Chuyên gia nhắc Bộ Công Thương và GTVT về điều kiện kinh doanh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia tại Toạ đàm “Điều kiện kinh doanh trong hai lĩnh vực Giao thông vận tải và Công Thương: nhận diện và kiến nghị” vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức.

Theo đánh giá chung của các chuyên gia, nhiều điều kiện kinh doanh trong hai lĩnh vực Giao thông vận tải và Công Thương đang can thiệp quá sâu vào quyền tự quyết của doanh nghiệp, đi ngược lại tinh thần Luật Doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia Ban Pháp Chế, VCCI cho biết, hiện tại có 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó có 29 ngành nghề thuộc quản lý của Bộ Giao thông vận tải và 28 ngành nghề thuộc quản lý của Bộ Công thương.

Trong lĩnh vực Giao thông vận tải, bà Hồng cho biết, Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh taxi, vận tải theo hợp đồng phải đạt số lượng xe tối thiếu trong phương án kinh doanh được Sở Giao thông vận tải phê duỵệt mới được hoạt động.

Vô hình chung, điều này đã loại bỏ 70% doanh nghiệp vận tải nhỏ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn chiếm giữa thị trường và khách hàng thì bị giảm cơ hội được lựa chọn các dịch vụ bị ít đi. Và không có cơ sở nào cho thấy doanh nghiệp có nhiều phương tiện hơn thì chất lượng dịch vụ tốt và an toàn hơn khi tham gia giao thông.

Ngoài ra còn có sự mất công bằng giữa các chủ thể trong cùng một điều kiện kinh doanh. Cụ thể, Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định rằng một phương tiện giao thông cùng là ô tô nhưng niên hạn tham gia giao thông ở đô thị loại đặc biệt là 8 năm, nhưng niên hạn ở địa phương khác lên tới 12 năm.

Nhiều doanh nghiệp vận tải kiến nghị, đây là điều kiện bất hợp lý, bởi không có quy định nào hạn chế việc di chuyển các phương tiện giao thông giữa các địa phương. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là, nếu doanh nghiệp đăng ký phương tiện ở địa phương khác nhưng đưa đến đô thị đặc biệt lưu thông hoặc ngược lại có ảnh hưởng và vi phạm gì hay không?

Ông Nguyễn Văn Chánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá quy định đơn vị muốn kinh doanh vận tại phải có đủ diện tích đất làm bãi đỗ xe là thiếu thực tiễn. Cụ thể, như tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay chưa có quy hoạch diện tích dành cho bãi đỗ xe của doanh nghiệp. Để “lách luật” doanh nghiệp vận tải phải làm các hợp đồng “ma” về thuê bãi đỗ xe để có đủ điều kiện kinh doanh.

Bên cạnh đó, các điều kiện về “giấy phép con” cũng được các chuyên gia cho rằng không cần thiết. Cụ thể, thủ tục đăng ký cấp phù hiệu cho phương tiện, doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển phải có bận phận pháp chế nhằm giải quyết các tranh chấp, kiện tụng (nếu có) có thể gây lãng phí, không cần thiết đặc biệt là khiến doanh nghiệp mất thời gian, và cơ hội kinh doanh.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho rằng, các điều kiện kinh doanh hiện nay đang có hiện tượng bị lạm dụng, việc đưa ra nhiều điều kiện kinh doanh không đồng nghĩa với việc lĩnh vực kinh doanh đó được kiểm soát tốt hơn cũng như hạn chế nhiều hơn những rủi ro cho người tiêu dùng.

Đồng quan điểm với ông Đậu Anh Tuấn, Luật sư Nguyễn Văn Cường cho rằng, tránh ban hành các điều kiện kinh doanh một cách vô tội vạ, thiếu tính thực tiễn và nếu gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì cần phải xem xét và điều chỉnh kịp thời. “Các điều kiện kinh doanh phải là các điều kiện khuyến khích tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa “lớn lên” chứ không phải là công cụ để bảo hộ sự độc quyền của các doanh nghiệp nhỏ hay vì lợi ích một nhóm người trong xã hội”.

Thu Hà

Nguồn: http://canhtranhquocgia.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/Chuyen-gia-nhac-Bo-Cong-Thuong-va-GTVT-ve-dieu-kien-kinh-doanh/308103.vgp