‘Con khủng long’ trỗi dậy
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Con đường mua sắm tấp nập gần nhà tôi, khu làng thịnh vượng bậc nhất của thành phố, gần như đã “chết hẳn”.

Đó là một trong những khu phố có giá thuê mặt bằng cao nhất thành phố Bristol, Anh. Chỗ chúng tôi ở, vốn được coi như khu vực sôi động nhất, đã lịm dần sau những yêu cầu “phong tỏa” và “làm việc ở nhà” của chính phủ.

Bưu điện gần đó, từ căn nhà khang trang, diện tích sàn hơn 60 mét vuông phải chuyển sang góc bốn mét vuông nằm ké trong một tiệm tiện ích nhỏ. Ông chủ phân trần, cho bưu điện thuê để vừa tăng chút thu nhập và để người dân không phải đi quá xa.

Gần một năm qua tôi đã làm việc tại nhà. Một ngày, phải lên trường lấy ít đồ, tôi lặng đi khi nhìn khu phố tấp nập bao năm qua nay gần như không bóng người vào giờ ăn trưa. Các cửa hàng vốn sáng choang nay hầu hết đóng cửa.

Tôi nhận ra, cuộc sống của mình đã thay đổi rất lớn. Năm qua, các hóa đơn mua quần áo giảm đi 60% nhưng tiền mua đồ điện tử, thiết bị gia dụng, giải trí tăng gấp đôi, hầu hết mua qua mạng. Với tôi, hơi thở của cuộc sống thật thực sự đã chuyển lên mạng.

Một số khảo sát ở châu Âu cho biết, bên cạnh thực phẩm và đồ gia dụng, người ta chuyển sang mua trò chơi điện tử, cổ phiếu, tiền ảo để giải trí và đầu tư. Vì người dân không ra ngoài thường xuyên nữa, kết quả là nhiều trung tâm mua sắm đóng cửa, nhiều hãng thời trang lâu đời ở châu Âu và Mỹ phá sản trong tiếc nuối.

Ngược lại, có một “con khủng long” trỗi dậy, đó là nền kinh tế online. Các công ty cung cấp dịch vụ online, bán hàng qua mạng, công ty sản xuất trò chơi điện tử, thiết bị chơi điện tử, dịch vụ đám mây, nhà cung cấp dịch vụ web, thiết kế… Họ đều ăn nên làm ra. Và số nhà đầu tư mua cổ phiếu các công ty này cũng làm ăn tốt.

Kinh doanh online toàn cầu tăng trưởng chưa từng thấy, ngay cả ở những nền kinh tế tăng trưởng âm. Bloomberg ước tính thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á tăng trưởng hơn 60% trong năm 2020 và đạt doanh số gần 175 tỷ USD vào 2025. Điều đó đồng nghĩa với mức tăng trưởng gần 5 lần trong 6 năm.

Ngành công nghiệp game online năm qua đạt hơn 180 tỷ USD, bằng cả tất cả ngành công nghiệp thể thao và phim ảnh cộng lại. Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là phân khúc game online qua điện thoại di động, dự kiến sẽ tiếp tục tăng 14% mỗi năm trong 5 năm tới.

Số người sử dụng dịch vụ hội họp qua mạng Zoom tăng từ 10 triệu lên 300 triệu người mỗi ngày sau chỉ hơn một năm. Giá trị thị trường của Zoom, từ một công ty không ai biết, trở thành công ty gần 50 tỷ USD – lớn hơn tổng giá trị thị trường của tất cả các hãng hàng không lớn nhất của Mỹ, Anh, Pháp và Đức. Cổ phiếu Zoom từ mức quanh 60 USD hồi đầu năm 2020 đã lên đến gần 600 USD trước khi giảm lại còn hơn 340 USD vào cuối năm vừa qua. Báo Mỹ cho biết có những người đã trở thành triệu phú trong mùa dịch nhờ đầu tư cổ phiếu của những công ty công nghệ như Zoom hay Tesla.

Bây giờ các công ty giành giật những người biết phân tích dữ liệu để dự đoán hành vi người dùng, những nhà thiết kế data giỏi, nhà lập trình chứ không tuyển tiếp viên hàng không, người bán quần áo hay nhân viên chạy bàn. Điều này không chỉ đúng với châu Âu hay Mỹ mà với cả Việt Nam. Bạn tôi ở Sài Gòn vừa phải tăng gấp đôi lương cho giám đốc quản lý dự án phần mềm của mình để anh ta khỏi “nhảy việc”.

Bộ Công thương và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam mới đưa ra số liệu ước tính cho thấy, tốc độ tăng trưởng ngành thương mại điện tử của Việt Nam năm nay có thể đạt trên 30% so với năm trước. Tổng trị giá tăng trưởng đạt hơn 15 tỷ USD. Một con số kỷ lục.

Dù năm cuối của thập kỷ kết thúc đầy biến động, nhiều ngành nghề, hoạt động dân sinh thiệt hại nặng nề, nhưng kinh tế online đang lội ngược dòng. Bán hàng, luyện thi, dạy học, đọc sách, biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim… ngay cả nhiều ngôi sao giải trí sang chảnh nay cũng tham gia đội ngũ “chốt đơn” qua Youtube, Facebook.

Mảng kinh tế mạng chính là dấu ấn đặc biệt của 2020. Nhiều doanh nghiệp trước đây chỉ bán hàng trực tiếp nay đã bán trực tuyến, nhiều người chưa bao giờ mua hàng trực tuyến nay đã mua bán online.

Nhưng câu hỏi quan trọng hơn là Việt Nam đã chuẩn bị được gì cho nền kinh tế online?

Có một số yếu tố tích cực. Chính phủ đã tuyên bố chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ ưu tiên để thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng khởi động các dự án hỗ trợ chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Lễ ra mắt thành phố Thủ Đức vừa diễn ra cùng nghi thức bấm nút khai trương mạng 5G cho thành phố mới.

Để chuyển đổi số không chỉ là một cụm từ nói cho sang, tôi nghĩ đến hai yếu tố: tái đào tạo nhân lực và Internet giá rẻ.

Chuyển đổi số sẽ không có ý nghĩa gì nhiều nếu cán bộ sử dụng công nghệ 5G vẫn dùng giấy bút. Báo cáo của Ernst & Young gần đây chỉ ra thách thức của chuyển đổi số nằm ở nguồn nhân lực và văn hóa tổ chức. 92% doanh nghiệp được hỏi đồng ý rằng “tái đào tạo nhân lực là yếu tố quyết định thành công” của tiến trình số hóa hoạt động kinh doanh và kinh tế. Sự chuyển đổi trong tư duy của nguồn nhân lực, hay nâng cấp kỹ năng của người hoạch định và thực thi chính sách là bước đi đầu.

Ở góc nhìn khác, chúng ta đã thật sự sẵn sàng cho một tiến trình chuyển biến bắt buộc để kết nối kinh tế vỉa hè với kinh tế online chưa? Chuyển đổi số không phải là biến tất cả mọi giao dịch thành online, mà là làm sao để bà bán nước mía có thể cung cấp dịch vụ online một cách dễ dàng và nhanh chóng nhất cho mọi người cần; người dân thay vì tới bệnh viện ngồi chờ hàng giờ có thể hẹn trước lịch khám hay khám bệnh từ nhà.

Và nếu có mức giá Internet – bao gồm 3, 4 và 5G – thật sự rẻ cho mọi người, tôi tin những chuyển biến nó sẽ tạo ra là con “khủng long” mới. Bởi, hạ tầng mạng ưu việt sẽ giải phóng một nguồn lực tài chính, nhân lực, vật lực khổng lồ bị lãng phí hoặc chưa được khai thác hiệu quả trong xã hội.

Dù 2021 đến với các ẩn số lớn, tôi tin sự “tái tạo” con người cùng Internet giá rẻ là chìa khóa để Việt Nam đánh thức “con khủng long” đang ngủ của mình.

Hồ Quốc Tuấn