Chính phủ cam kết sát cánh với cộng đồng doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thuế và hải quan cam kết cải cách hơn nữa

“Khác với nhiều đối thủ và các nền kinh tế trong khu vực, Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ với GDP có thể đạt trên 6,5% trong năm nay. Đây là cơ hội vàng để Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu và phát triển” – ông Kyle F. Kelhofer – Giám đốc Khu vực Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phát biểu như vậy tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) thường niên diễn ra ngày 1/12 tại Hà Nội.

Cùng chung cảm nhận này, trong hầu hết các tham luận tại diễn đàn đều dành những lời lẽ tán dương để nói về những nỗ lực cải cách và hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh bức tranh kinh tế vĩ mô sáng sủa, tại VBF cuối kỳ năm nay, những vấn đề thực tế, kỹ thuật và vi mô mà cộng đồng DN còn vướng mắc đã được nêu lên. DN mong muốn sớm được giải quyết để DN thực sự tận dụng được các cơ hội khi cánh cửa hội nhập dường như đã mở toang.

Đơn cử trong lĩnh vực hải quan, dù trong năm 2015, đã tiếp tục có nhiều nỗ lực cải cách, nhưng DN vẫn kỳ vọng cải cách quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa, nhất là trong việc nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật liên quan và tiếp tục đơn giản hóa, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, cải thiện quy trình, thủ tục, chú trọng cải cách việc kiểm tra chuyên ngành.

Ở lĩnh vực thuế, dù rất ấn tượng với nhiều chuyển biến tích cực trong các luật thuế nhưng theo ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch Eurocham, việc thực hiện đang trở nên khó khăn hơn. Ghi nhận những kiến nghị cụ thể của các hiệp hội và nhóm công tác, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính tại diễn đàn này đã cam kết “sẽ rà soát, nghiên cứu để tiếp tục đổi mới, cải cách mạnh mẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho các DN”.

Doanh nghiệp tư nhân càng lớn thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao

Cải cách thể chế, nhìn chung đã đạt được kết quả tích cực, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Các cuộc khảo sát gần đây của VCCI về cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực thuế và hải quan cho thấy một tín hiệu đáng lo ngại là doanh nghiệp tư nhân càng lớn thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao và kinh doanh càng thành công thì bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều. Đây là một lực cản đáng kể để các doanh nghiệp không lớn lên được và quy mô bình quân của doanh nghiệp Việt Nam đang nhỏ dần đi theo các số liệu thống kê công bố gần đây. Chúng tôi đề nghị có biện pháp khắc phục việc này

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI phát biểu tại VBF

Giải tỏa lo ngại về thủ tục đầu tư

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng, việc Luật Đầu tư và Luật DN năm 2014 đã chuyển từ hình thức tiếp cận chọn cho sang chọn bỏ là phương pháp tiếp cận mới, hiện đại minh bạch và tiến bộ, nhưng kỳ vọng của các DN vẫn rất lớn.

Trước phản ánh hoạt động của DN đã gặp khó khăn nhiều do văn bản hướng dẫn 2 luật chậm được ban hành, Bộ trưởng Vinh thông báo, cả 6 nghị định và 3 thông tư hướng dẫn thi hành hai luật trên đã ban hành.

Nghị định cuối cùng và mới nhất mà Chính phủ vừa ban hành ngày 12/11/2015 là Nghị định số 118, có hiệu lực từ 27/12 tới đây. Việc “không còn nợ” văn bản nào liên quan đến hướng dẫn thi hành 2 luật trên cũng đồng nghĩa với nhiều vướng mắc cụ thể mà Nhóm công tác Thương mại và Đầu tư nêu ra tại Diễn đàn này đã được tháo gỡ.

Khi Nghị định 118 chính thức có hiệu lực, Bộ KH&ĐT sẽ hoàn chỉnh việc rà soát và hệ thống hóa điều kiện đầu tư với các NĐT nước ngoài công bố công khai trên cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, thực trạng yêu cầu NĐT “nay bổ sung giấy này, mai bổ sung giấy kia”, ở các địa phương như phản ảnh và bức xúc của một số DN cũng sẽ được xóa bỏ theo Điều 6, Nghị định 118. Cơ quan nhà nước sẽ không được yêu cầu NĐT nộp thêm các giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký đầu tư và khi cần DN bổ sung gì, chỉ được thông báo một lần bằng văn bản cho NĐT về toàn bộ các nội dung cần bổ sung sửa đổi. Các NĐT được quyền khiếu nại việc này nếu cơ quan đăng ký đầu tư có yêu cầu từ 2 lần trở lên.

Ngoài ra, các vướng mắc liên quan đến cơ chế “một cửa” trong giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký DN; sự trùng lặp về giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đăng ký đầu tư và đăng ký DN; hay DN khó thực hiện quyền tự do kinh doanh… cũng đều được giải quyết bởi các nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành.

Xác định vấn đề cổ phần hóa (CPH), tăng sở hữu cho NĐT nước ngoài là một trong những cách thức giúp quy mô thị trường vốn cũng như khả năng cạnh tranh của các DN tại Việt Nam tăng lên, Nhóm công tác Thị trường vốn đánh giá cao Công văn 1787 ngày 8/10/2015 về việc thoái vốn Nhà nước tại 10 DN cùng với Nghị định 60 của Chính phủ về việc cho phép tăng sở hữu nước ngoài là những bước đột phá để đưa TTCK Việt Nam lên mức xếp hạng “thị trường mới nổi”.

Tuy nhiên, ông Terry Mahony, đại diện Nhóm công tác Thị trường vốn cho rằng, để tiến trình CPH các DNNN thành công, đáp ứng được mong mỏi của cả Chính phủ và NĐT thì còn một số điểm cần làm rõ.

Việc thoái vốn Nhà nước tại một số DN theo Công văn 1787/2015 cần phải được thực hiện một cách minh bạch thông qua đấu thầu công khai và Chính phủ cần cương quyết yêu cầu các DN đã CPH phải niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán theo đúng quy định. Chính phủ cần công bố công khai danh mục các tập đoàn, công ty sẽ được CPH. Danh mục này cần có tên DN, thời điểm dự kiến CPH, dự kiến về quy mô và khoảng giá chào bán…

Để tạo thanh khoản tốt cho thị trường, Chính phủ nên bán từ 25 đến 30% cổ phần của DN được CPH thông qua các nhà môi giới chứng khoán quốc tế và chuyên nghiệp, Chính phủ cần tích cực và chủ động xây dựng, thiết lập những chính sách quản trị DN chuẩn mực dựa trên thông lệ quốc tế để áp dụng cho các DN đã được CPH.

Về vấn đề này, ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN cho biết, hiện có vấn đề vướng mắc là khi nào thì một DN được xác định là DN có vốn đầu tư nước ngoài. “Hiện Bộ Tài chính đã hoàn thiện hướng dẫn này và có thể ban hành trong tháng này. Theo dự thảo, một DN khi nước ngoài nắm giữ trên 65% trong vòng 1 năm thì mới được coi là DN có đầu tư nước ngoài. Đây là yếu tố rất quan trọng để triển khai Nghị định 60” – ông Bằng thông tin.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh:

DN cần chủ động tái cơ cấu, thay đổi phương thức quản trị

“Các kiến nghị thiết thực, thẳng thắn và mang tính xây dựng của các nhóm công tác của VBF đã đóng góp tích cực với Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế cũng như đưa ra những giải pháp để triển khai một cách có hiệu quả các mục tiêu đề ra. Việt Nam đang hoàn tất đi đến ký kết các FTA thế hệ mới như TPP, FTA Á – Âu, FTA Việt Nam –EU, AEC… Đây vừa là cơ hội cho Việt Nam, cho các DN, NĐT ở Việt Nam nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức và sự cạnh tranh gay gắt hơn. Chính phủ Việt Nam mong muốn các DN chủ động tái cơ cấu, thay đổi phương thức quản trị, nâng cao hiệu quả năng lực cạnh tranh để đứng vững tại thị trường Việt Nam và vươn ra các thị trường quốc tế. Chính phủ cam kết sẽ kề vai sát cánh với các DN, lắng nghe ý kiến, đối thoại của DN để cùng tháo gỡ những kiến nghị chính đáng, hợp lý mà DN đưa ra cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của các DN”.


Đỗ Lê
Nguồn: Báo điện tử Thời báo ngân hàng