Chuyển giao công nghệ qua DN FDI: Không như kỳ vọng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn- giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright- lý giải: Trong Luật Đầu tư nước ngoài (cũ) chỉ nêu chung chung “Việt Nam hoan nghênh và khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vốn và kỹ thuật vào Việt Nam”. Khi triển khai, có thời điểm vì mục tiêu thu hút đầu tư nên không có những ràng buộc về vấn đề này một cách cụ thể. Do vậy, các DN FDI không có động cơ chia sẻ công nghệ với các DN nội, vẫn mặc nhiên được hưởng các ưu đãi đặc biệt về thuế, đất đai… khi đầu tư vào Việt Nam.

Thực tế còn cho thấy, không phải tất cả các DN FDI đều sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại khi đầu tư vào Việt Nam. Đã vậy, hoạt động của các DN FDI tại Việt Nam chủ yếu trong các lĩnh vực công nghiệp có sử dụng công nghệ thấp, rất ít FDI đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch, đặc biệt là lĩnh vực có giá trị gia tăng và xuất khẩu cao.

Đối với các DN FDI là các tập đoàn lớn, công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia, các công đoạn sản xuất, chế biến hàng hóa phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu, chuỗi cung ứng toàn cầu nên chưa có được các mối liên kết với các DN trong nước. Sự thiếu kết nối này cũng làm mất đi nhiều cơ hội tận dụng và khai thác lợi thế công nghệ, năng suất từ khu vực FDI. Điều này lý giải vì sao trong hơn 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng rất ít DN trong nước có thể trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất của các DN FDI.

Đồng với quan điểm trên, có chuyên gia  cho rằng, để khu vực FDI đóng góp nhiều hơn và có hiệu quả hơn trong năm 2014 và những năm tiếp theo, trước hết cần thay đổi chiến lược để thu hút FDI có chọn lọc, đáp ứng mục tiêu nâng cao năng lực công nghệ. Trong đó, cần hướng tới chiến lược quan hệ với các tập đoàn kinh tế nước ngoài nắm giữ công nghệ gốc và đạt mục tiêu và lộ trình tiếp nhận công nghệ trong FDI. Ngoài ra, cần hình thành liên kết theo chuỗi giá trị giữa DN FDI với DN trong nước. Và đối với mỗi ngành, cần định vị Việt Nam sẽ tham gia vào giai đoạn nào trong chuỗi giá trị toàn cầu, để từ đó xác định đối tác phù hợp.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh đồng thời cả liên kết chiều dọc (DN trong nước tạo cung cấp sản phẩm công nghệ phụ trợ cho DN FDI và qua đó DN trong nước sẽ được DN FDI chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý và kinh doanh) và liên kết chiều ngang (các DN trong nước liên kết với các công ty đa quốc gia để sản xuất và xuất khẩu ra thị trường thế giới). Để đạt được mục tiêu đó, cần đẩy nhanh xây dựng các cơ sở sản xuất nguyên vật liệu thay thế hàng nhập khẩu.

Thu Hằng
Nguồn: Báo điện tử Công thương