Chính sách đặc thù DA Luật Thủ đô trọng nguyên tắc cơ bản
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Dự Luật Thủ đô dự kiến được thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này.

Hạn chế nhập cư nội đô là cần thiết

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật thủ đô, tuy nhiên, cũng băn khoăn về những cơ chế đặc thù được trao cho Thủ đô, trong đó có vấn đề về quản lý dân cư.

Trước một số ý kiến không tán thành với quy định nhằm “siết chặt” hơn điều kiện để được đăng ký cư trú trong nội thành, dự thảo Luật đưa ra Quốc hội hôm qua đã đề nghị chỉnh lại theo hướng: giữ nguyên các điều kiện đăng ký thường trú tại nội thành thành phố Hà Nội như quy định hiện hành của Luật cư trú đối với  trường hợp được điều động, tuyển dụng, làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn; trường hợp về ở cùng với người thân hoặc trường hợp người trước đây từng có hộ khẩu trong nội thành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Nhiều ý kiến băn khoăn vì sao lại cho phép Hà Nội xử phạt cao hơn mức áp dụng chung cả nước ở 6 lĩnh vực, nhưng theo tôi nếu ta cứ để xử phạt như hiện tại thì sẽ rất khó khăn để quản lý chất lượng. Thực tế ta đã thí điểm xử phạt cao hơn và kinh nghiệm một số nước cũng cho thấy xử phạt cao hơn ở một số thành phố là hiệu quả. Chúng ta không nên lo ngại, vì bất cứ ai vi phạm trong khu vực cấm cũng sẽ bị xử phạt giống nhau và đó là công bằng.

“Dự thảo chỉ quy định các điều kiện đăng ký thường trú trong nội thành thành phố Hà Nội chặt chẽ hơn đối với đối tượng không thuộc các trường hợp nêu trên khi đáp ứng đủ các điều kiện bao gồm: có việc làm hợp pháp, ổn định ở Hà Nội; có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê lâu dài của tổ chức, cá nhân kinh doanh nhà ở; đã tạm trú liên tục tại nơi đề nghị được đăng ký thường trú ít nhất là 2 năm”, ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói thêm.

Chia sẻ “là một luật khó, động đến nhiều vấn đề, nhiều văn bản pháp luật” nhưng Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào, Hà Nội lưu ý “mọi chính sách dành cho Hà Nội phải trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của pháp luật, vì hiện nhiều cái vượt quá”.

Ông Đào đề nghị bỏ quy định công dân danh dự vì chưa rõ tiêu trí, đồng thời cho rằng việc quy định có việc làm hợp pháp, ổn định là một trong những điều kiện để nhập cư nội thành là khó xác định, và cần cân nhắc kỹ.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đồng tình: hạn chế nhập cư dù có đặt ra nhưng thực tế vẫn không thể giải quyết được.  Theo đại biểu Thuyết, cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp hơn như giãn dân ra ngoại thành, thu phí giao thông môi trường với người tạm trú 3 tháng trở lên, phát triển dịch vụ thu gom phế thải… Đại biểu Nguyễn Văn Tiên, Tiền Giang tán thành: quy định như vậy “không thay đổi được thực tế”.

Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Đức Nhanh (Hà Nội), Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) và nhiều đại biểu khác lại đồng tình cao với các quy định tại dự thảo Luật và cho rằng đây là biện pháp rất khả thi và cần thiết.

Vị trí Trung tâm hành chính: Quốc hội “quyết”

Quy hoạch Thủ đô được xem là vấn đề quan trọng bậc nhất, vì đây là “bộ mặt” của cả nước. Dự thảo Luật đã dành 3 Điều quy định về cơ chế, chính sách trong quản lý, thực hiện quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng Thủ đô.

 Đề bảo đảm an ninh và trật tự, an toàn xã hội, trong dự thảo Luật có đưa ra quy định cho phép Hà Nội áp dụng mức xử phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong khu vực nội thành cao hơn mức áp dụng chung với cả nước trong các lĩnh vực: văn hóa, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và cư trú.

Theo đó, quy định rõ việc Quốc hội cho ý kiến về quy hoạch chung của Thủ đô và quyết định vị trí khu vực Trung tâm chính trị – hành chính quốc gia. Đồng thời tại Dự thảo luật mới, bổ sung quy định định kỳ 2 năm, UBND thành phố Hà Nội tổ chức đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch chung Thủ đô và báo cáo Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp cần thiết kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung Thủ đô.

Tuy nhiên, theo Đại biểu Nguyễn Như Lợi, Cà Mau thì “quy định phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội phải nằm trong chiến lược phát triển chung của cả nước”. Bàn về quy hoạch, ông Lợi cho rằng “quy hoạch mà 2 năm đã sửa thì lãng phí rất lớn” và  “cần xem thêm”.

Còn đại biểu Nguyễn Lân Dũng, Đắk Lắk thì đặt vấn đề: đưa trường ĐH ra ngoại thành có khả thi không. Lâu nay đã nói chuyện này nhưng đã làm được chưa?.

Cũng liên quan tới vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Tiên, Tiền Giang góp ý: việc di dời cần chia ra khối trung ương và địa phương, cái nào trung ương quyết, cái nào địa phương quyết, và ở địa phương nên giao  thẩm quyền này cho HĐND.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường khi giải trình thêm về vấn đề này, đã nói rõ: “vấn đề đô thị đặc biệt đã quy định trong Luật quy hoạch đô thị, Luật thủ đô chỉ khẳng định lại, còn vị trí, vai trò của thủ đô với đất nước ra sao, Quốc hội đã nói rồi”, Bộ trưởng nói.

Thu Hằng
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam