CPI tăng thấp và nỗi lo về sức mua của thị trường
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, CPI giảm trong tháng 3 và có mức tăng thấp trong quý I do nguồn cung dồi dào, sự kiểm soát, điều phối tốt của Chính phủ. Nhưng có thể thấy, chỉ số giá tiêu dùng giảm mạnh còn bởi nhu cầu tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên đán đã giảm. Kinh tế còn khó khăn nên người dân cũng cân nhắc hơn trong chi tiêu, chỉ tập trung vào những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày.

Điều này có thể thấy rõ khi nhìn vào các nhóm trong rổ hàng hóa và dịch vụ tính CPI. Bởi trong tháng 3 này có 4/11 nhóm trong rổ hàng hóa và dịch vụ chung giảm giá, với mức giảm từ 0,03-0,96%. Trong đó, mức giảm nhiều nhất thuộc về nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (0,96%) và giảm thấp nhất là nhóm giao thông và bưu chính viễn thông. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm cao nhất vì các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch vụ thu đông với năng suất khá cao nên giá lúa gạo giảm. Đồng thời, do sức ép cạnh tranh từ Thái Lan, Ấn Độ, một số thị trường truyền thống giảm nhập khẩu nên giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm tác động đến giá trong nước. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng là nhóm hàng giảm giá mạnh nhất trong thời gian qua, do giá gas được điều chỉnh giảm 31.000 đồng/bình 12kg và tại các tỉnh phía Nam đang không phải mùa xây dựng nên nhu cầu tiêu thụ thấp.

Đành rằng, CPI tháng 3 thường có mức tăng thấp và có thể giảm do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ sau Tết Nguyên đán không cao, nhưng việc CPI trong quý I chỉ có mức tăng thấp trong 10 năm qua thì không chỉ do nguyên nhân thời điểm, mùa vụ. Bởi  2/3 thời gian của quý I hàng năm là thời điểm sức mua tăng cao, giá hàng hóa, dịch vụ biến động mạnh do trùng với Tết Nguyên đán. Vậy, có phải CPI tăng thấp trong những tháng vừa qua là do sức mua yếu hay do đặc điểm của khoảng thời gian này? Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê Đỗ Thị Ngọ cho rằng, lo ngại về sức cầu của nền kinh tế yếu là không có cơ sở, bởi CPI tăng thấp hiện chủ yếu do người tiêu dùng không còn sợ lạm phát, nên không mua hàng hóa dự trữ.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, nguyên nhân quan trọng khiến CPI tăng thấp là sức cầu yếu. Chủ tịch Hội Siêu thị thành phố Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, CPI tăng 0,55% trong tháng 3 một phần thể hiện vai trò điều hành chính sách của Nhà nước. Nhưng điều này chỉ chiếm 20%, còn lại chủ yếu do cầu yếu. Hơn nữa, mức giảm 0,44% của tháng 3 là khá cao so với mức cùng kỳ năm ngoái, cũng như các tháng 3 của 5 năm trước đây. Trong khi CPI giảm khá mạnh, thì GDP trong quý I của thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh tăng ở mức 6,6% và 7,7% nên nhiều chuyên gia vẫn cho rằng đây là hệ quả của sức mua tăng thấp.

Theo Giám đốc Nghiên cứu của Dragon Capital Lê Anh Tuấn, lạm phát đang ở mức thấp một phần nhờ đã có kinh nghiệm hơn trong điều hành, nhất là đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý và nguồn cung lương thực, thực phẩm – yếu tố tác động chính – đang ổn định ở mức cao. Nhưng tác động tâm lý của người mua chỉ có tác dụng nhất thời, còn về dài hạn thì giá hàng hóa, dịch vụ sẽ do quan hệ cung – cầu điều chỉnh.

Hải Thanh
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân