Chính phủ sẽ triệu tập ‘hội nghị Diên Hồng’ về môi trường kinh doanh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Quyết nghị về tình hình kinh tế xã hội, nhiệm vụ đầu tiên mà Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện là thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh theo phạm vi, lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công.

Chỉ số tụt hạng, các Bộ phải giải trình

Trong đó, rà soát cụ thể từng tiêu chí, chỉ số về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia do Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn kinh tế thế giới công bố xếp hạng năm 2016; phân tích, giải trình về các chỉ số bị xuống hạng và các chỉ số còn ở mức thấp.

Từ đó, có kế hoạch, giải pháp cụ thể để cải thiện thứ hạng trong năm 2017, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2016.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị Hội nghị toàn quốc về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2017 vừa được Ngân hàng Thế giới công bố, Việt Nam xếp hạng 82 trên tổng số 190 nền kinh tế được đánh giá, với số điểm 63,83 trên thang 100.

Thứ hạng của Việt Nam tăng 9 bậc – bước cải thiện mạnh nhất trong 10 năm qua – nhờ sự chuyển biến tích cực trong các tiêu chí: Tiếp cận điện năng (+5), Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số (+31), Nộp thuế (+11), Thương mại qua biên giới (+15), và Giải quyết phá sản (+1).

Tuy nhiên, các tiêu chí ghi nhận sự thụt lùi là: Thành lập doanh nghiệp (-10), Giấy phép xây dựng (-3), Tín dụng (-3), Đăng ký tài sản (-1), Thực thi hợp đồng (-1).  

Còn theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2016-2017 được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố cuố tháng 9, Việt Nam xếp vị trí 60/138 nền kinh tế, tăng điểm số nhưng tụt xếp hạng.

Tuy tụt hạng song WEF đánh giá xu hướng chung là Việt Nam vẫn đang ngày càng cải thiện năng lực cạnh tranh. Trước đó, vị trí của Việt Nam đã liên tục được cải thiện trong giai đoạn 2012-2015.

Tiếp tục giảm phí ít nhất 19 trạm BOT

Cũng trong Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu hàng loạt giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng với lãi suất hợp lý.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn kinh tế đa quốc gia, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiềm lực mạnh, công nghệ tiên tiến, tham gia chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam.

Nghiên cứu, quy hoạch các cụm kinh tế, thí điểm xây dựng mô hình đặc khu kinh tế tạo liên kết giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam cùng tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Rà soát, hoàn chỉnh chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp…

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo tiếp tục giảm phí BOT tối thiểu ở 19 trạm thu phí trong năm 2016.

Bộ Tài chính phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong tháng 11/2016.

Bộ Khoa học và Công nghệ có giải pháp cụ thể chỉ đạo đổi mới, nâng cao năng lực, sáng tạo công nghệ và sở hữu trí tuệ, không để tình trạng tồn đọng đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, rút ngắn thời hạn xử lý đơn. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ xây dựng và áp dụng cơ chế tương tự như cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đối với Cục Sở hữu trí tuệ; điều chỉnh phí, lệ phí dịch vụ sở hữu công nghiệp và tỷ lệ phí thu để lại theo hướng tạo điều kiện tối đa cho phát triển lĩnh vực sở hữu trí tuệ vươn lên nhóm dẫn đầu trong ASEAN, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Hà Chính
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ