Cái chính là ý thức… 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Ngõ nhỏ, chỉ vài chục nhà. Hàng xóm, láng giềng thân thiện, môi trường sống trong lành, yên bình. “Mẫu số chung” là vậy. Nhưng một chị lại có “thói quen gây ô nhiễm” bằng cách tạo tiếng ồn rất khó chịu: Sập cốp xe máy!

Giờ giấc của chị có khi sáng sớm đã đi, có khi quá trưa mới về, nên người già, trẻ em, người ốm đôi lúc vừa chợp mắt hoặc khi chưa bình minh lại được phen giật bắn người bởi tiếng “bùm”. Hàng xóm nhiều người không hài lòng nhưng chắc cũng ngại góp ý, hoặc giả “đã quen” nên không ai lên tiếng. Vậy là cứ mặc nhiên chị sập, không cần biết nó gây phiền phức, khó chịu cho hàng xóm thế nào.

Nói vậy để thấy rằng, hiện nay, ô nhiễm tiếng ồn đã trở thành vấn đề không chỉ ở các đô thị mà cả ở nông thôn. Về lý thuyết, tiếng ồn phát sinh từ nhiều nguồn như sử dụng còi hơi công suất lớn, bấm còi… khi tham gia giao thông; từ các cửa hàng kinh doanh, tụ điểm vui chơi giải trí, các công trình xây dựng, hát karaoke, đám cưới, thậm chí là thói quen sinh hoạt hàng ngày. Hệ lụy là đã có không ít vụ tai nạn giao thông vì tiếng còi hơi; nhiều vụ xô xát, án mạng vì tiếng ồn do hát karaoke quá khuya.

Thực tế, ô nhiễm tiếng ồn là dạng ô nhiễm môi trường rất nguy hại, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng nhưng lại ít được quan tâm như các loại ô nhiễm khác. Ô nhiễm tiếng ồn được xác định là nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe lớn thứ 2 sau bụi; được các chuyên gia cảnh báo là “kẻ sát nhân giấu mặt”. Vậy nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, nó vẫn bị xem nhẹ, cho dù chế tài xử lý nếu vi phạm đã có, cụ thể là Nghị định số 167/2013/NÐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình; và Nghị định số 155/2016/NÐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Nếu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn thì đối với khu vực đặc biệt – những khu vực trong hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa và các khu vực có quy định đặc biệt khác, tiếng ồn cho phép từ 6h – 21h là 55dB, từ 21h – 6h sáng hôm sau là 45dB. Với khu vực thông thường như khu chung cư, nhà ở trong hẻm, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính… thời gian từ 6h – 21h là 70dB, từ 21h – 6h sáng hôm sau là 55dB. Vậy nhưng thực tế, ít ai biết khu vực mình đang sinh sống mức độ ồn có trong ngưỡng cho phép hay không hoặc đơn giản là chọn cách “sống chung” với biện minh là “đã quen”, do ngại va chạm, ngại góp ý…

Ô nhiễm có nguy cơ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe nếu không được kiểm soát tốt, làm giảm chất lượng sống, giảm năng suất lao động, tăng chi phí y tế. Tuy nhiên, để có biện pháp hiệu quả, trước tiên phải phân loại được các nguồn gây ồn để từ đó quy hoạch và loại trừ những nguồn không thể chấp nhận được. Ngoài ra, phải tuyên truyền để các cơ quan, tổ chức và người dân nâng cao ý thức. Bởi cho dù chế tài xử lý đã có nhưng lực lượng chức năng không đủ sức để tiến hành kiểm tra, xử lý. Vậy nên, cái chính vẫn là ý thức của người dân.