Cơ cấu lại nợ công và đầu tư công: Con đường thoát hiểm của nền kinh tế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mới “bắn chỉ thiên”

Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn – nhận định này không mới và tiếp tục được nêu trong Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách về tình hình nợ công nước ta giai đoạn vừa qua. Đúng là nợ công đang trong giới hạn cho phép của QH, song tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn (18,4%/năm) là khá cao. Không chỉ gần chạm giới hạn cho phép, những dấu hiệu cho thấy khó khăn về trả nợ trong ngắn hạn cũng như những biểu hiện không an toàn trong dài hạn đều được Báo cáo thẩm tra chỉ rõ. Theo nhiều ĐBQH, sự “căng thẳng” của nợ công cũng không chỉ là vấn đề của hôm nay, vì rằng trong thời gian tới, nước ta sẽ vẫn phải vay nợ để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là tất yếu khách quan của sự phát triển.

Đi sâu phân tích nguyên nhân của nợ công, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng, nợ công tăng cao trước hết do nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, đồng thời có sự gia tăng đột xuất khi phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường… Ngoài ra, sự hạn chế trong nguồn thu ngân sách nhà nước do triển khai thực hiện một số chính sách ưu đãi thuế, hay gia tăng chi thường xuyên để bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp… cũng gây sức ép lên nợ công. Và trên hết, đó là việc quản lý, sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, với hàng loạt dự án chậm tiến độ, làm tăng tổng mức đầu tư, cùng những dự án “nghìn tỷ” đang “đắp chiếu”… mới là nguyên nhân chính dẫn đến nợ công tăng cao. Theo ĐB Phùng Đức Tiến, với nhu cầu vay lớn trong giai đoạn 2016 – 2020, nếu tiếp tục cách đầu tư như vừa qua, hệ quả sẽ không dừng ở việc tăng rủi ro tài chính mà sẽ là mất an toàn nợ công, kéo theo mất ổn định kinh tế vĩ mô.

Ghi nhận những đánh giá thẳng thắn nêu trong Báo cáo của Chính phủ về tình trạng nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn, sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, song điều khiến ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) trăn trở, đó là Báo cáo chưa chỉ ra được thực tế có bao nhiêu dự án mang lại hiệu quả; bao nhiêu dự án thua lỗ; và bao nhiêu dự án cần xem xét, đề nghị điều tra, truy tố? Phải chỉ ra được nguyên nhân và giải pháp xử lý thì mới xác định được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, rút ra bài học và ngăn chặn được tình trạng thất thoát vốn đầu tư hiện nay. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, chỉ 5 dự án (xơ sợi Đình Vũ, gang thép Thái Nguyên, bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình và nhiên liệu sinh học Dung Quất) đã làm tiêu tan trên 30 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên đầu tư dự kiến 3.800 nghìn tỷ đồng, nhưng tăng lên 8.100 nghìn tỷ đồng, gấp hơn hai lần. Hay, nhà máy bột giấy Phương Nam, dự kiến đầu tư 1,4 tỷ đồng, điều chỉnh lên 3,4 tỷ đồng, gấp 2,3 lần. Điều đáng nói là sau khi nghiệm thu chạy thử dự án này cho kết quả thành công, nhưng chạy tải thì không thành công. Nguyên nhân do cây đay không phù hợp và cuối cùng đổi sang gỗ tràm nhưng cũng không hiệu quả. Và hệ quả của việc xử lý nhà máy này hiện gần như bỏ không (?). Gọi đây là cách đánh giá, nhận định theo kiểu “bắn chỉ thiên”, ĐB Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, việc mới chỉ ra được hạn chế chung chung, chưa chỉ cụ thể trách nhiệm thuộc về ai. Như vậy sẽ không làm chuyển biến nhận thức trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công thời gian tới. 

Nuôi dưỡng nguồn thu và giảm chi

Để giảm áp lực nợ công cho nền kinh tế, ĐB Phạm Phú Quốc (TP Hồ Chí Minh) cho rằng cần nuôi dưỡng nguồn thu để có thể tăng thu và giảm chi. Hiện chúng ta chủ yếu phụ thuộc vào tài nguyên trong nước, dầu thô và xuất nhập khẩu. Đây là những lĩnh vực khó tăng trưởng đột biến trong 5 năm tới. Điều này sẽ đặt trách nhiệm nặng nề lên ngành sản xuất và dịch vụ trong nước. Trong khi đó, Chính phủ cũng đặt ra chương trình khởi nghiệp, hình thành một triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Tuy nhiên, các chương trình khởi nghiệp như vậy đòi hỏi phải nới lỏng tiền tệ và gây áp lực lạm phát. Có nghĩa, trong thời gian tới, khó tăng thu cho ngân sách. “Chúng ta chỉ còn một con đường để có thể thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đó là giảm chi”, ĐB Phạm Phú Quốc nhận định.

Theo ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), ngân sách và nợ công sẽ tiếp tục là tâm điểm của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2020. Ngân sách thâm hụt triền miên sẽ là nguy cơ gây bất ổn vĩ mô với vòng xoáy lạm phát, lãi suất, tỷ giá tiếp tục vay để trả nợ và bù đắp thâm hụt. Việc quản lý tài chính, ngân sách nhà nước nói riêng và quản lý, điều phối kinh tế vĩ mô nói chung là thách thức lớn của Chính phủ nhiệm kỳ mới. Bởi vậy, đề án, chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, đầu tư công trung hạn của Chính phủ trở nên vô cùng quan trọng. “Đây là con đường thoát hiểm gần như duy nhất cần được QH khẩn trương xem xét thông qua tại kỳ họp này để Chính phủ triển khai thực hiện kịp thời”, ĐB Hà Sỹ Đồng nêu rõ.

Thực hiện Luật Đầu tư công, đây là lần đầu tiên Chính phủ xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho cả 5 năm và trình QH xem xét, thông qua. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn rất khó vì nhu cầu đầu tư lớn trong ngân sách hạn hẹp, khả năng huy động các nguồn lực trong xã hội đang rất khó khăn. Để nâng cao hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bên cạnh việc tái cơ cấu đầu tư công, phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa và đẩy nhanh quyết liệt việc thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020. Việc lựa chọn mục tiêu, định hướng cấp bách để ưu tiên đầu tư, khắc phục cho được những hạn chế, bất cập đã chỉ ra là cần thiết. Cùng với đó, cần cơ cấu lại nguồn vốn, tập trung cho các dự án trọng điểm có tính lan tỏa, tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.

Phương Thủy
Nguồn: Báo Người đại biểu nhân dân điện tử