Chính sách khoa học và công nghệ – cơ hội cho doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hoàn thiện khung pháp lý về KH – CN

Theo các nhà khoa học, hiện chúng ta đã có một hệ thống văn bản pháp luật về KH – CN tương đối đầy đủ và hoàn chỉnh với khoảng hơn 750 văn bản. Trong đó đáng chú ý là Nghị quyết số 20 của Trung ương Đảng Khóa XI về Phát triển KH – CN; Nghị quyết số 46 của Chính phủ về Chương trình hành động triển khai Nghị quyết Trung ương 6, Khóa XI; Chiến lược phát triển KH – CN giai đoạn 2011 – 2020; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH – CN chủ yếu giai đoạn 2011 – 2015. Bên cạnh đó, Bộ KH và CN đã trình Quốc hội thông qua 8 đạo luật lớn, đó là Luật Sở hữu Trí tuệ (2005), Luật Chuyển giao công nghệ (2006), Luật Công nghệ cao (2008). Đặc biệt, Luật KH và CN sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2013, có hiệu lực tháng 1.2014 đã bổ sung nhiều quy định mới, tạo hành lang và thủ tục thuận lợi để doanh nghiệp có thể huy động các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và từ chính doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ KH – CN.

Để cụ thể hóa hơn nữa các quy định pháp luật về KH – CN, Bộ KH và CN cũng đã trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách hướng vào phát triển năng lực KHCN trong DN như: Nghị định 119 khuyến khích, ưu đãi cho DN đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển; Nghị định 115 về cơ chế tự chủ, tự trịu trách nhiệm của tổ chức KH-CN công lập; chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của DN; chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Ngoài ra, Bộ KH và CN đã trình Chính phủ cho phép thành lập Quỹ phát triển KH – CN quốc gia; quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Các quỹ này đã mở thêm kênh tài chính cung cấp các khoản tài trợ, hỗ trợ vốn vay, bảo lãnh tín dụng… nhằm giúp DN, đăc biệt là DN nhỏ và vừa tiến hành các hoạt động nghiên cứu, đổi mới, phát triển công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Hoạt động KH – CN ở các bộ, ngành cũng được quan tâm và có chuyển biến tích cực. Hầu hết chương trình, đề án KH – CN chuyên ngành được Chính phủ giao các bộ chủ trì đã được triển khai, trong đó có những chương trình mang lại kết quả cao như: chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vục nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hay đề án “đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” của Bộ Thông tin và Truyền thông…

Nguyên Viện phó viện chiến lược và chính sách KH – CN, Ts Nguyễn Duy Thịnh cho biết: trong giai đoạn vừa qua chúng ta đã cơ bản hoàn thiện khung khổ pháp lý về KH – CN, từ năm 2000 sau khi ra đời Luật KH và CN đến nay có nhiều luật liên quan chặt chẽ đến vấn đề phát triển KH – CN. Vì vậy, về mặt khung khổ pháp lý tôi cho rằng tương đối đầy đủ, bám sát được cơ chế quản lý chung của các nước phát triển nhất là trong thời điểm hiện nay khi chúng ta đang hội nhập quốc tế và đã hòa nhịp với sự phát triển của thế giới. Các khung khổ pháp lý đó phần lớn phải tương hợp với thế giới phù hợp với yêu cầu khi chúng ta gia nhập WTO. 

Nhiều doanh nghiệp “phất” lên nhờ KH – CN

Theo các chuyên gia kinh tế, với những cơ chế, chính sách và chương trình trên đã bước đầu mang đến cơ hội, thúc đẩy nhiều doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ. Điển hình như Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) hàng năm đã trích 10% lợi nhuận trước thuế cho quỹ phát triển KH – CN, tương đương với 2.500 tỷ đồng. Ngoài ra còn lập Viện nghiên cứu và phát triển riêng. Viện trưởng viện nghiên cứu và phát triển Viettel Nguyễn Đình Chiến cho biết: đầu tư cho nghiên cứáu và phát triển (R-D) là một công thức phát triển bền vững của bất cứ tập đoàn, doanh nghiệp mạnh nào trên thế giới. Và Viettel cũng không nằm ngoài quy luật đó, đến nay Viện đã nghiên cứu, thiết kế được hơn 20 sản phẩm, trong đó có cả những sản phẩm phục vụ cho dân sự được đánh giá cao như: thiết bị cảnh báo sóng thần, cảnh báo hồ chứa, thiết bị giám sát nhà trạm, tủ nguồn, USB 3G… bình quân thu nhập của một kỹ sư khoảng 20 triệu đồng/tháng. Hay Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, trong giai đoạn 2006 – 2011 đã đầu tư gần 5.000 tỉ đồng cho KH – CN, với nhiều kết quả xuất sắc như: cụm công trình khoa học về tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoid và công trình giàn khoan tự nâng 90m nước…

Mặc dù chưa được kết nạp là “ông lớn” nhưng những gì mà công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông làm được cũng khiến nhiều DN phải nể. Trong giai đoạn khó khăn nhất, công ty đã quyết định đầu tư hàng trăm tỷ đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất mới như: lò thủy tinh không chì; lò thủy tinh sử dụng trợ đốt bằng điện; dây chuyền hàn dán LED SMD… Với sự đầu tư công nghệ này, sản phẩm được sản xuất theo quy trình khép kín, tiết kiệm thời gian, nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu của khách hàng về kích cỡ, kiểu dáng, giá thành. Bên cạnh đó, công ty còn tập hợp được đội ngũ các nhà khoa học lập ra Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R-D). Ngoài ra, hàng năm còn giành 2% doanh thu để đầu tư phát triển năng lực công nghệ và các dây chuyền sản xuất tiên tiến. Đặc biệt, công ty còn quyết định dành 20% lợi nhuận sau thuế hàng năm cho công tác nghiên cứu KH – CN. Mức thu nhập bình quân công ty đạt trên 9 triệu đồng/người/tháng. 

Có DN nhận thức chưa đầy đủ

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp coi đổi mới công nghệ là vấn đề “sống còn” thì phần nhiều DN ở ta vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò quan trọng của nghiên cứu phát triển và đầu tư đổi mới công nghệ. Từ nhận thức chưa đầy đủ này mà nhiều DN đã không đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2013 có khoảng 60.737 doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động. Trong đó số doanh nghiệp đã giải thể 9.818 đơn vị; số doanh nghiệp ngừng hoạt động 10.803 đơn vị; số doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký 40.116 đơn vị. Một trong những nguyên nhân dẫn đến DN phá sản là do trình độ công nghệ sản xuất lạc hậu, giá thành sản phẩm cao, gây ô nhiễm môi trường. Thống kê của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cũng cho thấy, hiện Việt Nam đầu tư cho R-D chỉ khoảng 0,7% GDP (tương đương khoảng 700 triệu USD), trong khi đó, tỷ lệ đầu tư cho R-D/GDP tại Hàn Quốc là 3,57%, Trung Quốc 1,7% (năm 2009) và Ấn Độ 0,76% (năm 2007). Điều đáng nói là mức đầu tư trên chiếm 70% là ngân sách của Chính phủ, DN và xã hội chỉ chiếm 30% còn lại. Thực tế này phản ánh sự chậm đổi mới, nhiều DN vẫn sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 – 3 thế hệ. Tỉ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các DN Việt Nam chỉ đạt dưới 0,05% doanh thu. Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2012 – 2013 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cũng chỉ ra rằng, mức độ hấp thụ công nghệ của nước ta đứng vị trí rất thấp (98/133).

Trước thực tế trên, các chuyên gia cho rằng DN muốn thành công đòi hỏi người lãnh đạo – người đi tiên phong sớm nhận ra giá trị và tầm quan trọng của KH – CN để có những bước đi mới, ứng dụng công nghệ mới. Đặt mục tiêu đúng sẽ có chiến lược đúng, điều này càng có ý nghĩa đối với DN vừa và nhỏ. Là chuyên gia nghiên cứu về chính sách, đồng thời là nhà quản lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách – ĐHQG Hà Nội Nguyễn Đức Thành khẳng định, tình hình kinh tế khó khăn chung rồi cũng sẽ đi qua, nhưng nếu DN không mạnh dạn đổi mới công nghệ thì khó khăn sẽ vẫn còn tiếp tục, do khả năng cạnh tranh sẽ thấp. Chỉ có con đường đổi mới công nghệ mới mong tăng giá trị cạnh tranh và phát triển bền vững. Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh cũng cho rằng, một trong những giải pháp rất quan trọng là dứt khoát phải đưa KH – CN trở thành động lực chủ yếu trong tăng trưởng. KH – CN là cứu cánh cho tất cả doanh nghiệp, chỉ cạnh tranh được bằng chính KH – CN. Samsung là một ví dụ. Một sản phẩm điện thoại bán bao nhiêu triệu chiếc, mỗi năm sản xuất ra thu về bao nhiêu tỷ USD. Một lượng nguyên liệu ít, đơn giản nhưng giá trị rất cao. Ngược lại, chúng ta sử dụng một khối lượng nguyên liệu sắt thép, linh kiện khổng lồ mà bán rẻ như bèo thì không có cạnh tranh. Cho nên, muốn năng suất lao động tăng, muốn cạnh tranh thì KH – CN và quản trị là những yếu tố quyết định vấn đề của DN.

Ủng hộ ý kiến người đồng cấp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH và CN Nguyễn Quân khẳng định, Bộ KH và CN hết sức coi trọng vai trò của các DN, đặc biệt là những DN có tinh thần khoa học, dám ứng dụng các tiến bộ KH – CN trong nước và quốc tế để tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh. Đổi mới sáng tạo được xem là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Trong đó phải kể đến việc đổi mới công nghệ và quản trị được xem là chìa khóa, là nhân tố quyết định góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tạo nền tảng để tăng cường năng lực cạnh tranh của DN và hướng đến nền kinh tế phát triển một cách bền vững.

Chí Tuấn
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân