Chính sách tỷ giá nào?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo thống kê về các chỉ số tháng 1/2009, nền sản xuất trong nước có dấu hiệu thu hẹp mà biểu hiện của nó là giá trị sản xuất công nghiệp bị giảm đáng kể, toàn ngành công nghiệp giảm 8,6% so với tháng trước và 4,4% so với cùng kỳ năm trước; CPI chỉ tăng 0,32%; xuất nhập khẩu chỉ tăng ở mức thấp … Chính phủ đang nỗ lực có các giải pháp chính sách, trong đó, chính sách tỷ giá hối đoái để duy trì sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, bảo đảm việc làm…

Yêu cầu thúc đẩy thương mại quốc tế

Theo con số thống kê xuất khẩu tháng 1 chỉ đạt 3, 8 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với tháng 1 và tháng 12 năm trước, trong đó dầu thô 424 triệu USD, dệt may 550 triệu USD, giày dép 350 triệu USD. Nhập khẩu tháng 1 cũng đạt ở mức thấp: 4,1 tỷ USD. Nhập siêu tháng 1/2009 chỉ ở mức 300 triệu USD, thấp nhất từ tháng 10/2008 đến nay. Tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu chỉ vào khoảng 7,9%. Dự báo khả năng xuất khẩu, nhập khẩu và nhập siêu cả năm 2009 có thể ở mức thấp; tình hình có thể lặp lại như năm 1999, xu hướng tương tự. Như vậy yêu cầu đẩy mạnh xuất khẩu cần phải được đặt ra ngay từ đầu năm 2009.

Một loạt giải pháp tăng cường khả năng cạnh tranh của hàng VN đã được Chính phủ áp dụng để hỗ trợ DN: giảm lãi suất ngân hàng (qua giảm trực tiếp lãi suất ngân hàng và hỗ trợ lãi suất từ ngân sách); giảm thuế, giãn thuế; và đáng quan tâm là chính sách tỷ giá hối đoái đang trở nên khá quan trọng.

Điều chỉnh giảm giá nội tệ: con dao hai lưỡi

Theo thống kê của IMF, đến cuối năm 2007, VND lên giá đáng kể so với các ngoại tệ (tăng khoảng 6 % so với USD). Đây là hệ quả của luồng vốn vào quá nhiều; Sự bùng nổ tín dụng nội địa, thâm hụt thương mại gia tăng đáng lo ngại trong 2007-2008 là hệ quả tất nhiên trong bối cảnh đó.  

Diễn biến tỷ giá USD/VND trong 3 tháng qua

Chỉ từ một năm trở lại đây, việc “từng bước” điều chỉnh giảm giá VND so với các đồng tiền của đối tác thương mại (chủ yếu là USD) đã được Việt Nam thực hiện khá phổ biến. Trong năm 2008, NHNN đã nhiều lần điều chỉnh tỷ giá VND/USD theo hướng từng bước phá giá VND theo các đồng tiền của đối tác thương mại; ước cả năm mức phá giá khoảng 10%. Gần đây nhất, trên cơ sở dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2009, ngày 25/12/2008, NHNN điều chỉnh tỷ giá bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng lên mức 16.989 đ /USD 

Hiện tại (đầu 2/2009), mặt bằng tỷ giá mới đã được xác lập: Tỷ giá bình quân trên thị trường liện ngân hàng là: 1 USD = 16.977,00 VND; và tỷ giá mua bán USD tại các NHTM phổ biển là: 1 USD = 17.480/486 VND. Cơ quan quản lý kỳ vọng rằng mức này sẽ góp phần hỗ trợ xuất khẩu, giảm nhập siêu và đảm bảo khả năng chịu đựng được của cán cân thanh toán quốc tế; đồng thời hạn chế tâm lý kỳ vọng tỷ giá sẽ tăng cao quá nhanh, tạo điều kiện cho DN chủ động xây dựng phương án sản xuất kinh doanh ổn định. Các động thái của NHNN gần đây đang chứng tỏ cơ quan này đang cố gắng tiếp tục chủ động trong việc điều chỉnh tỷ giá theo định hướng trên.

Kinh nghiệm cho thấy, hiệu quả của các giải pháp tiền tệ thường nhanh. Tuy nhiên, trong trường hợp phá giá đồng nội tệ nó sẽ làm tăng gánh nặng nợ cho nền kinh tế và các DN đang vay nợ ngoại tệ. DN có thể bị phá sản khi gánh nặng nợ này tăng đột biến, quá sức chịu đựng được. Việc phá giá quá mạnh cũng có thể tác động đến luồng vốn vào như bài học của Thái Lan năm 1997…  Như vậy, khi điều hành tỷ giá, vấn đề cứu DN xuất khẩu và nhập khẩu cũng đều cần được cân nhắc. Hơn thế, việc điều hành tỷ giá như thể nào để đảm bảo sự ổn định luồng vốn đầu tư nước ngoài (trực tiếp và gián tiếp) trong điều kiện Việt Nam hiện nay càng phải được tính toán cẩn trọng.

Theo số liệu năm 2008, dư nợ vay ngoại tệ của các DN trong nước ước khoảng 22% tổng dự nợ của nền kinh tế. Tổng nợ nước ngoài của VN khoảng 31% GDP; đó là tỷ lệ trong mức an toàn nhưng cũng khá cao. Luồng vốn đầu tư gián tiếp ước khoảng 9 tỷ USD… Các con số này cho dù không lớn, những rõ ràng việc điều chỉnh giảm giá VND không phù hợp (như quá đột ngột, quá mạnh…) sẽ có thể gây ra các hiệu ứng không tốt.

Khi điều hành tỷ giá, vấn đề cứu DN xuất khẩu và nhập khẩu cũng đều cần được cân nhắc.

Thạc sỹ Lê Văn Hinh
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp