Chủ nhiệm Lê Thị Nga hồi âm “đòi” đánh giá công bằng của Tổng Kiểm toán
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Uỷ ban Tư pháp cân nhắc thận trọng, đánh giá khách quan cả mặt tích cực và hạn chế, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga hồi âm ý kiến của Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc.

Như VnEcnomy đã thông tin, sáng 13/11 Tổng Kiểm toán đã dùng quyền tranh luận cho rằng đánh giá của Uỷ ban Tư pháp tại báo cáo thẩm tra công tác phòng chống tham nhũng năm 2018 với cơ quan này là chưa công bằng.

Theo báo cáo, Uỷ ban Tư pháp nhận định, việc kiến nghị xử lý hình sự qua hoạt động thanh tra, kiểm toán còn ít. Những hạn chế trong việc kiến nghị xử lý hình sự qua công tác kiểm toán đã tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa được khắc phục.

Khẳng định Kiểm toán Nhà nước trong thời gian vừa qua đã có những đóng góp rất lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng, ông Phớc muốn được đánh giá công bằng trước Quốc hội.

Cuối phiên thảo luận chiều cùng ngày, Chủ nhiệm Lê Thị Nga giải thích, theo luật định, Uỷ ban Tư pháp không có chức năng đánh giá toàn diện hoạt động của Kiểm toán nhà nước mà chỉ có trách nhiệm đánh giá kết quả hoạt động của cơ quan này trong việc phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán.

“Trong nhiều năm nay, khi đánh giá về vấn đề này, Ủy ban Tư pháp đều cân nhắc rất thận trọng, đánh giá khách quan cả mặt tích cực và mặt hạn chế dựa trên các số liệu phân tích trong báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ, báo cáo công tác của Kiểm toán nhà nước.

Cụ thể, trong báo cáo năm nay, Uỷ ban Tư pháp đã nêu rõ, …cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ về những kết quả tích cực trong công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo…. Theo đó, công tác thanh tra, kiểm toán tiếp tục được tăng cường, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng… cơ bản hoàn thành việc thanh tra, kiểm toán kết luận thanh tra, kiểm toán các dự án thua lỗ, thất thoát lớn…

Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã phát hiện và kiến nghị thu hồi cho ngân sách Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng trăm ha đất; kịp thời phát hiện nhiều bất cập, sơ hở trong chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện sau thanh tra, kiểm toán được tăng cường và đã đạt những kết quả đáng ghi nhận..

Uỷ ban Tư pháp cũng đã chú thích, dẫn chứng cụ thể nhiều kết quả tích cực trong hoạt động của kiểm toán. Như, thanh tra, kiểm toán nhà nước đã tiến hành thanh tra, kiểm toán các dự án đầu tư lớn tại các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản; đầu tư theo hình thức BOT, BT; quản lý vốn nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước…

Hay, qua công tác kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 97.189,2 tỷ đồng (tăng 144,6%), trong đó, các khoản tăng thu: 19.053 tỷ đồng; các khoản giảm chi: 20.150,5 tỷ đồng; xử lý tài chính khác: 57.985,7 tỷ đồng.

Bà Nga cho biết, Uỷ ban Tư pháp có lưu ý đến một số hạn chế của công tác thanh tra, kiểm toán trong công tác phòng chống tham nhũng. Như, còn một số trường hợp thanh tra, kiểm toán chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc kiến nghị xử lý hình sự qua hoạt động thanh tra, kiểm toán còn ít và hạn chế này đã tồn tại qua nhiều năm.

“Các số liệu để dẫn chứng cho đánh giá này đều được lấy từ báo cáo công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ và báo cáo của Kiểm toán Nhà nước”, bà Nga nhấn mạnh.

Lý do đánh giá như trên được bà Nga giải thích: theo quy định của Bộ Luật hình sự thì đối với hành vi có dấu hiệu tham nhũng, tài sản tham nhũng có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên là có dấu hiệu của tội phạm hình sự, một số sai phạm trong quản lý kinh tế thì gây thất thoát từ khoảng 50 triệu đồng trở lên là đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Trong khi đó, qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước phát hiện sai phạm rất lớn (kiến nghị xử lý tài chính 97.189,2 tỷ đồng, nhưng chỉ kiến nghị xử lý hình sự 4 vụ là có dấu hiệu chưa tương xứng với tình hình vi phạm trong quản lý tài chính công, tài sản nhà nước theo phản ánh của dư luận cử tri.

Vì vậy, đồng thời với đánh giá này, Uỷ ban Tư pháp đã kiến nghị “đề nghị Tổng kiểm toán nhà nước đề ra giải pháp hữu hiệu để chống việc bỏ lọt tội phạm thông qua công tác kiểm toán, tăng cường chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định của pháp luật”.

Chúng tôi một lần nữa khẳng định, đánh giá của tập thể Uỷ ban Tư pháp về những ưu điểm và hạn chế của hoạt động kiểm toán trong công tác phòng chống tham nhũng nêu tại báo cáo thẩm tra là có căn cứ, thận trọng, khách quan, cân đối cả ưu điểm và hạn chế, bà Nga nói.