Cân nhắc sự cần thiết 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Thảo luận ở hội trường sáng qua về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, ý kiến đại biểu cho rằng, dự thảo Luật có nhiều nội dung liên quan đến tổ chức, vị trí pháp lý của lực lượng này, kinh phí ngân sách bảo đảm một số nội dung của dự thảo luật chưa thống nhất với quy định của một số luật hiện hành… Do đó, nhiều ý kiến đề nghị, cần nghiên cứu toàn diện, cân nhắc đầy đủ các khía cạnh liên quan tới sự cần thiết ban hành luật này.

Cơ sở pháp lý phải rõ ràng

Theo quy định tại khoản 3, Điều 1 dự thảo Luật, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện, được tuyển chọn làm nòng cốt cho lực lượng quần chúng tự nguyện tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, ĐBQH Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa) nêu thực tế, hiện nay, tại các địa phương đã hình thành nhiều mô hình tổ chức tự quản tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trong đó, có những lực lượng thành lập và hoạt động tự phát hoặc có thể được chính quyền địa phương công nhận quản lý. Về cơ bản, đây vẫn là hoạt động tự phát của người dân trong phong trào toàn dân đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bên cạnh những mặt tích cực của các mô hình này, thì tồn tại hạn chế, bất cập, như hoạt động thiếu định hướng, nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, thiếu kỹ năng ứng phó giải quyết các tình huống bất ngờ, phức tạp, đột xuất… Do đó, cần có cơ sở pháp lý rõ ràng để quản lý chặt chẽ các mô hình này, tránh hiệu quả tiêu cực có thể xảy ra. 

Tuy nhiên, theo Tờ trình của Chính phủ, một trong những mục đích của việc xây dựng dự án Luật này là nhằm thực hiện sắp xếp, bố trí thống nhất các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã, thị trấn bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ thành một lực lượng chung. Như vậy, có thể hiểu dự thảo Luật chỉ điều chỉnh đối với ba lực lượng là bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách, không điều chỉnh đối với các tổ chức quần chúng khác tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhưng không tự nguyện tham gia vào các lực lượng này. Với phạm vi điều chỉnh như vậy, đại biểu Bùi Thị Thủy đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật nhằm bảo đảm điều chỉnh đầy đủ và bao quát các đối tượng trực tiếp tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn.

Ban Bí thư hiện đang giao Mặt trận Tổ quốc xây dựng Đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư và điều đó cho thấy tầm quan trọng của những mô hình đang triển khai thực hiện ở cơ sở. Nêu vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đặt câu hỏi: Nếu dự thảo Luật được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thì các mô hình tự quản khác có tiếp tục được duy trì không? Nếu duy trì thì tính pháp lý của các mô hình đó so với lực lượng đang thể hiện trong dự thảo Luật này sẽ như thế nào? Tất cả những vấn đề đó cần được làm tường minh, đủ căn cứ cho các ĐBQH xem xét, quyết định nên hay không thông qua dự thảo Luật này.

Từ góc nhìn thực tế, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, không thể “gom” ba lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách thành lực lượng tham gia bảo vệ an toàn, trật tự ở cơ sở như dự thảo Luật. Bởi lẽ, ở phường chỉ có ban bảo vệ dân phố mà không có đội dân phòng, ngược lại ở xã có đội dân phòng không có ban bảo vệ dân phố. Hiện nay, ba lực lượng này ở dưới cơ sở đang làm rất tốt – tại sao chúng ta phải gom lại? Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng nêu quan điểm, việc xây dựng dự thảo Luật này là quá vội vàng nếu chưa có đánh giá tác động cụ thể ở cơ sở. Nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định trong dự thảo Luật chưa rõ ràng, cụ thể, chỉ có nhiệm vụ tham gia phối hợp với công an. “Chỉ duy nhất nhiệm vụ chính mà lực lượng này được bắt giữ là tù trốn trại, tù truy nã, còn tất cả các thứ khác không được làm. Nếu làm là phải có công an kè kè kế bên, nếu không là lạm dụng. Khi luật hóa, lực lượng này dễ dàng lạm dụng, lạm quyền sẽ khổ cho cơ sở”, đại biểu Phạm Văn Hòa thẳng thắn.

Nghiên cứu toàn diện, cân nhắc đầy đủ các khía cạnh 

Không đồng tình với việc dự thảo Luật đi theo hướng xây dựng lực lượng, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, phải theo hướng để bảo đảm an ninh, trật tự, trong đó có nội dung liên quan đến vấn đề xây dựng lực lượng. Việc bảo đảm an ninh, trật tự đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của tất cả tầng lớp nhân dân, trong đó có lực lượng nòng cốt và lực lượng công an sẽ giữ vai trò chủ đạo trong việc điều phối, tổ chức cũng như chủ trì trong những hoạt động này.

Còn theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, của quân, của dân. Chúng ta đang thực hiện chủ trương xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Đặt trong bối cảnh đó, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ra đời không thể một mình bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Mặt khác, Luật Quốc phòng, Luật Công an nhân dân đã có những quy định về bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với tư cách là nòng cốt, đồng thời huy động sức dân, tai mắt của Nhân dân tham gia. “Vì vậy, chúng ta cân nhắc xem vấn đề này có ảnh hưởng gì không”, đại biểu đề nghị. 

Hiện tại, công an xã, phường và dân quân tự vệ là hai lực lượng cần phát huy vai trò, trách nhiệm nòng cốt trong chỉ đạo, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, chứ không phải đặt ra một lực lượng mới quá đông đảo, quá lớn. Vì lẽ đó, Chính phủ cần nghiên cứu toàn diện, cân nhắc đầy đủ các khía cạnh. “Luật mà không phúc đáp được yêu cầu thực tiễn thì dứt khoát không thể ban hành, đưa luật ra ngoài đời, cuối cùng không đi vào thực tiễn… có nghĩa là Quốc hội có lỗi với Nhân dân”, đại biểu nói.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nêu quan điểm, suy cho cùng, khi xã hội và đất nước có an ninh, đặc biệt là 100 triệu dân chúng ta có an ninh, từng gia đình có an ninh thì chúng ta sẽ có an ninh. “Tôi đi cơ sở các vùng sâu, vùng xa, tôi thấy câu “điện, đường, trường, trạm” là cực kỳ hay. Chúng ta lo những vấn đề đó để cho người dân sống ổn định, từ đó người dân chăm sóc lẫn nhau, đoàn kết, đồng thuận giữa hàng xóm, láng giềng và người dân cũng cảnh giác đối với các thế lực thù địch, với những kẻ xấu, như vậy chúng ta có an ninh. Còn nếu chúng ta không đi theo hướng chiến lược an ninh quốc gia sẽ không có an ninh quốc gia một cách thật sự, mà bao nhiêu người tham gia cũng không đủ”. Với cách đặt vấn đề như vậy, trở lại với dự thảo Luật, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, trong thời đại hiện nay, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở không có cách nào khác là phải hiện đại hóa và tinh nhuệ hóa – như vậy là phải gọn và tập trung. Bởi, “đầu tư cho bảo vệ an ninh rất tốn kém, cho nên phải gọn thì chúng ta mới làm được việc này”.