi do Thanh tra Chính phủ trình sáng 26-10 nêu: Thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/5/2012 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI: “Ở Trung ương, thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban”, dự thảo luật đã không quy định về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ do Đảng quy định; đồng thời, công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của cơ quan này sẽ được thực hiện thông qua các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng.

Dự luật cũng bổ sung quy định dẫn chiếu các quy định pháp luật có liên quan về hình thức tố cáo hành vi tham nhũng, việc bảo vệ và khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng tại Điều 81. Sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý đối với người có hành vi tham nhũng theo hướng giảm nhẹ trách nhiệm kỷ luật hoặc trách nhiệm hình sự đối với người có chức vụ, quyền hạn mà chủ động từ chức khi có hành vi tham nhũng hoặc để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách tại Điều 83.

Quan ngại quy định “siết” nhập cư trong dự án Luật Thủ đô

Tờ trình dự án Luật Thủ đô do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo (trình Quốc hội sáng 26/10) siết điều kiện nhập khẩu vào Hà Nội. Tuy nhiên, báo cáo cho biết hiện có hai ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng để góp phần hạn chế tình trạng quá tải, tăng dân số cơ học ở nội thành, cần áp dụng một số biện pháp hành chính về đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội chặt chẽ hơn so với Luật Cư trú hiện hành.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định hạn chế nhập cư này vì có thể ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân. Dự luật quy định theo hướng siết chặt. Tuy nhiên, chính vì quy định khắt khe này là một trong các nguyên nhân chính khiến dự án Luật Thủ đô bị Quốc hội khóa XII bác.

Theo các đại biểu Quốc hội, việc siết chặt nhập cư bằng những điều kiện khắt khe là đi ngược với xu hướng chung của thế giới, trong khi không giải quyết được căn cơ tình trạng quá tải dân cư ở Thủ đô; là điều kiện nảy sinh tiêu cực, nhũng nhiễu trong đăng ký cư trú.

Nguồn: Báo CAND điện tử