Chủ động và quyết tâm hành động 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Hôm qua, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã dành trọn một ngày để thảo luận các dự thảo Văn kiện trình Đại hội. 23 đại biểu, từ thực tiễn tại địa phương, công tác quản lý ngành, đã chắt lọc, tổng kết và đưa ra nhiều đề xuất quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển đột phá trong nhiều lĩnh vực, từ đó, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng mà dự thảo Văn kiện đề ra.

Xem xét ban hành nghị quyết thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn lên thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Nền kinh tế không chỉ tăng trưởng về quy mô mà chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao. Tuy nhiên, nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu.

Nêu thực tế này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá cao việc dự thảo Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII đã xác định xây dựng kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021 – 2030. “Kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt”. 

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương chính sách về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải. Đến nay, một số cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đã được thể chế hóa trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Việt Nam cũng đã có một số mô hình tiếp cận với kinh tế tuần hoàn. Nhận thức trong xã hội về quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong toàn xã hội cũng đã đầy đủ hơn.

Dù có những thuận lợi như vậy, nhưng để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Theo đó, ngay từ những năm đầu của thập niên 2021 – 2030, cần tập trung triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội hợp tác trong tiếp cận và tiếp nhận chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững đất nước. 

“Nhà nước cần thực hiện tốt vai trò kiến tạo để doanh nghiệp, người dân phát huy vai trò trung tâm trong xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Cần xem phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp tất yếu để nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững; phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, tạo việc làm… Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII cần xem xét ban hành Nghị quyết về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất.

Tạo khuôn khổ pháp lý mới phát triển kinh tế tri thức

Đề cập đến một vấn đề mang tính chiến lược khác là phát triển kinh tế tri thức, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định, đây là xu thế tất yếu.

Thực chất, quan điểm về phát triển kinh tế tri thức đã được đề cập, bàn bạc và được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau từ những năm đầu thời kỳ đổi mới. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và nhiều văn bản chính thức của Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định vị trí, vai trò kinh tế tri thức trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta, rất coi trọng vận dụng các yếu tố của kinh tế tri thức, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ và đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.

Thực tế tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, việc triển khai các giải pháp để phát triển kinh tế tri thức đã góp phần đưa kinh tế thành phố đạt mức tăng trưởng khá cao. Nếu không tính năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giai đoạn 2016 – 2019, GRDP của thành phố tăng bình quân 7,72%, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước, đóng góp hơn 22% GDP quốc gia, hơn 26% thu ngân sách cả nước.

Từ kinh nghiệm của các nước và thực tiễn tại địa phương, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh 7 giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế tri thức thời gian tới. Giải pháp đầu tiên, quan trọng nhất là đổi mới cơ chế, chính sách, tạo lập khuôn khổ pháp lý mới phù hợp với sự phát triển nền kinh tế tri thức, cần thiết xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế tri thức giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045.

“Chiến lược này cần đánh giá đúng thực trạng, xác định rõ quan điểm phát triển kinh tế tri thức, chỉ rõ mô hình, mục tiêu, khâu đột phá và định hướng phát triển kinh tế tri thức, đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung đề ra. Trong chiến lược cần xác định và triển khai lộ trình, bước đi và giải pháp thích hợp, xác định rõ những khâu, những bước đột phá, không dàn trải; trước mắt ưu tiên phát triển kinh tế tri thức tại ngành ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ, các đô thị lớn, các vùng kinh tế trọng điểm để tạo nền tảng, lan tỏa đến các ngành, địa phương khác. Ngoài ra, Chiến lược cần nhấn mạnh khâu phân tích, tổng hợp kết quả đạt được định kỳ hàng năm để đánh giá rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời các định hướng, giải pháp phù hợp xu hướng phát triển kinh tế toàn cầu”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phân tích.

Cùng với đó, phải đổi mới cơ chế quản lý nhà nước về khoa học – công nghệ. Cơ chế này phải hướng đến thúc đẩy khoa học – công nghệ thực sự gắn kết với sản xuất – kinh doanh, khoa học xâm nhập vào thực tiễn sản xuất – kinh doanh làm ra của cải và tri thức mới phục vụ trực tiếp công cuộc phát triển kinh tế  – xã hội… “Phải không ngừng cải cách, đổi mới để bảo đảm vai trò dẫn dắt, quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế. Cần có cơ chế đặc thù để các khu công nghệ cao, khu công viên phần mềm phát huy vai trò là trung tâm đổi mới sáng tạo. Trên cơ sở đó, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng hàm lượng tri thức, tập trung phát triển các ngành công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, từng bước thoát dần bẫy thu nhập trung bình”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

<img alt="" src="” width=”850px” />
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày tham luận tại Đại hội  

Ảnh: Dương Giang 

Chuyển sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”

Được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm trong phiên thảo luận hôm qua là, làm thế nào để chuyển đổi từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp” thích ứng với biến đổi khí hậu và xu thế thị trường? Từ kinh nghiệm thực tiễn của Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong cho rằng, trước hết, phải thay đổi từ nhận thức đến hành động, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, tiến tới lan tỏa từ lãnh đạo các cấp tới nông dân.

Thay đổi nếp nghĩ, hình thành tư duy mới đòi hỏi sự chuyển động đồng bộ trong cả hệ thống chính trị tỉnh, từ cấp lãnh đạo cao nhất đến từng nông dân. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp xem việc thực hiện tuyên truyền về tầm quan trọng của việc chuyển đổi từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp” là nhiệm vụ chính trị quan trọng, hướng đến tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và từng bước lan tỏa đến nông dân.

“Phải xác định chuyển đổi tư duy là việc chung của cả hệ thống chính trị, chứ không phải việc riêng của ngành nông nghiệp”. Nhấn mạnh điều này, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cũng chỉ rõ, phương thức lãnh đạo, điều hành trong cơ chế “tư duy kinh tế nông nghiệp phải” bảo đảm theo quy luật cung – cầu, phát triển cả 3 thị trường, đó là thị trường giao ngay, thị trường doanh nghiệp – doanh nghiệp (B2B) và thị trường tương lai; lựa chọn và phát triển các khâu, các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị; phát triển hạ tầng thương mại phục vụ cho nông sản, đặc biệt là theo mô hình “kinh tế xanh”, “kinh tế tuần hoàn” mà dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã định hướng; chú trọng chất lượng và giá trị gia tăng; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với việc kiến tạo, phát triển nền nông nghiệp hiện đại theo hướng ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, bao gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), công nghệ nền tảng, công nghệ truyền thông và giao tiếp (ICT), tích hợp công nghệ sinh học, công nghệ nano và cơ giới hóa.

Và một giải pháp quan trọng nữa được “chưng cất” từ thực tiễn của Đồng Tháp là cán bộ các cấp thường xuyên đi thực tế, tiếp xúc, gặp gỡ doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã thông qua các buổi trò chuyện, hội thảo để định hướng, lắng nghe và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Để làm tốt vai trò người định hướng, “truyền lửa”, hỗ trợ, cần chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phụ trách công tác nông nghiệp và nông thôn mới. Đối với nông dân, tiếp tục chú trọng cập nhật, bồi dưỡng kiến thức, giúp nông dân thay đổi nhận thức, tư duy kinh tế thị trường và phương thức sản xuất mới, với quan điểm xem nông dân là một nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

Rất nhiều đề xuất xác đáng như vậy đã được các đại biểu tổng kết, chắt lọc từ thực tiễn hoạt động của lĩnh vực mình, ngành mình, địa phương mình để đóng góp cho Đại hội tiếp tục hoàn thiện các dự thảo Văn kiện. 

Mục tiêu và khát vọng phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, như chia sẻ của các đại biểu, không chỉ là mục tiêu và khát vọng của Ban Chấp hành Trung ương hay hơn 5,1 triệu đảng viên. Đó là mục tiêu và khát vọng chung của gần 100 triệu người dân Việt Nam. Những ý kiến tâm huyết, xác đáng của các đại biểu trong ngày đầu tiên Đại hội thảo luận về dự thảo Văn kiện đã thêm một lần nữa cho thấy điều đó; đồng thời cũng thể hiện tâm thế chủ động và quyết tâm hành động của đội ngũ cán bộ chủ chốt của Đảng với những giải pháp, chiến lược rõ ràng để hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng này.