Còn nhiều doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình tại Kỳ họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 cho biết, 4 tháng đầu năm nay, cả nước có gần 18.000 doanh nghiệp giải thể hoặc dừng hoạt động.

Số doanh nghiệp giải thể hoặc dừng sản xuất trong 4 tháng qua tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng số doanh nghiệp không còn hoạt động chiếm gần 30% tính từ khi đổi mới kinh tế đến nay. Như vậy, cả nước hiện chỉ còn trên 463.800 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm tỷ lệ hơn 70% số doanh nghiệp.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vấn đề đáng lo ngại hiện nay là số doanh nghiệp thành lập mới liên tục giảm, trong khi đó số lượng doanh nghiệp thu hẹp, ngừng và chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng tăng.

Trong một báo cáo khác của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tình hình doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính Phủ, hiện nay, tình hình chung của các doanh nghiệp là rất khó khăn.

Và trong thời gian tới, những doanh nghiệp có sức cạnh tranh yếu tiếp tục sẽ phải rút khỏi thị trường là điều khó tránh khỏi.

Báo cáo được dựa trên cuộc khảo sát quy mô lớn của VCCI và Bộ Kế hoạch Đầu tư vào tháng 4/2012 với các doanh nghiệp trong cả nước.

Theo VCCI, kết quả các cuộc khảo sát đã đưa ra bức tranh về tình hình doanh nghiệp tương đối trùng khớp.

Theo đó khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao (chủ yếu do chi phí nguyên nhiên vật liệu và giá vốn cao) và khó khăn về thị trường tiêu thụ thu hẹp (do sức mua giảm mạnh), lượng hàng tồn kho lớn và tập trung chủ yếu ở một số ngành như bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo,thương mại, vận tải kho bãi…

Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng đưa ra nguyên nhân sức khỏe doanh nghiệp yếu kém là do nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, cuộc khủng hoảng nợ công diễn ra tại châu Âu và giá dầu mỏ tăng cao. Bên cạnh đó, có những nguyên nhân liên quan đến diễn biến kinh tế trong nước, như: lãi suất vay vốn ngân hàng luôn duy trì ở mức cao và việc cắt giảm mạnh đầu tư công, cộng với sự đóng băng mạnh của thị trường bất động sản ảnh hưởng đến hàng loạt lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân nội tại của doanh nghiệp như: quản lý yếu kém, công nghệ lạc hậu, đầu tư dàn trải. Hiện có nhiều doanh nghiệp bị nợ xấu nên không thể vay vốn thêm và theo kết quả khảo sát, có 75,3% doanh nghiệp cho rằng việc tiếp cận vốn vay đang cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo VCCI, trong bối cảnh hiện nay, việc các doanh nghiệp yếu kém phải rút khỏi thị trường là điều khó tránh khỏi và đó cũng là yêu cầu của cải cách cơ cấu.

Chính vì vậy, VCCI đặc biệt yêu cầu Chính phủ phải chú ý rà xét, xác định rõ và trợ giúp kịp thời các doanh nghiệp có tiềm năng về năng lực cạnh tranh và các dự án có hiệu quả nhưng đang gặp phải những khó khăn tạm thời để doanh nghiệp có thể trụ vững và phát triển.

Giảm 30% – 50% thuế thu nhập phải nộp của năm 2012

VCCI cho rằng, Chính phủ cần tăng tiến độ phân bổ và giải ngân cho các dự án đầu tư công trong kế hoạch, bảo đảm cung ứng vốn cho các công trình, tạo việc làm cho các doanh nghiệp xây dựng và giải quyết đầu ra cho ngành vật liệu xây dựng góp phần giải quyết hàng tồn kho cho các doanh nghiệp và sớm đưa các công trình vào sử dụng.

Bên cạnh đó, VCCI cũng đề nghị giảm 30% đến 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2012 đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp tục gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2011. Đẩy nhanh lộ trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức 20%.

Chính phủ cũng cần có những quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ việc tăng chi phí đầu vào đối với doanh nghiệp, đặc biệt là giá điện, nước, than, xăng dầu, chi phí xuất nhập khẩu tại cảng… Có kế hoạch giãn tiến độ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ trên một cách hợp lý để tránh tăng chi phí dồn dập. Trước mắt không áp dụng các loại phí mới như: phí hạn chế phương tiện giao thông… Xem xét giảm phí công đoàn. Giãn và giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp…

Thực hiện các biện pháp khuyến khích thúc đẩy phát triển thị trường vốn để tạo điều kiện cho DN huy động nguồn lực xã hội thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu và thông qua quỹ đầu tư để đáp ứng nhu cầu đầu tư của của khu vực ngoài Nhà nước, tránh lệ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay từ ngân hàng như hiện nay (tới 80%).

Hạn chế phát hành nợ của Chính phủ (dưới hình thức trái phiếu và tín phiếu) để giảm sự chèn lấn đối với nợ của khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình. 

VCCI cho rằng, hiện nay, việc phát hành trái phiếu và tín phiếu đang cung cấp một đầu ra an toàn cho các ngân hàng thương mại nhưng lại làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu vốn của doanh nghiệp và không giúp làm cho lãi suất giảm một cách tương ứng với tốc độ giảm của lạm phát.

50% doanh nghiệp vẫn đang chịu lãi suất trên 18%

Báo của VCCI cho biết, tại thời điểm thực hiện khảo sát doanh nghiệp (từ ngày 1/4/2012 đến 20/4/2012) theo phản ánh vẫn có khoảng 50% doanh nghiệp đang vay vốn với mức lãi suất trên 18%, trong khi mức lãi suất vay mà đa số họ (khoảng 75% số doanh nghiệp) có thể chịu đựng được là 15% và mức lãi suất vay mà họ cho là hợp lý là khoảng 13%-14% .

Chính vì vậy, theo VCCI, cần tiếp tục lộ trình giảm lãi suất một cách tích cực để giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp.

Hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý.

Chỉ số CPI tháng 4/2012 đã giảm xuống chỉ còn 10,5% so với cùng kỳ năm 2011, đây là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất trong khi vẫn bảo đảm cho người gửi tiền có lãi suất thực dương và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.

Ngoài ra, Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp xử lý nợ xấu, theo hướng rà soát, phân loại nợ, cơ cấu lại các kỳ hạn trả nợ, tạo điều kiện tiếp tục cho vay vốn đối với các doanh nghiệp có dự án đầu tư có tác động kinh tế – xã hội lớn, có phương án kinh doanh đạt hiệu quả, đặc biệt ưu tiên cho vay đối với các công trình dự án dở dang sắp hoàn thành để tránh lãng phí xã hội, tạo việc làm cho người lao động và tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể hoàn trả vốn vay ngân hàng.

Điều hành tỷ giá linh hoạt góp phần khuyến khích xuất khẩu.Tiếp tục cơ chế cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu để hạ thấp chi phí vốn cho các doanh nghiệp này duy trì sản xuất kinh doanh và giữ vững thị trường xuất khẩu.

Cần sớm ban hành đề án tái cấu trúc nền kinh tế

Đề nghị Chính phủ ban hành sớm đề án tái cấu trúc nền kinh tế đồng thời với việc xây dựng chính sách công nghiệp quốc gia để định hướng cho hoạt động của doanh nghiệp. Đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc các DNNN và các ngân hàng thương mại. 

Ngoài các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp lớn nâng cao trình độ quản trị, đặc biệt là quản trị chiến lược và tài chính, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi xây dựng các chuẩn mực quản trị hiện đại, thực hiện tốt các biện pháp tiết kiệm, cắt giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, xây dựng và thực hiện tốt cơ chế kiểm soát rủi ro trong doanh nghiệp.

Ngoài ra, VCCI cũng đề nghị Chính phủ có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt thị trường trong nước và thế giới bằng việc triển khai các biện pháp đưa hàng Việt về nông thôn. Bên cạnh đó là đẩy nhanh tiến độ đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương với các nước, các khu vực để mở cửa thị trường.

Về cải cách thủ tục hành chính, VCCI cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, hợp tác của cơ quan chính quyền địa phương với doanh nghiệp trong việc giải quyết tốt các thủ tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án có tiềm năng và ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế – xã hội có ý nghĩa rất quan trọng.

Đối với các dự án mà chủ đầu tư đang có khó khăn thì cần xem xét giãn các khoản phải nộp cho địa phương, giãn tiến độ thực hiện, phân kỳ đầu tư thực hiện từng tiểu phần của dự án để giảm bớt áp lực, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Chính phủ cũng cần tăng cường cơ chế thông tin và đối thoại giữa các cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp, phản ánh kịp thời thực trạng và kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp tới Chính phủ và thông tin về định hướng chính sách của chính phủ đối với doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận và niềm tin vào thị trường.

VCCI cho rằng, hiện nay, hệ thống thông tin về doanh nghiệp khá phân tán và chưa được cập nhật tốt. Đề nghị các Bộ ngành hữu quan, trước hết là Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính quan tâm hơn tới việc này.

VCCI sẽ chủ động tiến hành các nghiên cứu khảo sát đánh giá định kỳ về tình hình và kiến nghị của doanh nghiệp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

Nguồn: VOV online