Chứng khoán khởi sắc: Nên mừng hay lo?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mặc dù có những phiên hay thời điểm “rung lắc” lớn, nhưng thị trường chứng khoán đang là thị trường khởi sắc nhất trong các thị trường. Trên sàn HOSE, chỉ số VN-Index đã tăng khá mạnh từ cuối năm ngoái đến nay. Hiếm có đợt nào chỉ số này tăng liên tục tới 8 phiên và đang tiến sát đến mốc 600 điểm, cao nhất tính từ tháng 10/2009. Giữa tháng 3 năm nay so với cuối năm 2012 đã tăng tới gần 50% – một tốc độ tăng hiếm thấy trong thời gian qua, cũng như so với các chỉ số chứng khoán trên thế giới. Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX đã vượt qua mốc 84 điểm, mức cao nhất trong gần 3 năm qua.

Giá trị giao dịch tăng khá mạnh, thường xuyên ở mức trên 3.000 tỷ đồng, có một số phiên đã vượt qua mốc 5.000 tỷ đồng – những con số thường chỉ có thời đạt đỉnh điểm vào đầu năm 2007 mới đạt được.

Việc tăng giao dịch và tăng điểm tập trung vào những mã lớn, những mã của các công ty chứng khoán, một số mã địa ốc…, nhưng cũng đã có nhiều mã có giá trị thấp được hưởng lợi. Nhiều nhà đầu tư cách đây một vài tháng rút ra khỏi thị trường hoặc không đưa thêm vốn vào thị trường này đã có dấu hiệu nuối tiếc một thời cơ bị bỏ lỡ…

Sự ấm lên của thị trường chứng khoán do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân từ sự chỉ đạo của Chính phủ. Đối với thị trường chứng khoán việc nới “room” cho các nhà đầu tư nước ngoài tạo điều kiện cho đầu tư gián tiếp nước ngoài khởi sắc trở lại. Chính phủ cũng quyết tâm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, thông qua việc cổ phần hoá. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh để hỗ trợ tâm lý cho nhà đầu tư, nhất là nhóm cổ phiếu chứng khoán, tạo điều kiện lan toả ra cả thị trường chung. Việc quyết định thành lập Ban chỉ đạo xử lý nợ xấu, một lần nữa cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc giải quyết điểm nghẽn quan trọng của nền kinh tế…
 
Có nguyên nhân do xuất khẩu hàng hoá – lối ra của nền kinh tế – tiếp tục tăng trưởng khá (2 tháng tăng 13,8%); xuất siêu lớn hơn dự báo trước đây (1,307 tỷ USD so với 244 triệu USD) – khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu tăng trưởng cao lên và nhập siêu thấp hơn so với các thời kỳ trước… 

Có nguyên nhân do các kênh đầu tư khác chưa khởi sắc, thậm chí lợi nhuận còn bị giảm (giá USD tháng 2 tiếp tục giảm và tính chung 2 tháng giảm 0,9%; giá vàng tháng 2 tăng, nhưng không bền vững và tính bình quân 2 tháng đầu năm nay giảm khá sâu, tới 23,6% so với cùng kỳ năm trước; giá bất động sản nhìn tổng quát vẫn còn giảm…). Số liệu thống kê lịch sử cho thấy, thị trường chứng khoán thường ấm lên trước, khi vượt qua đỉnh sang dốc bên kia mới đến bất động sản…

Chứng khoán vừa là kênh thu hút vốn đầu tư trung, dài hạn mà còn là hàn thử biểu báo hiệu sức khỏe của nền kinh tế. Trong điều kiện đầu tư trực tiếp của người dân, đầu tư từ nguồn tín dụng, đầu tư từ nguồn ngân sách còn hạn chế, thì việc thu hút vốn đầu tư trung hạn, dài hạn thông qua thị trường chứng khoán sẽ có tác động trong việc thu hút vốn cho doanh nghiệp, cho tăng trưởng kinh tế. Bài học trong gần 10 năm qua cho thấy, khi thị trường chứng khoán ấm lên, đó là tín hiệu khởi sắc của tăng trưởng kinh tế sau đó từ 6 tháng đến 1 năm.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán là thị trường cao cấp nhất trong các loại thị trường, tình trạng đầu cơ tạo sóng (tạo đỉnh và tạo đáy) diễn ra nhanh, lớn, thời gian tăng liên tục (rất hiếm khi kéo dài quá 10 ngày), độ rủi ro cao, bán ở đỉnh, mua ở đáy thì lãi, nhưng nếu mua ở đỉnh, bán ở đáy thì lỗ; nếu dùng đòn bẩy tài chính thì lãi, lỗ được nhân lên gấp bội, trong khi đỉnh và đáy không theo ý chí chủ quan, ngay cả việc nhận diện xác định được nó cũng vô cùng khó khăn… Vì vậy, các cơ quan quản lý cần có cơ chế, giải pháp để hạn chế hoạt động của giới đầu tư có nguồn lực vốn lớn, nhà đầu tư tổ chức có ảnh hưởng đến giao dịch trên thị trường (“cá mập”) và xử lý các hành động gian dối, thao túng trên thị trường…

Minh Ngọc
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ