CPI giảm, doanh nghiệp càng khó khăn hơn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định, trường hợp CPI tháng 3 giảm 0,44% so với tháng 2 như đã thấy không thể giải thích như lãnh đạo của Tổng cục Thống kê rằng nguyên nhân là do không còn lạm phát nên người dân không tích trữ hàng hóa.  Nguyên nhân chính xác, cốt lõi nằm ở sức mua suy yếu, người dân chi tiêu có chọn lọc, tính toán khiến tổng cầu thấp trong khi tổng cung dồi dào.

Ông Long cũng cho rằng, tuy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quí 1 tăng nhẹ so với cùng kỳ của hai năm gần nhất với 4,96% (quí 1 năm 2012 là 4,75%; quí 1 năm 2013 là 4,76%)  nhưng lại thấp hơn quí 1 năm 2010, 2011 (lần lượt là 5,97% và 5,9%). Những con số này cho thấy tăng trưởng không cao trong bối cảnh kinh tế trì trệ. Và tình hình này cứ tiếp diễn thì sẽ ảnh hưởng đến đầu ra của doanh nghiệp, khiến tồn kho tăng cao, sản xuất không phát triển. Hệ quả là nợ xấu không được giải quyết, tác động xấu đến nền kinh tế.

Cũng theo ông Long, CPI giảm sẽ có dư địa để các mặt hàng độc quyền do Nhà nước điều hành giá có điều kiện tăng giá. Ví dụ điển hình là giá than bán cho điện vừa tăng và như vậy giá điện tăng chỉ là vấn đề thời gian. Đầu vào của doanh nghiệp chắc chắn sẽ ảnh hưởng. Trong bối cảnh sức mua yếu, tiêu thụ sản phẩm khó khăn thì doanh nghiệp sẽ không dám tăng giá. Như vậy, doanh nghiệp đã khó nay còn khó hơn.

Điều này cũng kéo giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam giữa lúc các hiệp định thương mại, xóa bỏ thuế quan sắp áp dụng. “Doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị hạ đo ván ngay trên sân nhà”, ông Long lo lắng.

Bà Trinh Nguyễn, chuyên gia kinh tế của Phòng nghiên cứu kinh tế, Ngân hàng HSBC cho rằng, những con số về CPI cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đang xuống thấp.

Bà Trinh Nguyễn cho rằng, ở thời điểm hiện tại, vấn đề của nền kinh tế Việt Nam là nợ xấu vẫn chưa được giải quyết, sức khỏe của doanh nghiệp nhỏ còn kém. Điều này tác động trực tiếp đến việc làm, thu nhập của người lao động và viễn cảnh trong tương lai. “Đó là lý do vì sao tiêu thụ trong mùa Tết rất thấp khi người tiêu dùng cố gắng tiết kiệm và dự phòng cho những ngày tiếp theo”, bà Trinh Nguyễn cho biết thêm.

Về nguy cơ lạm phát, ông Long cho rằng, dù CPI tháng 3 giảm mạnh so với tháng 2 và trước đó, CPI tháng 1 và tháng 2 tăng thấp nhưng nguy cơ lạm phát vẫn tiềm ẩn. Bởi lẽ, những vấn đề cốt lõi của nền kinh tế là hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, cơ chế, tham nhũng… vẫn chưa được giải quyết, đụng đến lĩnh vực nào cũng có vấn đề.

Ông Long khẳng định, lạm phát luôn là vấn đề song hành của một nền kinh tế thị trường. Vì vậy, ông Long cho rằng, Việt Nam không có dấu hiệu của tình trạng giảm phát như một số người lo ngại vì giá giảm nhưng tăng trưởng vẫn nhúc nhích.

Ông Long nhấn mạnh, vấn đề đặt ra lúc này với cơ quan quản lý, điều hành là phải nhìn nhận thực tế một cách khách quan, trung thực, không tô hồng. Có như vậy mới có những chính sách điều hành sát thực tế, tránh được tình trạng tạo ra “niềm tin ảo”. “Lúc này cần nói ít mà làm nhiều”, ông Long nói.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online