Chính sách lãi suất và lạm phát
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Tổng cục thống kê, chỉ số giá cả – CPI tháng 5 là 3,91%, cao nhất trong 5 tháng đầu 2008. CPI tháng 1 là 2,38%, tháng 2 là 3,56%, tháng 3 là 2,99% và tháng 4 là 2,99%; cả 5 tháng là 15,96%. Cần lưu ý rằng, CPI 5 tháng đầu 2007 là 4,32% thì CPI của cả năm 2007 là 12,63%. Với cách ngoại suy từ năm trước thì dự báo CPI năm nay thật đáng lo ngại.

Tháng 5 là tháng giá lương thực tăng cao nhất 52,68%, giá thực phẩm tăng 18,23%; đã tác động mạnh mẽ đến các nhóm dân cư có mức thu nhập từ trung bình trở xuống, chiếm khoảng 80% dân số nước ta, bởi vì trên 70% chi tiêu trong ngân sách gia đình của họ dùng để mua lương thực và thực phẩm; đồng thời chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động trong các xí nghiệp tiếp tục giảm, nếu không được những nhà quản lý doanh nghiệp bù đắp kịp thời và thỏa đáng.

Chủ trương chống lạm phát đang được Chính phủ điều hành hàng ngày. Ngày 15 tháng 1, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra 7 nhóm giải pháp và ngày 3 tháng 3 ra chỉ thị về “tăng cường các biện pháp kiềm chế lạm phát năm 2008”, trong đó chủ trương “Thực hiện chính sách lãi suất thực dương theo cơ chế thị trường, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, sử dụng có hiệu quả công cụ thị trường mở, dự trữ bắt buộc, lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất cơ bản, bảo đảm quan hệ hợp lý giữa các loại lãi suất trái phiếu, tín phiếu kho bạc, tín phiếu ngân hàng nhà nước”. Đây là chủ trương rất quan trọng phù hợp với nguyên tắc thị trường trong lĩnh vực tiền tệ.

Trên cơ sở đó, ngày 17 tháng 5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng cơ chế mới điều hành lãi suất cơ bản tiền “Đồng Việt Nam”, có hiệu lực từ 19 tháng 5, theo đó “lãi suất kinh doanh bao gồm lãi suất huy động và lãi cho vay theo nguyên tắc lãi suất kinh doanh không vượt quá 150% lãi suất cơ bản mà NHNN công bố áp dụng cho từng thời kỳ”. Trên cơ sở lãi suất cơ bản 12%/năm, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đồng loạt điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm lên mức 14 – 15%/ năm; một số NHTM còn có chương trình khuyến mãi như “Ngàn cơ hội, vạn vận may” (VIB) hay “Tiền gửi qua đêm – 24 giờ” (ACB)…

Mặc dù mức lãi suất huy động của các NHTM chưa phải là “lãi suất thực dương” theo thị trường như chủ trương của Chính phủ; vì chỉ 1,1%/tháng, trong khi CPI bình quân/tháng trong 5 tháng đầu năm 2008 trên 3%; nhưng đó là bước tiến quan trọng của NHNN trong việc điều hành lãi suất – một công cụ cực kỳ quan trọng của thị trường tiền tệ.
Một câu hỏi được đặt ra là “vì sao lãi suất tiền gửi tiết kiệm thấp hơn nhiều so với chỉ số giá cả, nhưng vẫn hấp dẫn đối với khá đông dân cư”(?).

Đại bộ phận dân cư có thu nhập trung bình và thấp dành dụm được một số tiền thường lựa chọn giữa việc mua vàng cất trữ, mua ngoại tệ hoặc gửi tiết kiệm ở NHTM; một bộ phận dân cư có thu nhập cao – tầng lớp trung lưu và giàu thì có thêm sự lựa chọn: đầu tư vào bất động sản và chứng khoán. Trong tuần đầu khi thực hiện lãi suất huy động mới, lợi thế rõ ràng là nghiêng về gửi tiền tiết kiệm, vì lãi suất hàng tháng là 1,1%, nhiều người đến gửi tiền ở các NHTM, kể cả những người có thu nhập cao vì thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm, thị trường bất động sản vẫn trong tình trạng “đóng băng”; nhiều NHTM đã huy động tiền gửi tăng 2-3 lần những ngày trước đó.

Mấy ngày gần đây, do CPI tháng 5 có xu hướng gia tăng, đồng tiền VN mất giá so với USD và các ngoại tệ khác, giá vàng sau một thời gian giảm khá mạnh, do tác động của thị trường thế giới đã tăng nhanh, gây ra tâm lý lo ngại đồng tiền VN tiếp tục mất giá, nên nhiều người đã mua USD và vàng tích trữ, cộng thêm hiện tượng đầu cơ, thì lãi suất huy động không còn hấp dẫn như trước, các NHTM phải tính đến việc đưa ra các giải pháp khuyến mãi mới.

Lãi suất cho vay của các NHTM đã được điều chỉnh lên 18%/năm, trên thực tế không ít trường hợp lên đến 20%/năm. Đã có những lo ngại chính đáng về việc các doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn lớn do chịu lãi suất quá cao, trong khi tỷ suất lợi nhuận trung bình vào khoảng 15-16%/năm. Trong tình hình lạm phát còn có thể kéo dài cho đến khi trở lại trạng thái bình thường, với lãi suất cho vay của các NHTM quá cao thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng gặp khó khăn nhất; nhiều doanh nghiệp không biết có vượt qua được thách thức to lớn hiện nay không (!).

Chúng tôi cho rằng, Chính phủ và Chinh quyền địa phương cần tiến hành khảo sát, nghiên cứu thực trạng các doanh nghiệp này để có chủ trương và giải pháp hữu hiệu, giúp đỡ họ giải quyết những vấn đề đang gặp phải trong bối cảnh tình hình kinh tế – xã hội của đất nước hiện nay và phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Đây là vấn đề không chỉ có tính thời sự trong việc chống lạm phát, mà còn có tính cơ bản và lâu dài, vì kinh nghiệm quốc tế cũng như của nước ta cho thấy rằng, phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa là cách làm có hiệu quả nhất để giải quyết tình trạng thiếu việc làm, nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội của tăng trưởng bền vững.

Mặt khác, cũng cần lưu ý rằng, việc áp dụng cơ chế lãi suất mới cũng có tác động tích cực đối với đầu tư và kinh doanh, buộc các nhà đầu tư và doanh nghiệp phải tính toán cẩn trọng hơn, áp dụng các biện pháp tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, chú ý đến hiệu quả kinh tế trong kinh doanh. Nếu có sự giám sát chặt chẽ, chắc chắn với lãi suất cho vay cao, nhiều dự án đầu tư sẽ không thể tiếp tục thực hiện, phải đình hoãn, góp phần kiềm chế lạm phát.

Việc áp dụng quy định của NHNN về cơ chế mới điều hành lãi suất cần được coi là một giải pháp tiền tệ, chỉ có tác động trong một chừng mực nhất định; do vậy phải được vận hành đồng thời với việc thực hiện quyết liệt hệ thống các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra.

Chúng tôi kiến nghị, đã đến lúc cần đánh giá thật khách quan kết quả thực hiện và tính phù hợp của các giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ, để có những điều chỉnh, bổ sung thích hợp với thực trạng kinh tế – xã hội hiện nay của đất nước, cũng như sự biến động của thị trường thế giới, trên cơ sở các dự báo về những kịch bản có thể xảy ra trong tương lai gần. Xin nêu một vài ví dụ để chứng minh sự cần thiết của kiến nghị này.

1) Chủ trương cắt giảm chi tiêu công và đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước tuy đang được triển khai, nhưng xem ra kết quả chưa được như mong đợi. Con số dự kiến cắt giảm 3.000 tỷ đồng có vẻ như là quá ít so với mức độ cần thiết; trong khi đó đi từ Nam chí Bắc, ở đâu cũng có những tổ hợp công trình hàng trăm triệu USD vốn đầu tư của các tập đoàn kinh tế nhà nước, hoạt động trên nhiều ngành, lĩnh vực. Xem ra chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc các doanh nghiệp nhà nước chỉ được đầu tư ra ngoài phạm vi hoạt động không quá 30% chưa đủ để kiềm chế ý muốn “bành trướng” của những ông chủ các “đại gia”; nên chăng phải có giải pháp quyết liệt hơn(?).

2) Tình trạng nhập siêu quá cao cần phải được giải quyết, cả trên bình diện thương mại quốc tế, cả về cán cân thanh toán quốc tế và hiệu quả kinh tế – xã hội của sự phát triển. Trên phạm vi cả nước, nếu với đà tăng nhập siêu như 5 tháng đầu năm 2008 thì dự báo cả năm có thể nhập siêu 30 tỷ USD, bằng 40% GDP; trong kim ngạch nhập khẩu từ tháng 1 đến tháng 4 thì các doanh nghiệp trong nước có mức tăng 80%, các doanh nghiệp FDI chỉ tăng 44%. Đáng lưu ý là một số địa phương vốn xuất siêu khá cao trong những năm trước thì đầu năm nay đã nhập siêu, như Bình Dương năm 2007 xuất siêu hơn 1 tỷ USD, thì 4 tháng đầu năm 2008 nhập siêu 60 triệu USD; Đồng Nai cũng diễn ra tình hình tương tự.

3) Đời sống của một bộ phận dân cư giảm sút đến mức đáng báo động cần được nghiên cứu, đánh giá chuẩn xác để có giải pháp hỗ trợ và khôi phục lòng tin trong quá trình thực hiện các giải pháp của Chính phủ. Vì sao đã diễn ra dồn dập “các cơn sốt” từ sắt thép, đến xi măng, đến gạo, thực phẩm(?). Có câu chuyện đầu cơ, tung tin thất thiệt, nhưng nếu người dân vẫn còn lòng tin, thì bọn đầu cơ khó mà kiếm chác được; khi đã mất đi cái quý giá nhất – lòng tin, thì chỉ với một tin đồn vu vơ là hàng trăm, hàng ngàn người nghe theo, đổ xô mua hàng hóa, vàng, ngoại tệ cất trữ, gây ra những đợt tăng giá đột biến.

Cuộc chiến kiềm chế lạm phát hiện nay, như kinh nghiệm của việc điều hành đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội trong thập niên 80 và vài năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước (mặc dù quy mô kinh tế và độ mở của nền kinh tế lúc đó không thể so với hiện nay) đang đòi hỏi những quyết sách đúng với ý chí và quyết tâm của các nhà lãnh đạo cấp cao, để đưa đất nước vượt qua khó khăn, tiến tới ổn định và phát triển bền vững.

 TG: Giáo sư TSKH Nguyễn Mại  – Nguồn: Báo điện tử Đầu tư