Công bố Báo cáo PCI 2013: Bổ sung chỉ số cạnh tranh bình đẳng là phù hợp với môi trường kinh doanh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

PCI được biết đến như bộ chỉ số đánh giá chất lượng điều hành kinh tế và mức độ tạo thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh dành cho các doanh nghiệp tư nhân của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chỉ số PCI được thiết kế với mục đích là đưa ra đề xuất chính sách khả thi cho chính quyền địa phương. Vì vậy, chỉ số thành phần, chỉ tiêu và các trọng số cần được điều chỉnh thường xuyên nhằm cập nhật được tình hình cải cách và các thách thức mới trong nền kinh tế nước ta hiện nay. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Báo cáo chỉ số PCI năm 2013 sử dụng lại một số chỉ số thành phần bị loại bỏ từ năm 2009 theo hướng điều chỉnh và cải thiện cho phù hợp với tình hình môi trường kinh doanh thực tế.

Năm 2009, sau khi tiến hành trao đổi với các lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp, VCCI tin rằng ưu đãi của chính quyền đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) do địa phương quản lý thực sự không còn là một cản trở đối với các doanh nghiệp tư nhân (DNTN). Thời điểm đó, phần lớn các doanh nghiệp này đã được cổ phần hóa, giải thể hoặc sát nhập với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Các DNNN còn tồn tại chủ yếu để tiến hành các hoạt động công ích nên không cạnh tranh với khối DNTN về đất đai, mặt bằng kinh doanh, lao động hay vốn. Ngoài ra, quyết định điều hành của DNNN do Trung ương quản lý không dễ dàng bị ảnh hưởng bởi chính quyền địa phương nên địa phương cũng sẽ không có động cơ ưu ái các doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI năm 2009 hoạt động trong lĩnh vực khác với DNNN do Trung ương quản lý, nên VCCI cho rằng những doanh nghiệp sẽ không áp đảo các DNTN. Song nhiều chuyên gia nhận định rằng, việc bỏ chỉ số thành phần này ra khỏi chỉ số PCI là thiếu hợp lý và sẽ gây khó khăn cho việc phân tích các chiến lược thành lập tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Trong khi đó, Báo cáo chỉ số PCI năm 2012 đã đề cập đến tình trạng hoạt động kém hiệu quả của DNTN và cảm nhận ngày càng tiêu cực về chất lượng điều hành kinh tế của địa phương bắt nguồn từ cạnh tranh thiếu bình đẳng. Nói cách khác, các DNTN đang bị DNNN – tước đi nhiều cơ hội kinh doanh. Khoảng một phần ba doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI năm 2013 cho rằng, ưu đãi đối với DNNN do Trung ương quản lý là một trong những yếu tố gây trở ngại cho hoạt động của DNTN (tăng nhẹ so với năm 2012). Ưu đãi dành cho các công ty lớn được thể hiện rõ nét trong lĩnh vực mua sắm công (35% doanh nghiệp đồng ý), tiếp cận đất đai (27%), tiếp cận vốn (27%) và thủ tục hành chính nhanh chóng, đơn giản (26%). Hơn nữa, tình trạng cạnh tranh thiếu bình đẳng đang hiện diện tại hầu hết các địa phương trên cả nước, với nhiều mức độ khác nhau. Tại một số địa phương, hơn 50% doanh nghiệp cho rằng, chính quyền địa phương tạo thuận lợi hơn cho DNNN trong tiếp cận đất đai và tín dụng. Để phản ánh đúng thực tế, năm 2013, VCCI đã phục hồi chỉ số thành phần ưu đãi đối với DNNN với tên gọi mới là chỉ số cạnh tranh bình đẳng trong đánh giá PCI.

Và chỉ số cạnh tranh bình đẳng không chỉ tập trung vào nhóm DNNN do Trung ương quản lý mà còn đề cập thêm hai hình thức tương tự ưu đãi đối với DNNN: ưu đãi dành cho các doanh nghiệp tiền thân là DNNN và chủ doanh nghiệp có mối quan hệ với chính quyền; các doanh nghiệp FDI. Đại diện VCCI cho rằng, đưa lại các chỉ số thành phần này sẽ giúp phản ánh đầy đủ môi trường cạnh tranh cấp tỉnh, thành phố hiện nay. Theo báo cáo PCI 2013, có 35% doanh nghiệp cho rằng, các doanh nghiệp cổ phần hóa tiền thân là DNNN được tạo nhiều thuận lợi nhất. Các doanh nghiệp này, trong một số trường hợp vẫn có một phần vốn do Nhà nước nắm giữ, thường có quan hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương nên được hưởng nhiều thuận lợi và quan tâm hơn trong tiếp cận các nguồn lực, đấu thầu, mua sắm công. Ngoài ra, khoảng 32% doanh nghiệp tin rằng, một số tỉnh đang xảy ra tình trạng ưu tiên đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài hơn phát triển DNTN trong nước trên địa bàn. Một số địa phương như Tuyên Quang, Nam Định, Hà Nam có hơn 44% doanh nghiệp phàn nàn về việc doanh nghiệp FDI được ưu ái hơn.

Việc xây dựng chỉ số mới cạnh tranh bình đẳng trong chỉ số PCI năm 2013 đã góp phần phản ánh đầy đủ và hoàn thiện các khía cạnh thay đổi mà doanh nghiệp đề cập. Đồng thời thể hiện được các hình thức ưu đãi, gây mất bình đẳng đối với các DNTN trong nước trongsân chơi kinh doanh. Điều này góp phần tăng cường tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là DNTN, vì một nền kinh tế cạnh tranh bình đẳng hơn trong thời gian tới.

 Đà Nẵng trở lại vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2013

Theo Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố ngày 20.3, TP Đà Nẵng đạt 66,45 điểm và trở lại vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng PCI năm 2013, sau khi tụt xuống vị trí thứ 12 năm 2012. Đây là địa phương từng ba năm liên tiếp (2008 -2010) đứng đầu cả nước trong bảng xếp hạng PCI. TP Hồ Chí Minh tăng 3 hạng, nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có PCI cao nhất cả nước. TP Hà Nội tăng xếp thứ 33, tăng 18 hạng trong bảng chỉ số, từ vị trí 51 của PCI năm 2012. Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên đứng trong nhóm 4 tỉnh xếp hạng PCI cao nhất với 63,51 điểm. Khu vực Duyên hải miền Trung có hai tỉnh nằm trong nhóm xếp hạng Rất Tốt là Thừa Thiên Huế (đạt 65,56 điểm, ở vị trí thứ 2) và Quảng Nam (đạt 62,60 điểm, đứng thứ 7). Và như nhiều năm trước, nhiều tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục duy trì chất lượng điều hành tốt. Trong đó, 3 tỉnh Kiên Giang (63,55 điểm đứng thứ 3), Đồng Tháp (63,35 điểm, đứng thứ 5) và Bến Tre (62,78 điểm, đứng thứ 6) thuộc 7 tỉnh nhóm Rất Tốt. Nhóm tỉnh có chỉ số PCI thấp nhất là các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, trong đó thấp nhất là Tuyên Quang (48,98 điểm), tiếp đó là Hòa Bình (52,15 điểm), Cao Bằng (52,30 điểm).

Nguyễn Giang