Chưa thể giảm lãi suất cơ bản
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

CPI tháng 8 được dự đoán tiếp tục ghìm cương, lãi suất huy động trên thị trường ngân hàng giảm nhẹ, kéo theo lãi suất đầu ra cũng dễ thở hơn cho DN. Những động thái này cho thấy, lãi suất cơ bản có thể được điều chỉnh giảm nhằm tạo hiệu ứng đồng loạt giảm lãi suất tại các ngân hàng, nội lực tiếp sức cho nền kinh tế được nới lỏng hơn. Tuy nhiên, ở góc độ chuyên gia kinh tế, chưa hẳn những tín hiệu để cắt giảm lãi suất đã rõ ràng, ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính – tiền tệ quốc gia trao đổi với báo giới.

Trong những cuộc họp gần đây của Hội đồng Tư vấn tài chính – tiền tệ quốc gia, vấn đề cắt giảm lãi suất cơ bản được đề cập ra sao, thưa ông?

Tình hình kinh tế đang chuyển hướng tích cực, khả năng thanh toán của các ngân hàng tốt hơn, TTCK có dấu hiệu khởi sắc. Dù giải pháp kinh tế vĩ mô mới có tác động ban đầu, kết quả chưa nhiều nhưng gần đây, việc công khai minh bạch về chính sách đã tạo ra lòng tin cho người dân và NĐT, bằng chứng là lãi suất chưa thực dương người ta vẫn gửi tiền. Song mặt trái của việc thực thi những chính sách thắt chặt có thể chưa vào hết, hiệu ứng của tăng giá xăng dầu không chỉ thấy ngay trong tháng này, mà có thể kéo dài. Yêu cầu giảm ngay lãi suất cơ bản đã được đặt ra nhưng ở thời điểm này chưa được, vì những khuynh hướng tích cực như đã đề cập ở trên chưa rõ nét.

Nếu như phương án giảm lãi suất cơ bản đã được đề cập thì mức điều chỉnh có thể là bao nhiêu?

Có thể không giảm mạnh, nhưng giảm 0,5% chẳng hạn, từ 14% xuống 13,5% hoặc 13%. Có thể Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa giảm lãi suất cơ bản ngay, nhưng cần công khai định hướng chính sách cho DN và người dân biết. Lạm phát giảm thì lãi suất giảm, lạm phát có xu hướng rồi thì lãi suất phải mở ra, đã có nhiều ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay, tức là thực tiễn đã hình thành. Có thể trước đây mình duy trì lãi suất cơ bản tới hàng chục năm nhưng nay nên ấn định thời gian ngắn hơn, điều chỉnh rất linh hoạt.

Ông cho rằng, thực tiễn giảm lãi suất đã hình thành song nhiều ngân hàng vẫn duy trì lãi suất cao và cho rằng, khi NHNN chưa giảm lãi suất cơ bản thì không có lý gì lại giảm lãi suất?

22 ngân hàng đã giảm cả lãi suất cho vay và tiền gửi, đó là tín hiệu tốt nhưng mới chỉ tập trung ở phần lớn ngân hàng có tiềm lực lớn, ưu đãi về lãi suất cho vay cũng chỉ dành cho một bộ phận DN và vốn cho DN nhỏ và vừa vẫn căng thẳng lắm. Điều chỉnh lãi suất cơ bản chưa đặt ra ngay nhưng phải cho người ta biết, khi lạm phát xuống thì giảm lãi suất, một số ngân hàng không chịu nổi cũng phải giảm.

Có nhiều thông tin cho rằng, hạn mức tăng trưởng tín dụng 30% năm nay sẽ được nới rộng hơn, ông nghĩ sao về điều này?

Khó khăn của ngân hàng là có thật, song 30% tăng trưởng tín dụng là định hướng đã đặt ra và phải thực hiện nghiêm túc. Có điều khống chế 30% nhưng không có nghĩa là cào bằng, có lĩnh vực có thể tăng 80%, có ngành chỉ được tăng 10%, có lĩnh vực thậm chí thu vốn về.

Ông nhìn nhận thế nào về diễn biến CPI trong những tháng cuối năm?

Dự kiến, trong tháng này CPI dưới 2%, thấp như vậy là do giá lương thực giảm. Tuy nhiên, chúng tôi nhìn nhận đỉnh cao lạm phát chưa đến, quản lý tốt có thể tháng 12/2008 hoặc cùng lắm tháng 4/2009 lạm phát sẽ lên tới đỉnh rồi xuống, nhưng nếu quản lý không tốt để xảy ra tình trạng đầu cơ, rồi mặt trái của chính sách hoành hành có thể lạm phát cao kéo dài tới cuối năm sau.

Trong các cuộc họp có bàn nhiều đến yếu tố lạm phát do tâm lý. Vì mục đích nào đó, có những nhóm người sẵn sàng phao tin đồn nhảm ảnh hưởng tới thị trường, mình đặt ra vấn đề truy tìm, nhưng truy tìm dư luận thì không dễ. Giải pháp chủ yếu vẫn là minh bạch, công khai tuyên truyền cho mọi người để khi tin đồn xuất hiện người dân tự phản ứng được, thấy không đúng không nghe, không thực hiện.

Nguồn: Báo Đầu tư Chứng khoán điện tử