Chưa như kỳ vọng… 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc và việc quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp năm 2019, trong số các dự án đầu tư tại nước ngoài, có 47 dự án bị lỗ lũy kế với số lỗ lũy kế hơn 1 tỷ USD. Một số dự án chưa báo cáo doanh thu, lợi nhuận nên chưa có cơ sở để đánh giá về hiệu quả đầu tư của các dự án này…

Báo cáo cũng đưa ra đánh giá: Nhìn chung, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chưa đạt được như kỳ vọng đầu tư. Ngoài những nguyên nhân khách quan như chính trị, chính sách đầu tư nước sở tại… nguyên nhân chủ quan là vấn đề về năng lực quản lý, quản trị rủi ro, năng lực dự báo thị trường và kinh nghiệm trong đầu tư ra nước ngoài.

Cụ thể, theo báo cáo của các cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp, tính đến ngày 31.12.2019 có 27 doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư tại 130 dự án, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản, xây lắp và vận tải hàng không, bệnh viện, chế biến dược phẩm… Lũy kế đến ngày 31.12.2019, 10/27 doanh nghiệp đã có thu hồi vốn đầu tư từ các dự án tại nước ngoài với số tiền hơn 2,981 tỷ USD, bằng 45,72% vốn đầu tư đã thực hiện.

Năm 2019, có 87/130 dự án báo cáo về doanh thu, lợi nhuận với tổng doanh thu tại nước ngoài là hơn 7,021 tỷ USD, bằng 127,16% so với năm 2018. Trong đó, 53 dự án có lợi nhuận với tổng lợi nhuận 565 triệu USD, tăng 39 triệu USD và bằng 107,42 % so với năm 2018; 33 dự án bị lỗ với số lỗ là 156 triệu USD giảm 201 triệu USD và bằng 43,74% so với năm 2018. Số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam là 206,3 triệu USD, giảm 25,04 triệu USD và bằng 89,18% so với năm 2018…

Bên cạnh đó, còn những dự án khó khăn, tiềm ẩn rủi ro và tồn tại, chưa có hiệu quả đầu tư. Các dự án khai thác, thăm dò dầu khí phải dừng, giãn tiến độ hoặc thực hiện thủ tục kết thúc. Các dự án trồng và chế biến cây cao su, một số dự án vẫn còn trong giai đoạn đầu tư hoặc mới đưa vào khai thác và đang lỗ kế hoạch, tiềm ẩn rủi ro. Một số dự án viễn thông có số lỗ lũy kế lớn hoặc mất quyền kiểm soát và rủi ro tỷ giá. Một số dự án không hiệu quả thuộc các lĩnh vực khác vẫn đang hoạt động hoặc dừng triển khai.

Trên thực tế, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, tổng vốn đầu tư của nước ta ra nước ngoài còn khiêm tốn và lợi nhuận chuyển về nước cũng không có gì “nổi trội”.  Điều này dễ hiểu vì trong 40 năm qua, chúng ta tập trung đầu tư vào nội địa để thúc đẩy phát triển nhiều mặt của kinh tế đất nước. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài chỉ cần thiết ở lĩnh vực có giúp ích cho nền kinh tế của đất nước như an ninh quốc phòng, công nghệ thông tin… Chiến lược này phù hợp với bối cảnh và tình hình phát triển của đất nước. Do vậy, quy mô và hiệu quả đầu tư còn hạn chế – một chuyên gia lý giải.

Không thể phủ nhận rằng xu hướng đầu tư ra nước ngoài của nước ta ngày càng tăng, nhưng chủ yếu vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, chưa có chiến lược cụ thể như nên khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực, thị trường nào. Bởi vậy, cần thiết phải xây dựng được chiến lược, đồng thời có chính sách hỗ trợ phù hợp và hiệu quả. Quan trọng hơn nữa là cần hoàn thiện hơn nữa hành lang pháp lý, chính sách về đầu tư ra nước ngoài, hạn chế tối đa các rủi ro; xây dựng, bổ sung các chính sách thiết thực và hấp dẫn hơn…