Cô đơn của ông Park
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ông Park Hang-seo làm việc với đội tuyển Quốc gia và U22 đêm Giáng sinh. Ông bay về Hàn Quốc hôm 28/12, cách ly y tế khi quê hương trong làn sóng dịch thứ ba.

Cuộc sống của các huấn luyện viên bóng đá nước ngoài tại Việt Nam thường không có những ngày nghỉ lễ. Đây là một đặc thù. Những sự kiện bóng đá mà họ trực tiếp cầm quân thường diễn ra vào dịp cuối năm, thời khắc rất quan trọng với người phương Tây.

Tôi còn nhớ Giáng sinh cách đây 19 năm, khi ấy đội tuyển Việt Nam dự Tiger Cup 2002 tại Indonesia. Chúng tôi ngồi ở quầy bar khách sạn Hilton đợi ông Calisto xuống uống bia tán gẫu, chỉ thấy trợ lý Vũ Tiến Thành xuống. “Ông ấy đang khóc trên phòng sau khi gọi điện về nhà”, anh Thành nói, “tâm trạng Calisto lúc này tệ lắm”.

Sau này tôi mới biết, đó là lần đầu tiên trong đời, Calisto không thể về nhà cùng gia đình đêm Noel và cả năm mới. Sáu năm sau đó, tôi chứng kiến một lần nữa Calisto vắng nhà và cũng khóc vào thời khắc chuyển giao của năm. Nhưng lần này là những giọt nước mắt hạnh phúc khi đưa đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên vô địch Đông Nam Á.

Tôi đã cố vỗ yên ám ảnh của mình về sự lẻ loi của các huấn luyện viên nước ngoài rằng, ai đến Việt Nam làm việc mà chẳng như vậy khi ở xứ người mỗi dịp lễ. Nhưng gần 20 năm tác nghiệp thực địa, tôi không lý giải nổi cảm giác bứt rứt khi biết Calisto khóc một mình, hay Alfred Riedl tự dằn lòng bằng chai bia lặng lẽ ở quán ăn bé nhỏ trong nhà nghỉ Circle Inn tại Bacolod hồi năm 2005. Xa quê hương là một lẽ, nhưng họ thậm chí còn không thể đón Noel hay năm mới cạnh một vài người bạn.

Họ đánh đổi cuộc sống của mình vì cái gì? Tất nhiên là lương cao, việc làm – như mọi chuyên gia cao cấp ở các lĩnh vực khác. Nhưng xếp chuyện lương sang một bên, cái mà họ cố gắng phấn đấu, thành quả sẽ thuộc về nơi đã trả lương cho họ. Những cái được của họ, nếu có, dường như đều ở lại Việt Nam. Còn những cái mất, chỉ mình họ biết.

Không phải tự nhiên tôi nhắc đến sự cô đơn ấy ở đây. Là xuất phát từ những lời trần tình của huấn luyện viên Park Hang-seo vừa qua, khi ông có vẻ bất lực trong việc tìm nhân tố mới cho Đội tuyển Quốc gia, và tôi thấy những bình luận có phần khắc nghiệt. Một số người cho rằng, ông Park Hang-seo đã may mắn khi đến Việt Nam đúng vào thời điểm xuất hiện một thế hệ tài năng, từng dự hai kỳ U 23 châu Á và lần đầu tiên có mặt ở U 20 World Cup. Rồi từ đó, người ta cũng mai mỉa về chuyện ông không làm gì vẫn nhận trọn lương. Nay cần ông làm, thì lại có ý than thở.

Tôi cho rằng, cách nghĩ đó nếu có “đạt lý” thì cũng chưa “thấu tình”. Giả sử ông Park có than vãn việc tìm nhân tố mới, thì đấy không chỉ vì ông lo công việc của mình, mà còn vì hậu vận của bóng đá Việt Nam. Họ thành công thì danh tiếng của họ ở lại trên mảnh đất hình chữ S. Nếu họ thất bại, mọi thứ cũng nằm lại ở đây. Cái lo của ông và cộng sự nên là cái lo chung của cả nền bóng đá Việt Nam. Ông vừa là “người ngoài”, vừa là người cùng thuyền, hứng chịu ảnh hưởng nặng nhất của những gì mà bóng đá Việt Nam đang chịu, nên ông có quyền tỉnh táo nhất và đã thành thật khi đưa ra ý kiến. Ông đâu có cần phải nói cho vừa lòng ai.

Và đấy cũng là một kiểu cô đơn. Đa số chúng ta không biết, hoặc có thể có người không đồng tình với điều đó. Huấn luyện viên là một công việc “làm công ăn lương” có tính khắc nghiệt bậc nhất trên thế giới, bởi một đặc thù: sự thành công bị lệ thuộc quá nhiều vào yếu tố ngoại cảnh. Họ vất vả hay cô đơn gấp chục lần người khác, thì có khi vẫn thất bại nếu như lúc họ đến, bóng đá Việt Nam chẳng có nhân tài nào. Hợp đồng của họ có được gia hạn hay không, đôi khi chỉ là câu chuyện của may mắn hay xui rủi. Và giả sử trong một lúc nào đó, họ có than vãn, thì cũng là cơ hội để bóng đá Việt Nam nhìn lại mình. Nền bóng đá, nếu tự vận động để “giúp” các huấn luyện viên, cũng là giúp chính mình.

Ông Park không có lỗi trong chuyện bóng đá Việt Nam thiếu hụt nhân tài. Đó là vấn đề nội tại của cả nền bóng đá, gồm hàng nghìn con người, đặc biệt là đội ngũ những người đang tạo ra cơ chế cho nền thể thao. Khi các câu lạc bộ Việt Nam chưa từng lọt qua vòng đấu bảng AFC Champions League để được ghi nhận là tiệm cận trình độ châu lục, thì cũng có nghĩa, trong tay huấn luyện viên Park Hang-seo chỉ có các cầu thủ ở đẳng cấp hàng đầu Đông Nam Á.

Khi giải đấu số một Việt Nam, V-League, đến bây giờ vẫn còn tranh cãi với nhau trước mỗi mùa giải rằng trọng tài đã trong sạch hay chưa, có chuyện một “ông bầu” sở hữu nhiều đội bóng không, có liên minh năm đánh một hay không… cũng có nghĩa môi trường chung của bóng đá Việt Nam vẫn chỉ ở mức bán chuyên. Những câu hỏi kiểu như vậy đâu có tồn tại ở bóng đá chuyên nghiệp, nơi được vận hành bởi luật lệ, bởi công nghệ và tư duy “thông thoáng” chứ không phải bằng những câu hỏi dằn vặt lẫn nhau.

Làm huấn luyện viên ở Việt Nam, ngoài nỗi cô đơn trong đời sống và những ngày lễ xa nhà, còn cảm giác của sự lạc lõng trong môi trường bóng đá. Và đây không phải vấn đề của ông Park.

Việt Tâm