Chưa thể bỏ ân hạn thuế nhập khẩu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Phó chủ tịch VASEP, Nguyễn Hữu Dũng kiến nghị “Nếu cần cơ quan quản lý có thể phân ra hai luồng xanh (ưu đãi), đỏ (kiểm soát chặt) để có chính sách ân hạn thuế nhập khẩu phù hợp và công bằng”

Theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành, hàng hóa nhập khẩu (NK) để gia công, sản xuất hàng xuất khẩu (XK) sẽ được hưởng ân hạn thuế đến 275 ngày. Còn dự thảo sửa đổi Luật Quản lý Thuế lại quy định, hàng hóa là vật tư nguyên liệu NK để sản xuất hàng hóa XK phải nộp tiền thuế trước khi được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa, hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Thời hạn bảo lãnh tối đa là 275 ngày.

DN đã khó lại càng khó hơn

Thực tế, những ngành phải NK nhiều nguyên liệu như thủy sản, dệt may, da giày và điện tử hiện mỗi năm XK 33-40 tỉ USD, chiếm 1/3 tổng kim ngạch XK của cả nước. Theo ông Nguyễn Hoài Nam – Phó tổng thư ký VASEP, chỉ tính riêng lĩnh vực thủy sản, năm nay các DN khu vực này NK khoảng 600 triệu USD nguyên liệu. Với mức thuế bình quân 20%, thì mức phí bảo lãnh từ 2-3% tương đương 70 tỷ đồng/năm. Còn nếu cộng thêm lãi suất cho vay thì chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm sẽ đội lên 5-10%. Chưa kể việc hạn mức tín dụng của DN sẽ phải giảm 20- 40% do ngân hàng trừ vào hạn mức được vay của DN.

Ông Nguyễn Xuân Nam – TGĐ Cty thủy sản Hải Vương (Khánh Hòa) cho biết, hầu hết các DN chế biến thủy sản XK đều phải dựa vào NK nguyên liệu. Vì đặc thù ở miền Trung có 6 tháng rơi vào mưa bão, DN muốn duy trì sản xuất buộc phải NK nguyên liệu. Nếu Chính phủ thực thi quy định “nộp thuế ngay” hoặc có “bảo lãnh ngân hàng” sẽ khiến hoạt động của DN bị cắt giảm. Trong khi đó, TGĐ Cty Highland Dragon, Nguyễn Phạm Thanh bày tỏ: “Tôi bàng hoàng khi hay tin chính sách ân hạn thuế 275 ngày sẽ không còn hiệu lực. Nếu điều này trở thành sự thật thì sớm muộn gì DN thủy sản cũng nguy nan”.

Highland Dragon đại diện cho 4 DN sản xuất cá ngừ đại dương hàng năm nhập khẩu 25.000 tấn cá ngừ, chiếm 80% nguồn nguyên liệu, tạo việc làm cho 2.000 lao động VN. Trước thông tin bất lợi này, ông Thanh lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài sẽ dừng hợp tác vì môi trường kinh doanh không ổn định, thiếu tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Ông Nguyễn Tấn An – Phó TGĐ kinh doanh Tập đoàn thủy sản Minh Phúc cho biết, năm 2011-2012, nguồn nguyên liệu tôm trong nước đang bị hạn chế do dịch bệnh, dựa vào nguồn lực trong nước chỉ XK được 20% chỉ tiêu. Để đảm bảo đơn hàng, bắt buộc phải NK nguyên liệu. Thời gian ân hạn nộp thuế NK 275 ngày vẫn chưa đủ để vượt bão.

Tương tự như thủy sản, để đạt được 16 tỉ USD hàng XK, ngành dệt may cũng cần tới khoảng 700-800 triệu USD/năm phí bảo lãnh. Sẽ rất lãng phí nếu như toàn bộ số thuế NK 12% đối với nguyên liệu dệt may DN phải nộp ngay rồi lại chờ cả năm sau mới được hoàn thuế.

Theo ông Phạm Xuân Hồng – Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may, nếu bỏ chính sách ân hạn thuế sẽ ảnh hưởng nặng đến các DN dệt may làm FOB (DN trực tiếp mua nguyên vật liệu và bán thành phẩm). Trong khi ngành dệt may VN đang khuyến khích các DN chuyển từ gia công sang sản xuất FOB và hiện giá trị sản xuất hàng FOB đã chiếm đến 70 -80% trị giá kim ngạch XK của ngành. Theo tính toán của Hiệp hội, việc bỏ ân hạn thuế sẽ làm giá thành tăng từ 8% (đối với trường hợp ngân hàng bảo lãnh) đến 16% (trường hợp vay tiền nộp thuế NK).

Cơ quan quản lý nói gì

Thực tế, từ khi được biết dự thảo Luật Quản lý thuế xóa bỏ những ân hạn thuế NK, DN và đại diện các hiệp hội chế biến, gia công hàng XK đã gửi nhiều kiến nghị giữ nguyên mức ân hạn thuế cho DN, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính đều bác bỏ những kiến nghị trên. 

Sẽ rất lãng phí nếu như toàn bộ số thuế NK 12% đối với nguyên liệu dệt may DN phải nộp ngay rồi lại chờ cả năm sau mới được hoàn thuế.

Bà Dương Phương Thảo – Phó Vụ trưởng Vụ xuất NK (Bộ Công Thương) cho biết, dù đề xuất của Vasep đã được chuyển đến cơ quan chủ trì xây dựng luật nhưng quan điểm bỏ chính sách ân hạn thuế NK vẫn được bảo lưu, chỉ dự kiến giảm thời gian ân hạn từ 275 ngày xuống còn 180 ngày.

Thực tế, những lo ngại của cơ quan soạn thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế cũng không có gì khác với nhiều cơ quan soạn thảo các dự thảo luật khác. Nhìn bề ngoài, đây là lo ngại hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, việc đánh đồng các DN chấp hành tốt chính sách thuế hải quan với một số nhỏ DN chây ý, trốn thuế để áp dụng quy định bắt buộc phải nộp thuế ngay hoặc phải có bảo lãnh là đẩy cái khó về phía DN. Bộ Tài chính đang quay trở lại hình thức quản lý “không quản được thì cấm”.

Để hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn, Chính phủ đã và đang áp dụng nhiều chính sách miễn, giảm, giãn thuế và phí. Tuy nhiên, với quy định tước bỏ ân hạn thuế NK trong dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, đối tượng bị thiệt hại lại chính là những DN đang thuộc diện ưu tiên.

Theo lộ trình, VN cũng sẽ tiến tới không cho nợ thuế. Tuy nhiên, thời điểm nào và loại thuế gì thì cơ quan soạn thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi cần phải tính toán lại.

Tú Thành
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp