Có hay không an sinh xã hội cho công nhân lao động?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Quyết tâm là thế nhưng nhìn lại chặng đường đã qua- hoàn toàn có thể đặt câu hỏi: An sinh xã hội cho công nhân lao động- có hay không?

Vào thời điểm cơn bão giá ở mức cao điểm nhất, câu chuyện bữa cơm của những công nhân tại các khu công nghiệp là chủ đề của nhiều phương tiện truyền thông đại chúng. Còn vào những thời điểm “yên ắng” hơn, khi bữa cơm được đặt sang một bên thì lại xuất hiện đầy những băn khoăn trăn trở về đời sống tinh thần của những người công nhân ngày lao động ở khu công nghiệp, tối về không ti vi, không sách báo, không nơi giải trí đơn giản vì gần đấy không có các cơ sở văn hóa, mà đi xa hơn chút nữa, đến trung tâm thành phố thì số tiền họ kiếm được không đủ chi cho những phút thư giãn hiếm hoi… Thành thử ra, công nhân cùng một lúc phải gánh cả hai nỗi vất vả, thiếu thốn vật chất và tinh thần. Trong khi họ phần đông là những người trẻ tuổi.

Gần đây lại rộ lên một thực trạng công nhân bỏ làm tại các khu công nghiệp ngày một đông khiến thêm nhiều câu hỏi được đặt ra. Vì sao họ bỏ làm? Bỏ làm công nhân đi đâu, làm gì tiếp theo đó? Câu hỏi này cần được suy cho đến cùng đến cuối. Bởi trước khi là công nhân, phần đông những người này là nông dân ở các vùng nông thôn khác nhau. Quá trình đô thị hóa đã khiến một diện tích lớn đất nông nghiệp bị thu hồi. Mất đất, một bộ phận nông dân thất nghiệp, một bộ phận khác có tay nghề được nhận vào làm tại các khu công nghiệp. Nên dễ dàng nhận thấy, sự bỏ việc của họ gần như đồng nghĩa với sự trở về làng quê. Đồng nghĩa với việc họ lại gia nhập vào đội ngũ những người thất nghiệp trước đó. Và ai biết, tệ nạn xã hội cũng từ sự thất nghiệp mà nảy sinh nhiều hơn kèm theo các hiện tượng xã hội tiêu cực khác.

Vậy an sinh xã hội cho công nhân lao động của chúng ta đang ở mức nào? Không thể phủ nhận chúng ta đang có nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo. Nhưng người nghèo là những đối tượng như thế nào? Nếu đối chiếu với chuẩn nghèo hiện nay là 200.000 đồng/người ở nông thôn, thành thị là 260.000 đồng/người/tháng thì công nhân các khu công nghiệp không hề rơi vào tâm điểm ấy nên các mức hỗ trợ là bằng không. Nhưng thực chất cuộc sống của họ có đáng gọi là nghèo không trong khi đa phần công nhân lương không quá 1.000.000 đồng/tháng, trong khi phải chi phí cho hàng tá vấn đề của cuộc sống mà nếu chỉ để bảo đảm những nhu cầu thiết yếu thôi cũng là cả một sự tính toán khó khăn. Vậy thì khi nào công nhân mới mua được nhà? Khi nào công nhân mới dư dả tài chính để có mặt tại các điểm vui chơi giải trí? Khi nào họ mới có tiền tích lũy để phòng khi đau ốm và những diễn biến bất thường của đời sống? Vậy thì an sinh xã hội cho công nhân lao động đang còn ẩn ở chỗ nào?

Chủ trương của Nhà nước ta trong việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa là sớm đưa đất nước trở thành một nước công nghiệp. Theo đó, khuyến khích sự ra đời của các khu công nghiệp tập trung trên mọi vùng miền. Nhưng, xét cho cùng, sự ra đời của các khu công nghiệp ấy trước khi đảm đương nhiệm vụ đưa nước ta trở thành nước công nghiệp thì mục tiêu trước mắt là phải giải quyết việc làm cho người lao động, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của công nhân. Không làm được điều đó thì thử hỏi công nghiệp hóa- hiện đại hóa có ý nghĩa thiết thực không vì hàng nghìn công nhân phục vụ cho sự nghiệp ấy luôn bấp bênh về đời sống và không mặn mà với công việc của mình.

Đừng dừng lại ở lời nói mà phải là hành động, từ những việc tưởng chừng nhỏ bé như bảo đảm bữa ăn hàng ngày cho công nhân, tạo điều kiện cho họ được vui chơi, giải trí lành mạnh đến việc được đóng bảo hiểm đầy đủ, được hỗ trợ khi đau ốm, được nâng cao tay nghề theo thời gian và theo yêu cầu của công việc… An sinh xã hội cho công nhân là ở đấy!

Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân