Công nghiệp tăng trưởng khả quan
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong 6 tháng đầu năm, điểm nổi bật của ngành công nghiệp là công nghiệp chế biến, chế tạo – chiếm tỷ trọng cao nhất trong toàn ngành – đạt mức tăng trưởng cao nhất.

Nhiều sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước

Công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2021 có hai điểm tích cực.

Thứ nhất, tốc độ tăng giá trị sản xuất, thể hiện ở Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) cao lên qua các quý.

Thứ hai, trong khi IIP của ngành khai khoáng – ngành chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 trong toàn ngành công nghiệp – giảm khá sâu (giảm 6%), thì giá trị tăng thêm của công nghiệp chế biến, chế tạo – chiếm tỷ trọng cao nhất trong toàn ngành công nghiệp – tăng cao nhất (tăng 11,42%).

Diễn biến trên sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu toàn ngành công nghiệp theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, tăng chế biến, chế tạo.

Nhiều sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có loại tăng khá cao, như sữa bột, sơn hóa học, sắt thép, giày dép da, thép cán, điện thoại di động, linh kiện điện thoại…

Kết quả của 6 tháng đầu năm của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là tiền đề để cả năm 2021 và những năm sau sẽ phục hồi tăng trưởng. Tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp và của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do nhiều yếu tố, từ lao động, năng suất lao động, vốn đầu tư và hiệu quả vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài vào sản xuất những mặt hàng như điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử, máy móc, thiết bị…, đến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Riêng về xuất khẩu, các mặt hàng thuộc ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng có tốc độ tăng cao, có tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng nhanh, nhất là điện thoại (tăng 14,2%), máy tính – sản phẩm điện tử (tăng 22,2%), máy móc – thiết bị – dụng cụ – phụ tùng (tăng 63,4%), máy ảnh – máy quay phim (tăng 71,5%), dệt may (tăng 14,9%), giày dép (tăng 27,8%)…

Bên cạnh những kết quả tích cực và tín hiệu khả quan, trong công nghiệp cũng có một số vấn đề cần cảnh báo.

Trước hết là tỷ trọng nhiều chỉ tiêu của công nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo còn thấp. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội dồn nhiều vào nhóm ngành dịch vụ (hiện chiếm khoảng 55%). Tỷ trọng dư nợ tín dụng đến cuối quý I/2021 cho nhóm ngành công nghiệp – xây dựng trong tổng tín dụng hiện chỉ đạt khoảng 28,3%, cho công nghiệp hỗ trợ chỉ chiếm 3,7%, trong khi cho nhóm ngành dịch vụ chiếm tới 63,3%.

Thực tế cho thấy, khi xảy ra khủng hoảng, những nước có tỷ trọng nhóm ngành dịch vụ cao nhất chịu tác động trước hết và mạnh nhất, trong khi những nước có tỷ trọng các ngành kinh tế thực (nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng) lớn hơn bị ảnh hưởng chậm hơn và nhẹ hơn.

Một vấn đề quan trọng khác vừa có tính ngắn hạn, vừa có tính dài hạn là cơ cấu công nghiệp. Công nghiệp chế biến, chế tạo tuy tăng cao hơn, tỷ trọng trong toàn ngành cao lên, nhưng vẫn thấp khá xa so với tiêu chí của nước công nghiệp. Cơ cấu của công nghiệp chế biến, chế tạo còn nhiều hạn chế, như tính gia công, lắp ráp còn lớn; công nghiệp phụ trợ được đề cập từ lâu, nhưng phát triển rất chậm…

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới 50% giá trị sản xuất, chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu, nên khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ trọng nhỏ. Việt Nam xuất siêu trong 5 năm trước hoàn toàn do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. 

Trong công nghiệp chế biến, chế tạo, thì công nghiệp cơ khí còn nhỏ nhoi, sắt thép chủ yếu dùng cho xây dựng, xuất khẩu, còn thép cho chế tạo máy thấp xa so với nhu cầu. Dư địa đưa công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm về nông thôn để vừa công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng, giá trị tăng thêm, tăng thời gian bảo quản, đẩy mạnh xuất khẩu… còn rất lớn.

Nếu tỷ trọng về lao động của nhóm ngành nông – lâm nghiệp, thủy sản còn cao như hiện nay, nếu tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP còn thấp như hiện nay…, thì việc chuyển thành nước công nghiệp sẽ khó theo mục tiêu. Do vậy, để thực hiện mục tiêu, cần hiện đại hóa công nghiệp, đồng thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chuyển các doanh nghiệp công nghiệp về nông thôn.