Cộng đồng trách nhiệm 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Hơn 10h30 ra trạm y tế phường để khai báo vì thuộc trường hợp F3. Cổng mở. Bàn ghế kê ngay ngắn, đầy đủ nước sát khuẩn… Nhưng rồi hụt hẫng vì phải tự vào lấy tờ khai, tự khai. Khai xong để trên bàn. Không có cán bộ y tế nào tiếp nhận hoặc hướng dẫn gì cả. Đâm lo: Chẳng may một vài tờ khai để hờ hững trên bàn kia thất lạc thì liệu cơ quan chức năng có nắm được đầy đủ thông tin về dịch bệnh không? Chẳng lẽ các cán bộ y tế của phường lại “cẩn trọng” đến mức không thể cắt cử được một hai người ra hướng dẫn người dân kê khai, cách phòng chống khi thuộc diện các “F” thậm chí chỉ nhận tờ khai được sao?

Trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, ngoài các biện pháp của các cơ quan chức năng, ý thức tự giác của người dân là rất quan trọng. Bởi nếu người dân không ý thức được trách nhiệm của mình với cộng đồng sẽ rất dễ dẫn đến những hệ quả khó lường. Trường hợp bệnh nhân Covid-19 số 17 trước đây là ví dụ điển hình. Thế nhưng, khi người dân có ý thức tự giác, trách nhiệm với cộng đồng thì các cơ quan chức năng cũng phải cộng đồng trách nhiệm.

Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, những biện pháp, khuyến cáo của các cơ quan chức năng về phòng chống luôn được tuyệt đại đa số người dân nghiêm túc, triệt để chấp hành. Chỉ có một bộ phận rất nhỏ người dân vì lợi ích nhỏ trước mắt hoặc vì ý thức kém đã dẫn đến những hệ quả khó lường mà việc một số trường hợp đã bị khởi tố thời gian qua là ví dụ điển hình. Khó có lý do nào có thể đưa ra để biện minh cho những hành động này. Và việc họ phải chịu sự điều chỉnh bởi những quy định của pháp luật là cần thiết nhằm bảo đảm kỷ cương pháp luật, đồng thời răn đe, làm gương cho những ai đang có ý định thực hiện những hành vi tương tự.

Ý thức, tinh thần phòng chống dịch của mỗi cá nhân cũng như của cộng đồng rất quan trọng. Cách thức làm việc của các cán bộ ở các cơ sở y tế còn quan trọng hơn. Như việc không có cán bộ y tế hướng dẫn, nhận tờ khai của người dân, dù nhìn nhận ở bất kỳ khía cạnh nào cũng cho thấy vẫn còn có sự chủ quan. Bởi vậy, nếu coi những sơ xuất cho dù rất nhỏ ở trạm y tế phường nói trên là một lỗ hổng cho dù rất nhỏ thì cũng cần thiết phải nhanh chóng có biện pháp khắc phục. Bởi rất có thể từ lỗ hổng thiếu – mất thông tin của người dân này sẽ tạo nên những đốm lửa nhỏ rồi thành đám cháy và không loại trừ nó có thể lan rộng bất cứ lúc nào.

Cần nhắc lại rằng, ngay trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 ở Hải Dương được ví như “nước sôi lửa bỏng”, Phó Thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 Vũ Đức Đam đã trực tiếp về kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Hải Dương và thị xã Đông Triều, Quảng Ninh. Phó Thủ tướng cũng đã từng đưa ra yêu cầu không để “thủng” hệ thống phòng chống dịch; là không vì sự lơi lỏng của một số bộ phận chống dịch, sự thoải mái, không nhận thức đầy đủ của một số cá nhân mà gây nguy hại cho cộng đồng.

Khi đã xác định chung sống an toàn với dịch bệnh thì mỗi người dân cũng như các cơ quan chức năng phải cùng hành động, cùng thực hiện đúng và đầy đủ các khuyến cáo về phòng chống. Không thể để xảy ra tình trạng ở trên thì nhận thức, quán triệt đầy đủ nhưng xuống dưới lại nảy sinh tâm lý chủ quan. Những “kẽ hở” này nếu không nhanh chóng loại bỏ thì chuyện gì cũng có thể xảy ra.