Chương trình Mục tiêu quốc gia: Cú hích quan trọng cho phát triển KT – XH
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong phiên họp Chính phủ thường kì tháng 8 vừa qua, các thành viên Chính phủ đã thảo luận và đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2006- 2010. Việc triển khai các Chương trình MTQG cũng là cơ sở để vận động các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp nhân lực, vật lực vùng với sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tạo việc làm cho hơn 8 triệu lao động

Bằng nhiều phương thức, Chương trình tạo việc làm đã giúp 8,055 triệu lao động có việc làm. Góp phần vào thành công đó, từ năm 2006 đến 2009, Quỹ quốc gia việc làm Trung ương và Quỹ việc làm địa phương đã tạo việc làm cho 1,2 triệu lao động. Đặc biệt là vai trò của nhiều mô hình tạo việc làm có hiệu quả như các hợp tác xã, mô hình kinh tế trang trại, các làng nghề truyền thống. Với diện xuất khẩu lao động, giai đoạn 2006-2009, cả nước đã đưa gần 323.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Cùng với chính sách tạo việc làm, chính sách cho vay ưu đãi, hình thành và nhân rộng các mô hình giảm nghèo mà tỉ lệ nghèo của nước ta đã giảm xuống dưới 11%. Và năm 2010, tỉ lệ hộ nghèo ước 9,45%, vượt mục tiêu đề ra.

Về lĩnh vực Y tế, việc triển khai Chương trình MTQG phòng chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS đã góp phần nâng cao ý thức và nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng trong công tác phòng bệnh, tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Chương trình đã có tác động làm giảm tỷ lệ người mắc, giảm tỷ lệ người chết của do các bệnh dịch nguy hiểm, góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ chết ở trẻ em, tỷ lệ chết mẹ, tăng tuổi thọ và nâng cao thể chất, giống nòi người Việt Nam.

Tỷ lệ sinh giảm 0,25% bình quân năm, tỷ lệ phát triển dân số ước đạt 1,14%, quy mô dân số ước đạt 87,1 triệu người vào năm 2010. Thông qua nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu dân số và kế hoạch hóa gia đình, việc hình thành tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ đã cơ bản được định hình và bắt đầu đi vào hoạt động ổn định.

Vệ sinh an toàn thực phẩm chuyển biến tích cực

Hình thành hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm từ trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thông qua đó, góp phần thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền, của người dân về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó, tỷ lệ người kinh doanh thực phẩm nhận có nhận thức đúng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã tăng từ 49,4 % năm 2008 lên 65,1% năm 2009; Tỷ lệ người tiêu dùng thực phẩm nhận thức đúng về vệ sinh an toàn thực phẩm đã tăng từ 48,6% năm 2008 lên 65,5% năm 2009. Chương trình sử dụng nước sạch cũng đã tác động đến 79% dân số.

Tích cực bảo tồn vốn văn hóa vật thể và phi vật thể.

Giai đoạn 2006 – 2009 đã thực hiện 363 dự án sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hoá phi vật thể, trong đó có 109 dự án sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể do Trung ương thực hiện và 254 dự án do địa phương thực hiện. Ngoài ra, hoạt động của Chương trình thực hiện hỗ trợ lập hồ sơ khoa học 4 kiệt tác văn hoá phi vật thể để trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. 

12 Chương trình MTQG giai đoạn 2006 – 2010:

Chương trình tạo việc làm; Chương trình giảm nghèo; Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường; Chương trình phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm, HIV/AIDS; Chương trình dân số, kế hoạch hoá gia đình; Chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm; Chương trình văn hoá; Chương trình giáo dục, đào tạo; Chương trình phòng, chống ma tuý; Chương trình phòng, chống tội phạm; Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu.

Về giáo dục, đào tạo, phòng chống ma túy

Năm 2010, dự kiến có 55/63 tỉnh/thành phố hoàn thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 63/63 tỉnh/thành phố hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Chương trình đã góp phần đẩy mạnh giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin ở tất cả các bậc học, cấp học, ngành học. Từ nguồn lực đầu tư của Chương trình, tính đến năm 2009 đã có 47/48 trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh được hoàn thiện cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa.

Thông qua công tác dạy nghề, đã tổ chức dạy nghề cho 1.360.000 người lao động nông thôn, dân tộc thiểu số, người khuyết tật.

Với kinh phí huy động thực hiện  gần 1.700 tỉ đồng, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy bước đầu đã được kiềm chế, tỷ lệ người nghiện mới đã giảm. Đến hết năm 2008 toàn quốc có 173.603 người nghiện có hồ sơ quản lý, giảm 4.702 người so với năm 2007; đến tháng 12/2009 cả nước chỉ còn 146.731 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, giảm 26.872 người (giảm 15,47%) so với cuối năm 2008.

Thông qua chương trình MTQG về phòng, chống tội phạm đã tạo sự chuyển biến quan trọng về nhận thức của toàn xã hội về trách nhiệm tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nhờ đó, đã liên tục kiềm chế đ­ược sự gia tăng của các loại tội phạm, làm giảm đ­ược một số loại tội phạm nghiêm trọng, riêng năm 2009 giảm 4,9% so với năm 2008. Việt Nam cũng đã tham gia nhiều hoạt động hợp tác quốc tế và khu vực về phòng chống tội phạm trong khuôn khổ ASEM, APEC, ASEAN, INTERPOL, ASEANAPOL, ký kết và thực hiện nhiều tuyên bố về hợp tác chống khủng bố quốc tế, thực hiện các Nghị quyết của LHQ về chống khủng bố quốc tế; tham gia ch­ương trình hành động chống tham nhũng châu Á – Thái Bình Dương.

Nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng và ứng phó biến đổi khí hậu

Chương trình Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã bước đầu đạt được mục tiêu nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, cộng đồng xã hội về sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả. Nhờ đó, kết quả tiết kiệm năng lượng so với tổng tiêu thụ năng lượng tăng từ 1,56% (năm 2006) lên 3,48% (năm 20008) tương đương 8 tỉ kWh.

Thông qua Chương trình MTQG về ứng phó với biến đổi khí hậu đã góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý và đông đảo cộng động xã hội về vấn đề biến đổi khí hậu.

Một thành công nữa thông qua các Chương trình MTQG là bộ máy và năng lực hoạt động của cán bộ các ngành, lĩnh vực có chương trình đã được tăng cường. Đồng thời, Chương trình MTQG được coi là “cú hích” làm thay đổi từng bước và nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương các cấp và người dân về hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường, phòng chống ma túy…

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2010, các thành viên Chính phủ  đánh giá cao kết quả thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2006 – 2010 và đã thảo luận danh mục Chương trình MTQG giai đoạn 2011 – 2015. Trong đó chú trọng đến giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; giảm nghèo; việc làm; nước sạch; văn hoá; y tế; dân số và kế hoạch hóa gia đình; phòng chống HIV/AIDS; ma túy; tội phạm; vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng nông thôn mới; đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; ứng phó với biến đổi khí hậu.

Minh Anh
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ