Chính phủ: Sẽ chỉ còn 5-7 tập đoàn kinh tế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết như vậy tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/9.

Trước đó, trả lời câu hỏi của báo giới về đề xuất dừng thí điểm hoạt động của hai tập đoàn kinh tế trực thuộc Bộ Xây dựng này là Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị (HUD Group) và Tập đoàn Xây dựng và Công nghiệp Việt Nam (SongDa Holdings), người phát ngôn Chính phủ cho hay, vấn đề này vẫn đang được Chính phủ cân nhắc, xem xét nên chưa được Chính phủ đưa ra thảo luận trong phiên họp tháng 8.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, hiện Chính phủ đã và đang dành rất nhiều thời gian xem xét lại việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, trong đó trọng tâm là sắp xếp lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Sắp tới, việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước sẽ được thực hiện theo hướng Thủ tướng và các bộ trưởng, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch UBND các tỉnh sẽ đều được giao trách nhiệm cụ thể.

Chẳng hạn, đối với các tập đoàn kinh tế lớn có ảnh hưởng đến nền kinh tế, an ninh quốc phòng thì Thủ tướng sẽ tăng cường trách nhiệm. Còn lại sẽ giao trách nhiệm nhiều hơn cho các bộ trưởng, chủ tịch các tỉnh thành… Hiện nay đang trong quá trình thí điểm 11 tập đoàn kinh tế, nhưng hướng tới giảm con số này xuống còn 5-7 tập đoàn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ có trách nhiệm cao hơn đối với một số ít tập đoàn quan trọng đối với quốc kế dân sinh như VNPT, EVN, Petro Vietnam… Còn lại những tập đoàn khác sẽ được tổ chức lại và giao quyền tự quyết trực tiếp cho các bộ quản lý chuyên ngành là cấp trên trực tiếp.

Cũng theo Bộ trưởng Đam, điều đó không có nghĩa là Chính phủ không có trách nhiệm với những tập đoàn còn lại, mà việc phân định này nhằm quy định rõ trách nhiệm cho từng bộ ngành, các cá nhân, tổ chức hơn.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, sau một thời gian được Chính phủ cho tiến hành thí điểm hoạt động, nhiều tập đoàn kinh tế đã bộc lộ yếu kém trong sản xuất kinh doanh và quản trị vốn, nhân lực, hiệu quả thu về không tương xứng với nguồn lực được nhà nước giao.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam