Cân nhắc kỹ và có lộ trình phù hợp 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Bộ Nội vụ vừa có văn bản lấy ý kiến về việc sửa đổi Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn đơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành chính và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021, đồng thời đề xuất thí điểm sáp nhập một số tỉnh không đạt chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên theo Nghị quyết 1211.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, qua thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021, đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 561 đơn vị hành chính cấp xã… Báo cáo của 45 địa phương gửi Bộ Nội vụ cũng cho thấy, sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, các địa phương đã giảm chi ngân sách khoảng 1.360 tỷ đồng.

Về thực hiện lộ trình sáp nhập các tỉnh, trước mắt, Bộ Nội vụ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa Nghị quyết 1211 về tiêu chuẩn đơn vị hành chính các cấp, từ đó mới có cơ sở thực hiện chủ trương sáp nhập. Trong giai đoạn 2022 – 2025 chỉ hoàn thiện khung thể chế để thực hiện sáp nhập các tỉnh. Việc tổ chức sáp nhập các tỉnh sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2026 – 2030; thí điểm sắp xếp các tỉnh chưa đạt 50% một trong hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định; thí điểm sáp nhập một số tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ, mật độ dân số đông, có khó khăn về quỹ đất dành cho không gian phát triển…

Thông tin này đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Ý kiến đồng tình là có, nhưng cũng có không ít ý kiến băn khoăn. Thực tế, việc sáp nhập tỉnh là xu thế tất yếu, xuất phát từ việc diện tích nước ta không lớn nhưng có tới 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó có nhiều tỉnh diện tích nhỏ, dân số ít. Một số khu vực như đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, các tỉnh diện tích nhỏ, có nhiều điểm chung về văn hóa, mặt bằng dân trí nên khá thuận lợi cho việc tổ chức đơn vị hành chính mới. Ngoài ra, theo đánh giá, hiện bộ máy hành chính của nước ta còn cồng kềnh, chi tiêu công tốn kém, tạo nên áp lực ngày càng lớn cho ngân sách; nhu cầu giảm biên chế, giảm chi tiêu công, thiết lập bộ máy hành chính tinh gọn đang trở nên cấp bách nên việc sáp nhập tỉnh là phù hợp…

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cần đánh giá kết quả đạt được và chưa đạt được trong việc sáp nhập các tỉnh thời gian qua. Thông thường, một đơn vị hành chính dựa vào hai chỉ tiêu cơ bản là dân số và diện tích tự nhiên. Hai chỉ tiêu này gắn với phong tục tập quán, văn hóa cũng như trình độ phát triển, điều kiện tự nhiên của từng khu vực. Bởi vậy, cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi sắp xếp lại cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả, tránh “lợi bất cập hại”.

Vấn đề nữa là chính sách, chế độ cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động như thế nào bởi việc sáp nhập sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, suy nghĩ và việc làm. Do vậy, dù việc sáp nhập là cần thiết nhưng phải có lộ trình, phải tính toán, sắp xếp và ban hành chế độ chính sách cho cán bộ không còn làm việc trong cơ quan nhà nước…

Việc thực hiện sáp nhập các tỉnh sẽ dẫn đến những thay đổi rất lớn, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng. Bởi vậy, cần tính toán hết sức kỹ lưỡng, có lộ trình thực hiện phù hợp và tuyệt đối không sáp nhập mang tính cơ học.