Chưa giảm hàng tồn kho- Doanh nghiệp khó vay vốn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thưa ông, hiện có nhiều ý kiến cho rằng, dù lãi suất đã hạ nhưng DN vẫn khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng?

– NHNN cũng vừa nhóm họp với các ngân hàng, trong đó có nêu ra vấn đề này. Theo tôi, thực ra không phải là các DN không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng khi mà các ngân hàng vẫn muốn cho vay. Vấn đề bây giờ là hàng tồn kho của các DN quá lớn, họ không luân chuyển được hàng, hàng hóa không bán được, nên DN không có dòng tiền để hoàn trả. Câu chuyện đặt ra hiện nay là họ vay vốn để làm gì? Nhiều ý kiến cho rằng, các DN vẫn phải vay vốn với lãi suất trên 16-17%/năm, nhưng riêng Eximbank thời gian vừa qua cho vay với mức lãi suất 14-15%/năm. Đặc biệt gần đây nhất, Eximbank đã triển khai chương trình cho vay 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 6%/năm, và trong vòng một tuần qua đã giải ngân được khoảng gần 2.000 tỷ đồng. Dẫn chứng vậy để thấy rằng, DN tốt vẫn tiếp cận được vốn của ngân hàng. Còn đối với các DN xin vay nhưng hàng tồn kho nhiều quá, vay vốn cũng chỉ để chất thêm hàng tồn kho thì ngân hàng nhất quyết không cho vay.

Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) – Trương Văn Phước

Tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng thời gian qua vẫn ở mức âm, theo ông đây có phải là dấu hiệu bất thường của nền kinh tế? Ông kỳ vọng thế nào về sự tăng trưởng tín dụng của ngân hàng trong thời gian tới?

– Theo tôi, việc tăng trưởng tín dụng âm là hiện tượng rất bình thường, bởi vì muốn tăng trưởng tín dụng không khó. Hiện nay có nhiều DN đang xếp hàng xin vay vốn, và chỉ cần cho vay ra là dư nợ tăng lên. Nhưng ngân hàng chấp nhận dư nợ giảm xuống bởi vì tích tụ rủi ro vào hàng tồn kho trong bối cảnh không có đầu ra, theo tôi, đó là một giải pháp kinh doanh tín dụng không thông minh và đối với DN – đó cũng là một giải pháp kinh doanh thương mại không thông minh. Tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 5, theo số liệu NHNN công bố, là âm 0,2% so với ngày 31/12/2011, trong đó Eximbank cũng bị âm khoảng gần 5%. Nhưng vì sao, thay vì cho vay ra với mức lãi suất 14-15%/năm nhiều ngân hàng lại chọn giải pháp gửi tiền vào liên ngân hàng với mức lãi suất chỉ từ 3-4%? Theo tôi, bởi vì đó là giải pháp an toàn trong bối cảnh cho vay ra thì ngân hàng sẽ gặp nhiều nguy hiểm. Tuy nhiên, có một thực tế là giá xuống thì cầu tăng. Với lãi suất 14-15%/năm cùng các biện pháp kích cầu nền kinh tế của Chính phủ, hy vọng sẽ tạo ra những cơ hội kinh doanh mới. Tôi cũng hy vọng năm nay, tổng dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng có thể tăng lên khoảng 10%/năm, còn tại Eximbank là khoảng 10-12%/năm. Như vậy từ nay đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng 1 tháng có thể tăng 1,5-1,7%.

Để nguồn tín dụng của ngân hàng phát huy hiệu quả, theo ông mức lãi suất nào là phù hợp và Chính phủ cần làm gì để giúp DN vượt qua khó khăn như hiện nay?

– Tôi có thể khẳng định, mức lãi suất 14-15% là phù hợp để DN thoát khỏi khó khăn. Các ngân hàng thương mại cũng đang thực hiện hạ dần mặt bằng lãi suất, tuy nhiên, cần phải có lộ trình và hạ dần dần. Theo tôi, với mức lạm phát kỳ vọng cuối năm ở mức 7-8% thì lãi suất tiền gửi cũng tương ứng giảm về mức 9-10% và lãi suất cho vay là 13-14 %. Đây là mức lãi suất tốt nhất của nền kinh tế. Tuy nhiên, để DN tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thì phải quay trở lại vấn đề như tôi nói ban đầu, đó là phải giải quyết được lượng hàng tồn kho. Trên thế giới, bất cứ nước nào giảm tổng cầu thì lạm phát đều giảm xuống. Như chúng ta đã biết, tổng cầu là một cấu phần trong GDP, nên cắt giảm tổng cầu là GDP giảm. Năm nay, nước ta đang phấn đấu GDP ở mức 5-5,5%, nhưng nếu tín dụng không ra được, không kích cầu được thì mục tiêu GDP đạt mức ấy cũng rất khó khăn. Do vậy, cần phải tạo sức cầu của nền kinh tế. Mà việc tăng sức cầu của nền kinh tế không phải là do riêng chính sách tiền tệ tạo nên, mà phải là sự kết hợp đồng bộ của các chính sách khác, như: Chính sách tài khóa, chính sách đầu tư công,…

 Xin cảm ơn ông!

Thùy Linh (thực hiện)
Nguồn: Báo điện tử Công thương