Cân nhắc thiệt, hơn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Xin ưu đãi trước hay chờ sau?

Đối với thuế TNDN, thay đổi lớn nhất là mức thuế suất giảm từ 28% xuống còn 25%, áp dụng cho tất cả các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế (trừ hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quý hiếm khác từ 32-50%).

Điểm mới tiếp theo là cách tính chi phí được khấu trừ. Theo đó, luật quy định từ năm 2009 trở đi ngoại trừ các chi phí nằm trong danh mục chi phí không được khấu trừ thì tất cả các khoản chi phát sinh thực tế liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ thì đều được khấu trừ (hiện tại, chỉ có các chi phí được quy định trong danh mục các khoản chi phí được khấu trừ thì mới được khấu trừ nên khi phát sinh khoản chi phí mới doanh nghiệp sẽ bị thiệt thòi).

Như vậy, với phương pháp tính mới, không chỉ việc áp dụng đơn giản mà phạm vi được khấu trừ để tính thu nhập chịu thuế cũng sẽ được mở rộng hơn. Ví dụ, hiện nay thưởng cho người lao động trong các ngày lễ, Tết (khác lương tháng 13)… hay các khoản tài trợ từ thiện, nhân đạo không được khấu trừ thì sắp tới sẽ được coi là chi phí được khấu trừ.

Đặc biệt, đối với doanh nghiệp mới thành lập, trong ba năm đầu mức chi được phép khấu trừ cho quảng cáo, tiếp thị tối đa là 15% (hiện chỉ ở mức 10%); chi phí lãi vay vốn sản xuất, kinh doanh được phép ở giới hạn 1,5 lần so với mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (hiện nay là 1,2 lần so với mức lãi suất ngân hàng thương mại), như vậy doanh nghiệp sẽ có lợi hơn.

Về ưu đãi, thay đổi đáng kể là các mức ưu đãi 10%, 15%, 20% thu hẹp lại chỉ còn hai mức 10% và 20%. Do yêu cầu thực hiện cam kết của nước ta với WTO, đối tượng hưởng ưu đãi cũng bị thu hẹp, chẳng hạn như đầu tư mở rộng sẽ không còn được ưu đãi nữa.

Theo dự thảo nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Thuế TNDN 2008 hiện đang trong quá trình soạn thảo, số lĩnh vực được ưu đãi có thể sẽ bị giảm một cách đáng kể. Từ 79 lĩnh vực ngành nghề đang được ưu đãi, theo dự thảo con số này chỉ còn 13.

Tuy nhiên, đối với một số trường hợp, chế độ ưu đãi lại được quy định theo chiều hướng thuận lợi và tốt hơn. Ví dụ, các lĩnh vực như giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường được hưởng thuế suất ưu đãi 10% và mức thuế suất này sẽ được áp dụng trong suốt thời gian thực hiện dự án thay vì phải trình xin Thủ tướng phê duyệt như hiện nay.

Ngoài ra, thời gian được hưởng ưu đãi, theo quy định mới, có thể được kéo dài thêm 15 năm đối với các trường hợp thuế suất 10% và 10 năm đối với 20% (trước đây, hết thời gian ưu đãi là thôi, không được gia hạn ưu đãi thêm nữa).

Đây là vấn đề các doanh nghiệp nên cân nhắc. Có thể lựa chọn hai cách: một, là tùy theo lĩnh vực đầu tư doanh nghiệp tính toán thành lập ngay bây giờ để được hưởng các ưu đãi mà theo luật hiện hành được hưởng trước khi bị cắt giảm theo quy định mới. Nếu chọn cách này thì phải hành động gấp rút vì từ đây cho đến trước 1-1-2009 thời gian không còn bao nhiêu. Hai, là cũng tùy theo lĩnh vực đầu tư có thể thành lập sau để được hưởng ưu đãi với thời gian dài hơn (gia hạn ưu đãi thêm hoặc tự động hưởng ưu đãi trong suốt thời gian dự án).

Doanh nghiệp cũng được dùng tối đa 10% lợi nhuận tính thuế để thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (không phân biệt loại hình doanh nghiệp) với điều kiện phải sử dụng ít nhất 70% số quỹ đó trong vòng năm năm, điều này làm giảm đáng kể số thuế phải trả cho doanh nghiệp.

Thanh toán qua ngân hàng nếu không muốn bị thiệt

Về thuế GTGT, điểm mới nổi bật là cách phân loại hàng hóa, dịch vụ để áp thuế. Lâu nay, theo quy định hàng hóa, dịch vụ được phân loại thành không chịu thuế, chịu thuế 0%, 5% và 10%. Cách phân loại này dẫn đến trường hợp có những loại hàng hóa, dịch vụ không được quy định thì không biết áp vào mức thuế suất nào, từ đó thường xảy ra tranh cãi giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế, cơ quan hải quan, đặc biệt là đối với hàng hóa nhập khẩu.

Để khắc phục khiếm khuyết trên, Luật Thuế GTGT 2008 phân hàng hóa, dịch vụ thành loại không chịu thuế, chịu thuế suất 0% và 5%; số còn lại không nằm trong phân loại này thì chịu thuế 10%.

Một điểm mới đáng lưu ý nữa là đối tượng không chịu thuế sẽ bị thu hẹp lại, từ 28 còn 25 đối tượng. Trong đó, thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được để hình thành tài sản cố định trước nay thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT thì từ năm 2009 sẽ phải chịu thuế GTGT (trừ loại dùng cho hoạt động nghiên cứu khoa học; phát triển công nghệ; tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu, khí đốt; máy bay, tàu thủy thuê của nước ngoài).

Như vậy, doanh nghiệp cần tính toán xem liệu có nên tranh thủ nhập những thiết bị, máy móc… trước khi chúng bị đánh thuế GTGT hay không?

Luật mới cũng chuyển một số đối tượng hiện không chịu thuế GTGT gồm vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu được hưởng mức thuế suất 0% và do đó sẽ được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào (trừ khi xuất khẩu về chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài; dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài; dịch vụ cấp tín dụng, chuyển nhượng vốn, dịch vụ tài chính phái sinh; dịch vụ bưu chính, viễn thông; sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa qua chế biến). Điều này có lợi cho doanh nghiệp vì trước đây những hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT đều không được khấu trừ GTGT.

Một thay đổi quan trọng nữa là nếu trước nay phải phân ra hai phần thuế rất khó cho doanh nghiệp thì với quy định mới tài sản cố định sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT sẽ được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào.

Điều đặc biệt cần lưu ý là quy định thanh toán qua ngân hàng. Theo đó, từ 1-1-2009 tất cả giao dịch có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (bao gồm cả thuế GTGT), nếu muốn được khấu trừ thuế GTGT thì ngoài việc phải có hóa đơn, chứng từ khác, còn phải đảm bảo điều kiện: có chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào.

Như vậy, doanh nghiệp nên yêu cầu nhà cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng của mình và chỉ nên giao dịch khi họ có tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, về thủ tục, quy định mới cũng tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Từ 1-1-2009, thời gian kê khai khấu trừ thuế GTGT được quy định tối đa là sáu tháng, thay vì ba tháng như hiện nay. Điều này giúp cho doanh nghiệp có nhiều thời gian để hoàn thiện, bổ sung hồ sơ hơn, nhất là khi có sai sót.

LS. NGUYỄN HỮU PHƯỚC – Công ty Luật Phước và các cộng sự

Từ 1-1-2009 tất cả giao dịch có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (bao gồm cả thuế GTGT), nếu muốn được khấu trừ thuế GTGT thì ngoài việc phải có hóa đơn, chứng từ khác, còn phải đảm bảo điều kiện: có chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào.

Thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được để hình thành tài sản cố định trước nay thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT thì từ năm 2009 sẽ phải chịu thuế GTGT (trừ loại dùng cho hoạt động nghiên cứu khoa học; phát triển công nghệ; tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu, khí đốt; máy bay, tàu thủy thuê của nước ngoài).

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online