Chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ: DN cần lưu ý điều gì?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

PV: Xin ông cho biết những điểm thay đổi chính trong chính sách thương mại quốc tế mới của Hoa Kỳ?

Ông Jay L.Eizenstat: Thay đổi thứ nhất là chuyển sang vấn đề thực thi chứ không tập trung vào vấn đề tự do hoá thương mại nữa. Thực thi cụ thể là một số biện pháp Hoa Kỳ đã áp dụng như bán phá giá, chống trợ giá hoặc chuyển đổi cách nhìn Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường có thể sang hướng nhìn nhận Việt Nam như một nền kinh tế thị trường… Ngoài ra, cũng có cả sự tập trung vào quan hệ hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương nữa – đây được xem như chìa khóa giúp Đông Nam á tăng cường tiếp cận với thị trường Hoa Kỳ và cũng là nền tảng cho Hiệp định thương mại tự do Châu á – Thái Bình Dương trên phạm vi lớn. Vì vậy, đó cũng là hòn đá tảng trong việc thúc đẩy quan hệ song phương về thương mại giữa Hoa Kỳ với Việt Nam. Việc xuất khẩu Việt Nam sang Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Obama cho đến hiện tại chưa có dấu hiệu gì cho thấy chính quyền Obama sẽ có những thay đổi đột biến trong chính sách thương mại với Việt Nam. Quan hệ song phương sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới bởi đây là xu thế chung của thế giới.

PV: Thưa ông, một chính quyền dân chủ thì có hướng nhiều về sự bảo hộ hay không?

Ông Jay L.Eizenstat: Không hiếm những trường hợp tuy là chính quyền dân chủ nhưng họ cũng rất ủng hộ thương mại tự do. Có thể trong quá trình tranh cử, để tranh thủ lòng dân thì họ nói nhiều về hướng bảo hộ. Nhưng khi đã lên nắm quyền rồi thì những điều kiện thực tế khiến họ phải có quan điểm tực tế hơn một chút. Và họ cũng rất ủng hộ việc tự do hoá thương mại. Tất cả những điều này đã được chứng tỏ tại vòng đàm phán Uruguay. Với vòng đàm phán Đô Ha, chúng tôi cũng hy vọng sẽ có chiều hướng tương tự xảy ra. Ngoài ra, cũng có quan hệ đa phương thể hiện như là thông qua việc hợp tác xuyên Thái Bình Dương hay là việc tập trung cho Việt Nam hưởng quy chế GSP hay quy chế nền kinh tế thị trường…

PV: Liệu chính sách mới có thể theo khuynh hướng thay vì đa phương một cách toàn diện sẽ chuyển sang song phương hoặc khu vực không, thưa ông?

Ông Jay L.Eizenstat: Tôi nghĩ rằng cả phía Việt Nam và Hoa Kỳ đều nhìn vào những cơ hội tăng cường quan hệ thương mại song phương, kể cả việc tăng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Và ngược lại kể cả các nhà sản xuất của Mỹ cũng có nhiều cơ hội để xuất khẩu sang Việt Nam nhiều hơn. Làm sao để chúng ta đảm bảo được tối đa hoá lợi thế tiềm năng thương mại giữa hai bên, đó chính là điều chúng ta hướng tới.

PV: Sự thay đổi về chính sách này đặt ra những vấn đề gì cần lưu ý đối với một nước đang có quan hệ thương mại chặt chẽ với Hoa Kỳ như Việt Nam?

Ông Jay L.Eizenstat: Tôi nghĩ rằng không có nhiều những rào cản mới nhưng mà có chăng thì những vụ kiện về tự vệ, vụ kiện về chống bán phá giá. Quan trọng là các nhà xuất khẩu của Việt Nam phải làm rất tốt khâu xác định giá trị sản phẩm, làm sao để mức giá của mình phải phù hợp với luật của Hoa Kỳ, không bị Hoa Kỳ coi là vi phạm từ khía cạnh chống bán phá giá hay là trợ giá. Ngoài ra nhà xuất khẩu phía Việt Nam phải có phối hợp rất tốt với nhà nhập khẩu phía Hoa Kỳ để đảm bảo 2 bên có số liệu để chứng minh rằng mình không hề vi phạm luật pháp của Mỹ về lĩnh vực này. Nói chung cả hai bên, nhất là cộng đồng doanh nhân đều có nguyện vọng làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!

N.Hường (Thực hiện)

Nếu được hưởng GSP khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, hàng hóa Việt Nam sẽ có những cơ hội lớn để tăng kim ngạch xuất khẩu, đa dạng hóa các chủng loại mặt hàng, từ đó có thể tạo được vị thế cân bằng với các nước đang phát triển khác khi tiến vào thị trường Hoa Kỳ. Ngoài ra, danh sách các mặt hàng được hưởng GSP được Hoa Kỳ xem xét lại hàng năm, với việc Quốc hội mới lên nắm chính quyền chắc chắn sẽ có những cân nhắc lại. Vì vậy Việt Nam cần tranh thủ cơ hội này để xin được hưởng GSP, rất có nhiều khả năng Việt Nam sẽ thành công. Giai đoạn này được coi là thuận lợi cả về mặt thời điểm và chiến lược để đàm phán với Mỹ về vấn đề này.

Để được hưởng GSP, nước xuất khẩu phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí mà Hoa Kỳ đề ra. Cơ quan có thẩm quyền trong việc này sẽ xem xét rất chặt chẽ và bám sát các tiêu chí quy định này. Vì vậy các nỗ lực cần tập trung vào việc chứng minh Việt Nam thỏa mãn tất cả các tiêu chí thông qua việc trình bày bằng văn bản và thảo luận, đối thoại trực tiếp với các cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ (USTR, Chính phủ, Nghị viện) và với các bên liên quan (ví dụ Nghiệp đoàn lao động, các tổ chức về sở hữu trí tuệ…) bởi trong quá trình quyết định cơ quan có thẩm quyền sẽ tham vấn và lắng nghe ý kiến từ tất cả các bên. Đặc biệt, Việt Nam cần chú trọng đến hai tiêu chí là lao động và quyền sở hữu trí tuệ

Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử