Cho thuê lại lao động: Khó vì thủ tục
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Luật hóa hoạt động cho thuê lại lao động

Đây là đánh giá của các chuyên gia lao động tại hội thảo về những cơ hội và thách thức của thị trường lao động Việt Nam khi Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC) chính thức được thành lập do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ngay từ những năm 2000, Việt Nam đã xuất hiện hình thức cho thuê lao động, trong đó xuất hiện chủ yếu ở khu vực phía Nam, tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm như:  TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… Ở phía Bắc, hoạt động này mới xuất hiện trong những năm gần đây. Cho thuê lại lao động diễn ra thông qua việc một số doanh nghiệp (đã có giấy phép về hoạt động giới thiệu việc làm) ký hợp đồng lao động với người lao động, sau đó cho các doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều lao động thuê lại trên cơ sở “hợp đồng cung ứng lao động” hay “hợp đồng dịch vụ lao động”.

Nhằm cụ thể hóa về hoạt động này, tại Điều 53 BLLĐ quy định: “Cho thuê lại lao động là việc người lao động đã được tuyển dụng bởi doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động khác, chịu sự điều hành của người sử dụng lao động sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động ”. Do có tính chất đặc thù và khác biệt với quan hệ lao động thông thường nên Chính phủ đã ban hành Nghị định số: 55/2013/NĐ-CP ngày 22.5.2013 hướng dẫn BLLĐ về cho thuê lại lao động để điều chỉnh quan hệ lao động đặc biệt này nhằm tạo điều kiện cho việc thành lập các doanh nghiệp cho thuê lại lao động đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế và thị trường lao động. Tuy nhiên, từ khi BLLĐ có hiệu lực và văn bản hướng dẫn về lĩnh vực này thì trong thực tiễn việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp cho thuê lại lao động cũng gặp không ít khó khăn bởi những vướng mắc từ chính những quy định của pháp luật.

Tháo gỡ về thủ tục

Một trong những vướng mắc được các doanh nghiệp phản ánh nhiều nhất là thời hạn cho thuê lao động. Theo Khoản 2, Điều 54 BLLĐ,  thời hạn cho thuê lại lao động tối đa không quá 12 tháng. Đứng ở góc độ bên thuê lại lao động, quy định doanh nghiệp cho thuê không được tiếp tục cho thuê lại người lao động (người lao động thuê lại mà hợp đồng thuê vừa hết thời hạn) là không hợp lý bởi lẽ dù đi thuê lại lao động nhưng tâm lý người sử dụng lao động thuê lại cũng mong muốn có lực lượng lao động ổn định, dài hạn để có thể xử lý tốt nhất công việc tại doanh nghiệp thuê lại.

 Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cho thuê lại lao động được hiểu là “việc các tổ chức việc làm tư nhân (chủ sử dụng lao động chính) tuyển dụng lao động nhưng không trực tiếp sử dụng mà để cung cấp lao động cho bên thứ ba (doanh nghiệp trực tiếp sử dụng lao động). Doanh nghiệp sử dụng lao động có quyền giao việc cũng như giám sát người lao động trong việc thực hiện công việc được giao nhưng quyền lợi của người lao động lại do tổ chức việc làm tư nhân chịu trách nhiệm chính”.

Bên cạnh đó, theo quy định để được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:  Đã thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng;  bảo đảm mức vốn pháp định là 2 tỷ đồng trong suốt quá trình hoạt động; có trụ sở ổn định trong thời hạn ít nhất từ hai năm trở lên; và  người đứng đầu doanh nghiệp phải có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại lao động từ ba năm trở lên (Điều 5-NĐ55CP). Như vậy, ngoài điều kiện về tiền ký quỹ và vốn pháp định được xem là một gánh nặng tài chính đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì điều kiện về người đứng đầu doanh nghiệp phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực cho thuê lại lao động từ ba năm trở lên cũng khiến cho các doanh nghiệp lúng túng.

Thực tế cho thuê lại lao động là hoạt động phổ biến trên thế giới, được pháp luật nhiều nước ghi nhận và biểu hiện qua các công trình nghiên cứu của các chuyên gia. Việc ghi nhận chính thức hoạt động cho thuê lại lao động trong BLLĐ đã tạo ra hành lang pháp lý vững chắc cho các bên trong quan hệ cho thuê lại lao động, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động cũng như góp phần vào sự phát triển ổn định của thị trường lao động. Chính vì vậy, theo các chuyên gia pháp lý nếu không giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên sẽ dẫn tới những nguy cơ quyền lợi của người lao động bị xâm phạm do các doanh nghiệp lách luật cho thuê lao động “chui”.

Về vấn đề này, đại diện Bộ Tư pháp cũng cho rằng, nếu không nhanh chóng được giải quyết những bất cập trên thì không những kìm hãm sự phát triển của hoạt động cho thuê lại lao động mà còn khiến người lao động gặp nhiều rủi ro. Chẳng hạn, những khó khăn về điều kiện cấp giấy phép lao động và bị cấm đoán sẽ dẫn đến hoạt động cho thuê lao động “chui” hay như giới hạn không hợp lý về thời hạn thuê lại lao động sẽ dẫn đến tình trạng người lao động bị “đẩy” từ doanh nghiệp cho thuê lao động này sang doanh nghiệp cho thuê lao động khác để đáp ứng nhu cầu của bên thuê lại lao động theo thỏa thuận ngầm của các bên…

Đồng quan điểm, Luật sư Lê Đức Tiết cũng cho rằng một số vướng mắc trong quy định của pháp luật về cho thuê lại lao động nếu được tháo gỡ kịp thời sẽ góp phần giải quyết việc làm, kết nối cung – cầu lao động hiệu quả, điều tiết thị trường lao động, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Do đó Nhà nước cần  nhanh chóng phải có những hướng dẫn cụ thể  và  sửa đổi, bổ sung  phù hợp giúp các bên có liên quan, từ bên thuê lao động, bên thuê lại lao động và người lao động thuê lại yên tâm  tham gia vào hoạt động này.

Thái Yến
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân