Công khai, minh bạch trong điều hành giá
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hạn chế tối đa tác động tiêu cực tới nền kinh tế

Cái khó trong công tác điều hành giá những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu này đó là vừa phải đảm bảo mục tiêu theo cơ chế thị trường có sự kiểm soát của nhà nước, vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương điều hành giá các mặt hàng này một cách thận trọng, linh hoạt và đảm bảo hạn chế tối đa các tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

Đối với giá xăng dầu, từ đầu năm đến nay, liên Bộ Tài chính- Công Thương đã thống nhất điều chỉnh giá linh hoạt, có tăng, có giảm theo tín hiệu thị trường kết hợp với sử dụng các công cụ tài chính (thuế, Quỹ bình ổn giá).

Đặc biệt, khi các yếu tố công thức giá cơ sở khá ổn định, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao cho DN quyền quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong nước, thực hiện kiểm soát giá bằng hình thức yêu cầu các DN xăng dầu đầu mối đăng ký giá đối với mỗi lần điều chỉnh tăng (hoặc giảm giá) theo biên độ và tần suất (tối thiểu là 10 ngày) như quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Từ đầu tháng 9 đến nay, giá xăng dầu tiếp tục dao động ở mức cao. Để giữ ổn định giá bán xăng, dầu trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát, giảm bớt khó khăn cho DN và người tiêu dùng, liên Bộ Tài chính – Công Thương đã yêu cầu DN không tăng giá, sử dụng các công cụ để bình ổn giá đồng thời không tính lợi nhuận định mức của DN xăng dầu trong giá cơ sở.

Song song với việc điều chỉnh giá điện (1-7-2012 giá điện tăng 5%) từng bước để tiến tới thực hiện theo cơ chế giá thị trường, để hạn chế tối đa tác động của tăng giá điện đến an sinh xã hội, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ riêng đối với các hộ sử dụng điện có thu nhập thấp và hộ nghèo. Cụ thể, các hộ thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ giá điện là 30.000 đồng/hộ/tháng. Theo tính toán, NSNN đã hỗ trợ khoảng 930 tỷ đồng thực hiện chính sách này trong năm 2012.

Tương tự như giá điện, việc điều chỉnh giá than bán cho điện được thực hiện theo từng bước có lộ trình với nguyên tắc có kiềm chế, gắn với lộ trình điều chỉnh giá điện, có tính đến điều kiện kinh tế, xã hội tại thời điểm điều chỉnh, và phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, hạn chế tác động đến sản xuất và đời sống xã hội.

Công khai trong chấp hành các quy định về giá

Cùng với linh hoạt trong điều hành giá, Bộ Tài chính đã tích cực, quyết liệt, phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương trong quản lý giá, góp phần tích cực để kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý và an sinh xã hội.

Từ tháng 5-2012 đến tháng 7-2012, Bộ Tài chính tiếp tục thanh tra, kiểm tra tại 6 DN kinh doanh xăng dầu đầu mối. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong việc thực hiện đăng ký giá và các yếu tố hình thành giá bán xăng dầu; kiểm tra việc chấp hành thuế và chi trả thù lao đại lý của các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp kết quả thanh tra, kiểm tra nếu có phát hiện sai phạm thì sẽ xử lý theo quy định.

Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá và thực hiện nghĩa vụ với NSNN tại 16 công ty sản xuất điện ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam, và đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thanh tra các công ty sản xuất điện ngoài EVN.

Bên cạnh việc quản lý, điều hành giá xăng dầu theo những quy định hiện hành, Bộ Tài chính cũng phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị có liên quan thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguyên tắc điều hành và về mức điều chỉnh giá của các lần điều chỉnh tăng, giảm giá xăng dầu.

Minh Anh
Nguồn: Báo Hải quan Online