Cái gốc của phí BOT
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

 Đại diện cho giới kinh doanh vận tải bức xúc vì các trạm thu phí đặt quá gần nhau, thu sai quy định, phí đường cao hơn cả tiền xăng… Đại diện nhà đầu tư dự án BOT nói rằng họ chỉ lấy công làm lãi và đang cảm thấy như “tội đồ” trước áp lực của dư luận, cũng “không có hưng phấn để đầu tư nữa”. Các chuyên gia thì đặt rất nhiều câu hỏi: Căn cứ để xác định mức thu phí? Mối quan hệ giữa tổng mức đầu tư với xác định lưu lượng phương tiện qua lại, mức thu phí và thời gian khai thác? Tại sao lại có lộ trình tăng mức thu phí trong khi thông thường thì lưu lượng phương tiện vận chuyển sẽ tăng lên?

Theo giải thích của ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GT – VT, trong các hợp đồng BOT, mức thu phí đã phù hợp với quy định tại Thông tư 159/2013-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ. Lộ trình tăng phí chỉ là dự kiến, sẽ được Bộ GT – VT và Bộ Tài chính xem xét quyết định chính thức phù hợp với điều kiện thực tế. Trước khi ban hành thông tư thu phí, Bộ Tài chính có lấy ý kiến của địa phương và có lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ. Nói gọn lại, trình tự, thủ tục xác định mức phí, ban hành mức phí đều tuân thủ pháp luật hiện hành.

Vậy thì tại sao người sử dụng cho rằng mức thu phí ở một số trạm còn cao? Theo ông Nhật, có thể do người dân chưa thấy rõ lợi ích tuyến đường mang lại so với chi phí bỏ ra; chưa có quy định tham vấn các tổ chức xã hội nghề nghiệp và người sử dụng về trạm thu phí và mức phí; cũng chưa có một đánh giá nào về khả năng chi trả của người dân và tác động của mức phí đến các yếu tố kinh tế vĩ mô. Để bảo đảm chính sách phí hợp lý, Bộ GT – VT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định về quy trình, nguyên tắc xác định trạm thu phí và tham vấn người sử dụng.

Một thông tư như vậy là cần thiết nhưng chưa đủ để bảo đảm có được mức phí chính xác. Trong cuộc giao lưu trực tuyến “Chính sách, pháp luật và hiệu quả từ các dự án BOT” do Báo Đại biểu Nhân dân vừa tổ chức, nhà báo Trần Đăng Tuấn nói rằng: Cái gốc của mức phí nằm ở tổng mức đầu tư, phương án tài chính… Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng thừa nhận, việc doanh nghiệp dự án có thẩm quyền phê duyệt thiết kế và dự toán theo quy định hiện hành có thể là kẽ hở dẫn đến sai phạm, thất thoát. Hơn nữa, hợp đồng BOT hiện đang trao rất nhiều quyền cho nhà đầu tư, ví dụ như thoải mái chỉ định thầu, định giá các sản phẩm xây dựng và dịch vụ tư vấn đi kèm trong quá trình đầu tư, tạm ứng vốn đầu tư cho nhà thầu (nếu có)… Vậy thì có thể xác định được giá thật của những công trình BOT hay không?

Đó là chưa kể việc để nhà đầu tư đề nghị mức phí rồi Bộ Tài chính ra thông tư – tất nhiên là có thẩm định và lấy ý kiến các bộ, ngành – liệu có loại trừ được các tác động khác chi phối? Ngay trong hội nghị sáng qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã “tranh thủ” giải thích rằng, Bộ Tài chính ban hành thông tư thu phí nhưng phải dựa trên đề xuất của Bộ GT – VT và căn cứ vào hợp đồng Bộ GT – VT đã ký với các nhà đầu tư. Điều này hàm ý Bộ Tài chính cũng không quyết được mức phí.

Cũng trong hội nghị của Bộ GT – VT hôm qua, có ý kiến chuyên gia và nhà quản lý đề xuất tăng thời gian thu phí để giảm mức phí phải thu. Xét đến cùng, giải pháp cơ học này chỉ có tác dụng “hạ nhiệt dư luận” vì cuối cùng thì tổng mức phí phải đóng vẫn không có gì thay đổi. Điều cần làm hiện nay là quản trị các dự án BOT thật tốt, giảm thất thoát, lãng phí trong quá trình đầu tư, khi đó phí BOT tự khắc sẽ giảm.

Tiểu Phong
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân