Cơ hội mở trong cuộc chơi thương mại điện tử
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tiếp cận cơ hội tốt hơn
Nhìn chung, việc sử dụng máy tính có đóng góp tích cực đến giá trị gia tăng của các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Các hoạt động kinh doanh dựa trên internet đóng góp đáng kể và mạnh mẽ vào hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. TMĐT có những tác động tích cực lên hoạt động của các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực và quy mô.

Lợi ích đó bao gồm mở rộng phạm vi quảng bá, làm sâu và rộng hơn các biện pháp truyền thông, giảm chi phí vận hành, kết nối với các nhà cung cấp và tiến hành các hoạt động quảng bá với chi phí thấp hơn cho DN. Đồng thời, TMĐT cũng là phương thức có hiệu quả để các DN tiếp cận với thị trường quốc tế, kết nối DN với mạng lưới sản xuất toàn cầu; cho phép các DN tương tác rộng rãi và mật thiết hơn với khách hàng, nhà cung cấp, đối tác; tạo cơ hội thiết lập những đồng minh chiến lược.
Chúng ta đang dần tiếp cận tốt hơn cơ hội to lớn với TMĐT. Mạng viễn thông và internet đóng vai trò là nền tảng của TMĐT, đã và đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, thúc đẩy những ý tưởng kinh doanh sáng tạo cho các lĩnh vực kinh doanh mới và trưởng thành ở Việt Nam. Hạ tầng kỹ thuật viễn thông internet dần được cải thiện và phát triển. Số người sử dụng internet tăng từ 17,7 triệu năm 2007 lên 33,2 triệu năm 2013, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 12,48%/ năm. Cùng với đó, tỷ lệ người sử dụng internet/100 dân tăng từ 21,05% (2007) lên 37% (2013). Tốc độ tăng trưởng của các băng tần kết nối internet quốc tế là 35,2% mỗi năm trong giai đoạn 2011 – 2013. Truy cập internet qua mạng di động 3G, mặc dù mới được triển khai từ năm 2009 nhưng đã có sự tăng trưởng mạnh, đạt 17,2 triệu thuê bao vào năm 2013, tương đương gần 20% số dân.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển bền vững vùng (IRSD) Bùi Quang Tuấn cho biết, nghiên cứu của IRSD về thương mại điện tử và hoạt động của DN vừa và nhỏ ở Việt Nam cho thấy những tín hiệu tích cực: hoạt động của các website TMĐT về cơ bản đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về hàng hóa, công cụ hỗ trợ và phương thức thanh toán. Phương pháp và các dịch vụ hỗ trợ cũng được phát triển như hỗ trợ trực tuyến/ chat/ Skype, vận chuyển, quảng cáo, tích hợp mạng xã hội, giao hàng, thanh toán, bảo hành. Qua đó, người tiêu dùng mua sắm qua mạng được thúc đẩy và hỗ trợ một cách hiệu quả nhất. Phát triển hệ thống thanh toán cũng được chú ý bởi chủ các website TMĐT; 48% các trang web đã được tích hợp hệ thống thanh toán trực tuyến. Chẳng hạn, nhờ áp dụng TMĐT, doanh số của cơ sở bán cá kho làng Đại Hoàng (tỉnh Hà Nam) đã tăng 20 lần sau 4 năm. 

Việt Nam là thị trường TMĐT lớn thứ 10 ở châu Á và thứ 27 trên thế giới với giá trị tiêu dùng do hơn 39% dân số đang sử dụng internet, chi phí internet rẻ, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin ổn định. Đây là thị trường bùng nổ tiêu dùng vượt Singapore trong 5 năm tới.
Vì sao vẫn dưới mức tiềm năng?

 Năm 2014, theo Cục Thương mại điện tử có 40% người mua hàng đề cập tới trở ngại giá không tốt, 38% nhắc đến dịch vụ logistic kém chất lượng, 31% lo ngại lộ thông tin cá nhân, 29% cho rằng khâu đặt hàng còn rắc rối, 20% chê nhiều website chưa chuyên nghiệp.

Theo ông Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TMĐT ở Việt Nam còn ở dưới mức tiềm năng. Hiện tại, giá trị TMĐT hàng năm mới bằng khoảng 0,3% tổng giá trị bán lẻ. Nguyên nhân là sự thiếu niềm tin vào chất lượng hàng hóa vẫn còn hiện hữu trong người tiêu dùng.

TMĐT và internet tạo ra nhiều cơ hội quan trọng cho các DN Việt Nam nhưng đồng thời cũng đặt họ trước một loạt các thách thức mới. Chi phí mà các DN phải trả cho dịch vụ TMĐT là khá cao. Hiện nay, chi phí này ước tính khoảng 20% tổng doanh thu chưa kể chi phí duy trì hoạt động quảng cáo trực tuyến. Nó khiến DN nhận ra những khuyết điểm cơ bản của mình trong khi phải chịu một gánh nặng lớn hơn về chi phí cố định để đầu tư vào công nghệ mới. Hơn nữa, các DN dễ vướng vào các vấn đề an ninh và trách nhiệm có thể phát sinh do TMĐT. 

Ông Nguyễn Đình Chúc – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng lưu ý: TMĐT không chỉ tạo ra môi trường mở cho các DN mà còn đặt ra cho họ những thách thức trong việc bảo vệ thương hiệu của mình. Đã có rất nhiều phản hồi từ khách hàng về việc mua phải hàng giả, hàng vi phạm bản quyền. Vì vậy, định hướng xúc tiến quảng cáo trực tuyến để phát triển phải gắn với việc tăng cường sức mạnh thương hiệu.
Khó khăn khác nữa đến từ các phương thức sản xuất truyền thống. Môi trường internet tạo ra một thị trường tiềm năng, nơi các phương thức sản xuất truyền thống bị hạn chế. 
Tiếp nữa, việc quảng cáo trên các trang web không phản ánh đầy đủ chất lượng sản phẩm cũng như uy tín DN. Cách họ đấu thầu giá để có được vị trí đặc quyền với các từ khóa làm hạn chế sự phát triển của các DN bởi chất lượng sản phẩm không được cân nhắc. Để đánh giá DN một cách hiệu quả, cần phải dựa vào giá thầu, chất lượng của trang web, sản phẩm và uy tín của DN.
Vì vậy, cần thực sự quan tâm, chú ý đến các nhân tố TMĐT và ảnh hưởng của chúng để khai thác tối đa hiệu quả, lợi ích từ TMĐT cho sự tăng trưởng DN và phòng ngừa, hạn chế các rủi ro, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển bền vững vùng (RSD) Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh. 

Lệ Thu
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân