Công nghiệp cơ khí: Xác định nhóm ngành hay thị trường trọng điểm?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tiềm năng cung ứng sản phẩm cho các nhà máy điện

Có lẽ không phải đến bây giờ ngành cơ khí mới nhìn thấy cơ hội thị trường từ các công trình điện. Song chỉ khi chính sách cụ thể của Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng một số cơ chế ưu đãi đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong nước chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho một số dự án thủy điện – các nhà sản xuất sản phẩm này mới có cơ hội tham gia vào các công trình điện. Ngay lập tức, không chỉ thay thế hoàn toàn việc phải nhập khẩu gần như 100% sản phẩm này, mà còn giúp sản xuất trong nước phát triển. Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí Nguyễn Chỉ Sáng cho rằng, không chỉ cơ hội từ các dự án thủy điện, hệ thống các nhà máy nhiệt điện được thiết kế trong quy hoạch phát triển của ngành điện, nếu được quan tâm, chắc chắn là tiềm năng cho ngành công nghiệp cơ khí phát triển. Đơn cử như, trước đây, hệ thống vận chuyển cho nhà máy nhiệt điện vẫn phải nhập khẩu của Đài Loan những thiết bị về con lăn, về tăng nâng tải; nhưng hiện nay có khoảng 4 doanh nghiệp trong nước đang đầu tư phát triển các sản phẩm này. Kết quả phân tích của Viện Nghiên cứu cơ khí cho thấy, thiết bị phục vụ nhà máy nhiệt điện có dung lượng thị trường khoảng 70 – 80 tỷ USD, trong đó các nhà sản xuất trong nước có thể đáp ứng được ít nhất là 40 tỷ USD.

Theo Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng – Bộ Công thương Trương Thanh Hoài, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã nghiên cứu và xác định, trước mắt các dự án phát triển nguồn và lưới điện là thị trường chính của ngành công nghiệp cơ khí. Hơn nữa, nhu cầu năng lượng hiện đang phát triển rất nhanh, với nhu cầu phụ tải tăng trưởng trên 10%/năm. Bên cạnh đó, thời gian tới, có nhiều nhà máy nhiệt điện có công suất trung bình từ 1.000 – 1.200MW với tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD được triển khai thực hiện sẽ tạo dung lượng thị trường cơ khí chế tạo rất lớn cho các nhà sản xuất trong nước. Trong cơ chế nội địa hóa các nhà máy nhiệt điện, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao thực hiện thí điểm tại một số dự án nhà máy nhiệt điện; nếu thành công sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước nâng cao năng lực, từ đó tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường trong và ngoài nước, đối với các gói thầu tương tự hoặc các gói thầu xây lắp các nhà máy công nghiệp.

Ưu tiên sử dụng sản phẩm trong nước

Trên thực tế, rất nhiều sản phẩm cơ khí đòi hỏi hàm lượng chất xám cao như máy biến áp công suất lớn, từ 220 – 500kV cũng đã được nhà sản xuất trong nước thiết kế và chế tạo thành công từ lâu, nhưng không hẳn đã dễ dàng được lựa chọn tại các công trình điện do cơ chế tổng thầu EPC hay những hạn chế bởi một số quy định của Luật Đấu thầu. Để có được “con đường sống” cho các sản phẩm trong nước đã sản xuất được, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phải ban hành Chỉ thị về sử dụng hàng hóa trong nước đối với những gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Cùng với đó, còn có trách nhiệm của chủ đầu tư và đội ngũ tư vấn, thiết kế các công trình. Phó tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 4 Trần Hoài Nam cho biết, luôn đánh giá cao về chất lượng máy biến áp do một số nhà sản xuất trong nước cung cấp và cho rằng, cần có chính sách để các sản phẩm này được sử dụng trong các dự án điện thuộc Quy hoạch điện VII. Nếu không tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước tham gia ngay từ đầu để nâng cao năng lực, không thể mãi phụ thuộc vào nguồn cung ngoại nhập, như thế rất khó chủ động sau này, nhất là khi đã hội nhập sâu.

Ngoài ra, không phải nhà tư vấn nào cũng có trách nhiệm và chủ đầu tư nào cũng ưu tiên lựa chọn sản phẩm nội địa. Bởi một phần do “ngại” chia tách các gói thầu EPC thành các gói thầu riêng biệt với lý do “an toàn”, dễ quản lý, quy trách nhiệm. Phần vì còn những “phết, phẩy, hoa hồng”… nên không ít sản phẩm cơ khí trong nước sản xuất rất có chất lượng nhưng vẫn nhập khẩu. Và cho dù Luật Đấu thầu đã được sửa đổi theo hướngthoáng hơn cho doanh nghiệp trong nước, nhưng theo nhiều doanh nghiệp, vẫn rất khó để cạnh tranh do các doanh nghiệp nước ngoài có nhiều cơ chế ưu đãi trong chính sách phát triển sản phẩm xuất khẩu của quốc gia bản địa. Do vậy, để tạo thị trường cho ngành cơ khí trong nước, cần sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu theo hướng gia tăng ưu đãi cho các doanh nghiệp trong nước khi đấu thầu quốc tế (từ 7,5% lên khoảng 15%), đồng thời, xem xét các chính sách thuế, phí phù hợp hơn đối với cơ khí – một ngành nghề cần nguồn vốn lớn và dài hạn nhưng lợi nhuận lại không hề hấp dẫn nhà đầu tư.

 Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí Nguyễn Chỉ Sáng, nhìn vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, với hàng trăm công trình nguồn và lưới điện đã xây dựng, có thể thấy một thị trường đầy tiềm năng của ngành cơ khí đã bị “bỏ quên”, nhường chỗ cho hàng nhập khẩu.

Phương Nguyên
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân