Chính sách và cuộc sống: Quyền được lựa chọn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhưng vì sao những con đường cao tốc đẹp như dải lụa ấy đang là “cơ sự” làm người dân và các DN bức xúc? Định hướng tầm nhìn trong Quyết định số 326/QĐ-TTg mà Chính phủ phê duyệt, thì quy hoạch phát triển đường cao tốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 chúng ta sẽ xây dựng 31 tuyến đường với chiều dài 6.411km.

5 năm qua chúng ta cũng mới chỉ làm được 745km cao tốc trên 12 tuyến, dài nhất là Hà Nội – Lào Cai 264km, ngắn nhất là tuyến Liên Khương – Đà Lạt 19km. Các tuyến còn lại là Hà Nội – Hải Phòng 105,5km, Hà Nội – Thái Nguyên 63km, Pháp Vân – Cầu Giẽ 29km, TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây 55km, TP Hồ Chí Minh – Trung Lương 39,8km… Ai cũng nhìn thấy sự kết nối của các tuyến đường cao tốc hiện đại này đã góp phần thay đổi diện mạo đất nước, góp phần phát triển kinh tế, đặc biệt là cho các địa phương có đường cao tốc đi qua. Nhưng câu chuyện lại như đang “ngắc ngứ” làm mệt mỏi lòng dân từ việc đặt quá dày các trạm thu phí, thu phí quá cao, người dân và các DN không chịu nổi. Cứ nói các trạm thu phí cách nhau 70km, nhưng thử nhìn lại xem các nhà đầu tư có tuân thủ không? Ai hay phí cao tốc Hà Nội- Hải Phòng tăng tới 25%, nên người dân và DN “lắc đầu” tìm cách tránh đi đường 5 mới mà cứ đi đường 5 cũ kia? Nói gì chân cầu Việt Trì mới, nhà đầu tư chặn lại để thu phí cho nhiều, cho nhanh, các vị đổ cả khối bê tông ngăn không cho xe qua cầu cũ có phải là bắt bí dân không? DN vì túi lợi nhuận mà tước đi cả cái quyền lựa chọn của dân, thì sao nói là vì dân, trọng dân? Có chuyện “o bế, che chắn” nhà đầu tư, có “lợi ích nhóm” chia phần trong các dự án BOT không? Lý giải thế nào, khi các dự án cứ thổi phồng vốn đầu tư để kéo dài thời gian thu phí và nhăm nhăm đòi tăng phí? Giao thông đi trước là để mở đường khai thông ách tắc cho kinh tế, tạo sức cạnh tranh cho các DN. Nhưng nếu giao thông làm nặng gánh, đến nỗi người dân và các DN phát sợ về đường cao tốc, né cao tốc, thì tầm tư duy, chiến lược gì cũng phải trả lời cho rõ? Làm sao dân chung quanh các trạm thu phí không bất bình, khi họ đi lại hàng ngày trên con đường quen thuộc, giờ cứ phải mua phí qua trạm thu quá cao? Đưa con đi học, đi làm hàng ngày mà cứ phí và phí đè nặng, thì cô bác người quê lấy tiền đâu ra, chịu sao cho thấu?

Làm đường mới thì đường cũ là của dân! Vậy mà các nhà đầu tư tước đi các quyền ấy của dân có đúng không?

Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) không thể đứng về chủ đầu tư tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ đòi tăng phí thêm 500 đồng/km. Có hay tuyến đường này có sẵn từ lâu, chủ đầu tư chỉ trải một lớp “bê tông nhựa” lên rồi dựng trạm thu phí, mà vẫn vô tư đòi tăng phí sao dễ lọt tai? Chỉ nghĩ đến nhà đầu tư mà quên dân, quên các DN liệu có chuyện o bế, “sân trước sân sau” che chắn, thao túng, chia chác trong các tuyến cao tốc kiểu này không?

Vẫn hay một đất nước muốn cất cánh được thì phải có đường cao tốc, nhưng trạm thu phí tràn lan, tăng phí vô lý, người dân và DN quá nặng gánh không kham nổi, thì cất cánh kiểu chi?

Làm DN phải tính đến lợi nhuận, nhà đầu tư nào bỏ vốn ra cũng phải tính thu về. Nhưng thu quá đà, thu quá tay, thu như người “ăn vội, nuốt vội”, không cần biết đến người dân và các DN sống chết ra sao liệu có nên? Các bộ, ngành phải giúp Chính phủ ngồi lại với nhà đầu tư rà soát tất cả từ đấu thầu, chọn thầu, xem những chi phí nào vô lý, không đáng có loại ngay ra.

Vốn bỏ ra đầu tư xây dựng cao tốc đã lớn, nhưng quản lý sử dụng bảo trì các tuyến cao tốc sao cho hiệu quả, cũng chả ít bạc tiền đâu? Nhìn thẳng, thì cũng đã “phơi ra” những bất cập về an toàn giao thông, khi người dân phá cả dải phân cách, tường rào. Cũng đã râm ran chuyện quay vòng vé phí rất tinh vi đây đó! Mới chỉ hơn 700km cao tốc đã bao bất cập phát sinh, bao tiếng la thấu giời. Vậy quy hoạch hơn 6.000km cao tốc những năm tới sẽ thế nào đây?

 Các dự án đường cao tốc BOT dứt khoát phải đi vào công khai, minh bạch! Dân phải có quyền lựa chọn đi đường nào phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình!

Hà Phương
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân