“Con đường tơ lụa” xứ Quảng: Hành trình từ quá khứ đến tương lai
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sông Cổ Cò nối Cửa Hàn (Đà Nẵng) đến Cửa Đại (Hội An) từng được ví như “con đường tơ lụa” gắn với sự phồn thịnh của thương cảng Hội An trong quá khứ.

Sau mấy trăm năm, một con đường tơ lụa mới tiếp tục hình thành và tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ chưa từng có trên mảnh đất Quảng Nam – Đà Nẵng.

Hình ảnh sầm uất của thương cảng Hội An một thời đang dần được tái hiện trở lại thông qua tuyến đường ven biển
Hình ảnh sầm uất của thương cảng Hội An một thời đang dần được tái hiện trở lại thông qua tuyến đường ven biển

Từ thương cảng Hội An đến trung tâm đô thị nghỉ dưỡng tỷ đô

Ông Nguyễn Quý, trú tại thôn 3, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) vẫn còn nhớ như in những hình ảnh của 20 năm trước, đó là khi cả một vùng ven biển huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn) chỉ là những làng chài lụp xụp quay lưng ra biển. Người dân quanh năm bám biển với nghề chài lưới, hoặc lay lắt với những thửa đất cát cằn cỗi, bạc màu, nhiễm mặn phèn chua.

Ông và nhiều người dân không thể mường tượng ra viễn cảnh nơi đây thay đổi nhanh đến vậy. Chỉ sau hơn 20 năm kể từ khi con đường ven biển từ Sơn Trà đến Hội An mở ra, cả một vùng ven biển từ Đà Nẵng đến Hội An đã thay da đổi thịt khi hàng loạt khu nghỉ dưỡng, đô thị “tỷ đô” liên tiếp được mọc lên. Tất cả tạo nên một diện mạo sầm uất chưa từng thấy trong lịch sử của vùng Đông Đà Nẵng – Quảng Nam kể từ thời điểm các chúa Nguyễn khai khẩn Đàng Trong.

Không khó để kể ra những khu nghỉ dưỡng, cụm đô thị sang chảnh dọc 2 bên tuyến đường biển nối dài từ Đà Nẵng đến Hội An hôm nay như: Furama, Ariyana, Vinpearl, Premier Village, Pullman, Hyatt Regency, Sandy Beach, Olalani, Pulchra, Four Points by Sheraton, Shilla Monogram, The Nam Hai, Malibu Hoi An, Le Belhamy Hoian, Hoi An Beach… Đặc biệt, phải kể đến 2 tổ hợp khu đô thị One World Regency và Cocobay.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh khẳng định, tuyến đường ven biển không chỉ giúp thay đổi cuộc sống của người dân, mà còn là tiền đề phát triển du lịch và phát huy thế mạnh của 2 địa phương trong thu hút đầu tư, đặc biệt vào du lịch và các dự án nghỉ dưỡng.

Các dự án hạ tầng du lịch Đà Nẵng – Quảng Nam:

Dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò
Dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò được triển khai ở 2 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam. Dự án sau khi hoàn thành được đánh giá không chỉ giúp tăng cường hiệu quả hệ thống thoát lũ, mà còn đảm bảo được tính kết nối không gian Đà Nẵng – Quảng Nam; Kết nối không gian hai bờ sông; tạo cảnh quan hai bờ sông; đảm bảo không gian công cộng phục vụ đô thị và trực tiếp cho cộng đồng dân cư, du khách; thu hút và định hướng quản lý không gian cảnh quan các dự án đầu tư phát triển hai bên bờ.

Dự án tuyến đường ven biển từ Hội An đến sân bay Chu Lai (Quảng Nam)
Tuyến đường Võ Chí Công có tổng chiều dài từ TP. Hội An đến sân bay Chu Lai là 69 km, với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn I với chiều dài hơn 42 km, giai đoạn II có chiều dài 26,5 km.

Kéo dài thêm “con đường tơ lụa”

Trong quá khứ, sông Cổ Cò từng một thời là chứng nhân cho giai đoạn sầm uất của thương cảng Hội An và cả xứ Đàng Trong. Thế rồi, vật đổi sao dời, sông dần bị bồi lấp. Sau những năm tháng dài đằng đẵng tưởng chừng như chìm vào quên lãng, “con đường tơ lụa” thuở nào lại có cơ hội được hồi sinh trở lại.

Với quyết tâm cao độ để phục dựng lại hình ảnh của một thương cảng Hội An phồn thịnh, tạo ra không gian cho phát triển du lịch sinh thái – du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, chính quyền 2 địa phương Đà Nẵng – Quảng Nam đã tập trung nguồn lực khơi thông lại tuyến đường sông Cổ Cò. Theo đó, tuyến đường sông này sẽ hợp cùng tuyến đường ven biển Đà Nẵng – Quảng Nam hiện hữu để hình thành nên “con đường tơ lụa” mới.

Ông Phùng Phú Phong, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng đánh giá: “Khu vực ven biển, ven sông Cổ Cò từ  Đà Nẵng qua thị xã Điện Bàn đến Hội An là vùng trọng điểm phát triển thu hút đầu tư. Đây là tuyến không gian cảnh quan gắn với tuyến du lịch có lưu lượng lớn, 2 địa phương Đà Nẵng – Quảng Nam đã thống nhất chủ trương khơi thông tuyến sông Cổ Cò, bổ sung một số giải pháp về giao thông và hình thành các khu du lịch ven sông kết nối Đà Nẵng – Hội An”.

Có thể nói, việc khơi thông sông Cổ Cò đang góp phần đưa hình ảnh của một “con đường tơ lụa” trong quá khứ dần quay trở lại. “Con đường tơ lụa” hôm nay không chỉ gói gọn trong phạm vi Đà Nẵng đến Hội An, mà còn kéo dài thêm, nhất là khi tuyến đường ven biển nối từ TP. Hội An đến sân bay Chu Lai, huyện Núi Thành (Quảng Nam) đã được thông tuyến vào cuối năm 2020.

Giai đoạn I được đưa vào khai thác từ năm 2016, với chiều dài hơn 42 km nối từ Hội An đến xã Tam Phú (TP. Tam Kỳ), tuyến đường đã góp phần làm thay đổi hiện trạng khu vực ven biển Nam Hội An, tạo mặt bằng để hình thành 2 tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp là Hoianna, Vinpearl Nam Hội An. Riêng giai đoạn II, tuyến đường tiếp tục được kéo dài thêm 26,5 km (còn gọi là giai đoạn II của đường Võ Chí Công), bắt đầu từ dốc Diên Hồng (xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ) đi qua 8 xã của TP. Tam Kỳ và huyện Núi Thành, kết thúc tại sân bay Chu Lai.

Ông Lê Trí Thanh cho biết: “Cùng với tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và Quốc lộ 1A, sau khi hoàn thành đường Võ Chí Công sẽ là trục giao thông huyết mạch kết nối liên vùng; đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh Quảng Nam, cũng như phát triển các ngành công nghiệp trong Khu kinh tế mở Chu Lai”.