Chống dịch thành công là ưu tiên số 1 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Thảo luận tại Hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự cố gắng của các địa phương trong thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, nhiều đại biểu Quốc hội đã bổ sung, đề xuất nhiều biện pháp thiết thực nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19 hiệu quả và kịp thời hơn. Đặc biệt, các đại biểu nhất trí cho rằng, việc Quốc hội kịp thời bổ sung nội dung phòng, chống dịch Covid – 19 vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Nhất là hết sức cần thiết, trong đó cho phép áp dụng các biện pháp chưa có luật hoặc khác với quy định của một số luật hiện hành.

Ưu tiên chăm lo sinh mệnh, nỗ lực bảo vệ sinh kế

6 tháng đầu năm 2021 cùng với quá trình chuyển giao bộ máy lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các đại biểu khẳng định, nước ta đã trải qua một giai đoạn gian nan bậc nhất của nền kinh tế. Nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, có thể thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chung tay của Quốc hội, sự nỗ lực của toàn dân, Chính phủ đã khá chủ động, linh hoạt, uyển chuyển trong việc đối phó với đại dịch để vừa bảo đảm thực hiện mục tiêu chống dịch, vừa duy trì được phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, ưu tiên chăm lo sinh mệnh, nỗ lực bảo vệ sinh kế cho người dân.

<img alt="Đại biểu Quốc hội Nguyễn Cao Sơn ( Hòa Bình) phát biểu tại hội trường về phòng chống dịch Covid-19 Ảnh: Lâm Hiển" src="” width=”850px” />
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Cao Sơn ( Hòa Bình) phát biểu tại hội trường về phòng chống dịch Covid-19
Ảnh: Lâm Hiển

Qua quá trình phòng chống, dịch Covid – 19, đã có rất nhiều bài học quý được rút ra. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) cho biết, công tác phòng, chống dịch Covid – 19 được thực hiện một cách khẩn trương, quyết liệt, linh hoạt, thận trọng từ trung ương đến các cấp chính quyền địa phương. Nhiều địa phương có sáng tạo trong phòng, chống dịch như Hà Nội chia thành 3 tầng trong quản lý, chăm sóc người nhiễm bệnh. TP. Hồ Chí Minh theo mô hình tháp 4 tầng. Nam Định thực hiện chiến lược khoanh vùng gọn, cách ly kịp thời, thần tốc truy vết, xét nghiệm, sàng lọc, điều trị tích cực ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Thủ tướng Chính phủ cũng trực tiếp gặp gỡ các nhà khoa học, nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vaccine Nano Covax, thành lập Quỹ phòng, chống dịch Covid – 19. Công tác truyền thông rộng rãi, thông tin kịp thời, minh bạch để an dân, giữ vững trật tự ổn định xã hội.

Hay rõ nhất là sự chấp nhận gian khổ, hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch, sự sẻ chia, chi viện giữa các địa phương. Ngay tại Hội trường Diên Hồng, thay mặt Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đã cảm ơn Nhân dân cả nước luôn theo dõi tình hình dịch Covid – 19 của thành phố, hỗ trợ cả về vật chất, tinh thần, tài chính, nguồn nhân lực y tế, tiếp thêm sức mạnh, năng lượng tích cực giúp thành phố yên tâm chống dịch, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Tương tự, với Bình Dương, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân cho biết, chỉ qua một ngày phát hành công văn khẩn thiết kêu gọi sự chi viện, hỗ trợ, những đoàn xe, chuyến bay đưa những con người nghĩa tình đã đến với đất và người Bình Dương, giúp cho hệ thống chính trị tỉnh nhà vững vàng cùng cả nước, trước mắt là vượt qua cơn hoạn nạn – đợt bùng phát dịch Covid – 19 thứ tư này.

Lắng nghe, điều chỉnh kịp thời

Covid – 19 chắc chắn còn hoành hành dữ dội trên phạm vi toàn cầu, đây là một dịch bệnh diễn biến khó lường, lì lợm, tàn nhẫn và không dễ gì kiềm chế được, gây ra sự tốn kém, mất mát, đứt gãy nền kinh tế. Trước tình hình trên, nhiều đại biểu cho rằng, Chính phủ cần xây dựng kịch bản phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid – 19. Trong đó, chống dịch luôn được ưu tiên, làm trước, làm quyết liệt, vì chỉ chùng xuống vài ngày thôi là dịch sẽ vượt tầm kiểm soát. Chống dịch tốt mới bảo đảm tính mạng của Nhân dân và chỉ khi dịch ổn định, mới phát triển được kinh tế.

Một số đại biểu nêu quan điểm, dù chúng ta kiên định thực hiện mục tiêu kép nhưng có thể thấy rõ, tình hình sản xuất, kinh tế rất khó khăn, nguồn thu ngân sách suy giảm, không chỉ năm nay mà còn cả những năm sau. Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ cần tính toán để tiết kiệm tối đa các khoản chi thường xuyên, khoản chi chưa cần thiết, giảm thiểu hội thảo, hội họp, đi công tác đông người, tạm dừng dự án đầu tư công chưa thiết thực, không trọng điểm. Qua đó, tập trung nguồn lực phục vụ cho phòng, chống dịch, tập trung tiền mua vaccine, sản xuất vaccine trong nước, bố trí đủ kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế cho các hệ thống phòng, chống dịch bệnh toàn quốc, tạo thành thế trận phòng, chống dịch Covid – 19 toàn diện phủ kín cả nước.

Một kết quả được nhiều đại biểu nhấn mạnh, đó là Quốc hội đã, đang và luôn đồng hành với Chính phủ trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh. Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai), trong nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã ban hành nhiều chính sách để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, của doanh nghiệp nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh ổn định đời sống, như gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam, bổ sung vốn điều lệ cho một số ngân hàng bằng ngân sách nhà nước… Tuy nhiên, trên thực tế, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương thẳng thắn, việc triển khai trên thực tế còn chậm, thậm chí có những chính sách chưa được triển khai do không có hướng dẫn cụ thể hoặc chưa sát với thực tiễn… Do vậy, thời gian tới, Chính phủ cần rà soát các văn bản, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, kịp thời.

Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét thông qua việc bổ sung nội dung phòng, chống dịch Covid -19 vào nghị quyết chung của kỳ họp. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) phân tích thêm: “Đây là sự lắng nghe, điều chỉnh kịp thời của Quốc hội khi đang phát sinh những vướng mắc về mặt pháp lý, đồng thời xuất hiện tâm lý sợ trách nhiệm, trông chờ, dựa vào cấp trên của một bộ phận cán bộ chủ trì trực tiếp ở những cấp có quyết định mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế. Hơn nữa, dù Chính phủ đã ra nghị quyết, chỉ thị liên quan đến phòng, chống Covid-19, nhưng dưới góc độ quản lý nhà nước, các quy định chỉ đạo của Chính phủ vẫn chưa đủ mạnh, quy trình thủ tục còn độ trễ lớn”.

Trước thực tế này, nhiều đại biểu khẳng định, việc Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyền chủ động quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp mà pháp luật quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid – 19, quyết định việc áp dụng các biện pháp chưa có luật hoặc khác với quy định của một số luật hiện hành để kịp thời ứng phó với đại dịch chưa từng có trên thế giới là rất cần thiết. Việc này tương tự như việc Quốc hội thí điểm một số chính sách mới đặc thù theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) chỉ rõ.

Công cuộc phòng, chống đại dịch Covid – 19 sẽ còn cam go, khốc liệt, thậm chí chưa rõ điểm dừng. Do vậy, hơn lúc nào hết, điều được nhiều đại biểu quan tâm chia sẻ, đó là cần tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy những bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch vừa qua để kiểm soát thành công đợt dịch lần này, sớm mang lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân, hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người, phục hồi phát triển kinh tế. Trong những bài học đó có bài học về huy động sức dân. Đặc biệt, nhiều đại biểu nói rằng, mọi kế hoạch dù có hay đến đâu, có hoàn hảo đến đâu thì quan trọng vẫn phải là khâu tổ chức thực hiện và yếu tố con người. Như phân tích của đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), thì “mỗi địa phương có thể bị phân chia về địa lý, địa giới hành chính, nhưng tấm lòng người Việt chưa bao giờ lấy không gian, lãnh thổ mà chia cắt tâm tư, dẫu trong gian khó hay vinh quang”.

Một ngày dành cho nội dung thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch Covid-19, đã có 39 đại biểu Quốc hội phát biểu, 4 đại biểu tham gia tranh luận và còn 37 đại biểu đăng ký phát biểu. Chia sẻ với khó khăn của đất nước, của dân tộc trong giai đoạn khó khăn này, từ phòng họp Diên Hồng, dù mỗi đại biểu một cách thể hiện chính kiến, song âm hưởng chung toát lên, đó là một Quốc hội luôn chung sức đồng lòng với Chính phủ và Nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc chiến chống “giặc Covid”.