Công bố 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2008
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Khoa học và độc lập

“Bảng xếp hạng VNR500 là kết quả nghiên cứu từ Vietnam Report, được sự cố vấn của nhóm chuyên gia trong và ngoài nước, đứng đầu là GS. John Quelch, Phó Hiệu trưởng Harvard Business School”- ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report cho biết.

VNR500 được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học, độc lập và tuân theo chuẩn mực quốc tế (dựa trên mô hình Fortune 500). Doanh nghiệp không phải nộp bất cứ khoản phí nào để được lọt vào bảng xếp hạng, cũng như không thể tác động nhằm thay đổi kết quả xếp hạng.

Doanh nghiệp có quyền tự hào khi được xếp hạng trong VNR500 bởi nguyên tắc điều tra đánh giá độc lập của chương trình. Các doanh nghiệp lọt vào Bảng xếp hạng chỉ được biết thứ hạng của mình sau khi Ban tổ chức công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Năm 2008, bảng xếp hạng VNR500 được xây dựng dựa trên cở sở dữ liệu của Vietnam Report và kết quả nghiên cứu số liệu điều tra mới nhất về hơn 150.000 doanh nghiệp trên toàn quốc từ các cơ quan chức năng (Tổng cục Thống kê, Thuế, Tổng cục hải quan…). Số liệu điều tra được cập nhật đến hết ngày 31/12/2007. Thứ hạng doanh nghiệp sẽ được sắp xếp dựa trên tiêu chí doanh thu.

Bên cạnh Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (không phân biệt nhà nước, nước ngoài, tư nhân), Vietnam Report cũng công bố Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Tiêu chí lựa chọn các doanh nghiệp tư nhân được Vietnam Report sử dụng là các doanh nghiệp có vốn sở hữu tư nhân lớn hơn hoặc bằng 51%. Để được xếp hạng trong Bảng xếp hạng doanh nghiệp mọi thành phần, doanh thu tối thiểu của doanh nghiệp phải đạt hơn 800 tỷ đồng và vào Bảng xếp hạng doanh nghiệp tư nhân, doanh thu tối thiểu của doanh nghiệp phải đạt hơn 300 tỷ đồng.

Ngoài ra, dựa trên danh sách công bố, độc giả có thể tham khảo thứ hạng các doanh nghiệp được sắp xếp theo các tiêu chí khác như: Top doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất, Top doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất, Top doanh nghiệp có số lao động lớn nhất, Top doanh nghiệp có tổng tài sản lớn nhất…

Top 10 Bảng xếp hạng VNR500 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam

Thứ hạng

Tên doanh nghiệp

1

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – Petrovietnam

2

Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex

3

Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN

4

Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam – TKV

5

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam – VNPT

6

Công ty Xăng dầu Khu vực II

7

Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam – Vinashin

8

Tập đoàn dệt may Việt Nam – Vinatex

9

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airline

10

Công ty HONDA Việt Nam – Honda Vietnam

Top 10 Bảng xếp hạng VNR500 – 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2008

Thứ hạng

Tên doanh nghiệp

1

Công ty CP Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT

2

Công ty TNHH Thương mại & Sản xuất Thép Việt

3

Công ty Cổ phần sữa Việt Nam

4

Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thép Pomina

5

Công ty XNK INTIMEX (Hồ Chí Minh)

6

Công ty Cổ phần Prime Group

7

Công ty Cổ phần Dược liệu TW2

8

Công ty TNHH cán thép Tam Điệp

9

Công ty TNHH Thương mại KHATOCO

10

Công ty CP Thương mại Thái Hưng

Doanh nghiệp nhiệt thành hưởng ứng

“Đặc biệt, trong năm nay Ban tổ chức đã nhận được sự hợp tác tích cực từ các doanh nghiệp lớn trong việc hợp tác công bố thông tin tài chính và kiểm chứng dữ liệu điều tra”- ông Vinh cho hay.

Đã có hơn 1.200 hồ sơ, tài liệu cũng như các báo cáo tài chính được doanh nghiệp được chủ động gửi về cho Ban tổ chức dùng làm tài liệu tham khảo khi xếp hạng. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang tiến triển mạnh mẽ theo hướng minh bạch hoá phù hợp với thông lệ quốc tế.

Qua bảng xếp hạng VNR 500 năm 2008, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một số kết quả ban đầu như sau:

Thứ nhất, Bảng xếp hạng VNR500 năm 2008 tiếp tục chứng kiến sự chi phối mạnh mẽ bởi khu vực Nhà nước. Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vẫn tiếp tục nắm giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế Việt Nam. Điều này được thể hiện bằng những thứ hạng cao trong Bảng xếp hạng VNR 500 cũng như chiếm hơn một nửa số doanh nghiệp được xếp hạng.
Thứ hai, Bảng xếp hạng cho thấy có những biến động tương đối mạnh trong nền kinh tế Việt Nam nói chung, và khu vực doanh nghiệp lớn nói riêng. Đã có 21,5% doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VNR 500 năm 2007 bị loại khỏi VNR 500 năm 2008.

Thứ ba, VNR500 năm 2008 chứng kiến sự biến động thứ tự xếp hạng của các doanh nghiệp các ngành dầu khí, nhiên liệu, vàng bạc đá quý, thép, thuỷ sản, bất động sản do biến động về thị trường trong nước và quốc tế đặc biệt về giá xăng dầu, vàng, bất động sản và sắt thép.

Thứ tư, khối doanh nghiệp tư nhân mặc dù có những bước phát triển đáng khích lệ, song vẫn chưa đủ mạnh, thể hiện ở sự góp mặt của trên 24% số doanh nghiệp trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã thể hiện tính năng động và hiệu quả ở việc có rất nhiều doanh nghiệp nằm trong bảng xếp hạng thuộc về nhóm ngành chế tạo và sản xuất, lĩnh vực có tính cạnh tranh cao trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.

“Mặc dù sẽ không tránh khỏi các sai sót trong việc điều tra thu thập số liệu thống kê, tuy nhiên với mong muốn xây dựng một bức tranh tổng thể phản ánh hiện trạng sức mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi hy vọng trong thời gian tới ngành xếp hạng Việt Nam sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ nhằm theo kịp xu thế phát triển của thời đại. Trong đó yếu tố quyết định không thể thiếu đó chính là sự ủng hộ từ cộng đồng các doanh nghiệp, từ cơ quan quản lý nhà nước và từ công chúng trong việc quản lý, giám sát, công khai minh bạch trong hoạt động xếp hạng”- ông Vũ Đăng Vinh bày tỏ.

Nguồn: Báo Điện tử VietNamNet