CPI tháng 8 “hạ nhiệt”, chưa vội mừng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Giá thực phẩm bớt ‘nóng”

Theo số liệu Tổng cục Thông kê vừa công bố hôm qua – 24/8, CPI tháng 8/2011 tăng 0,93% so với tháng 7/2011, tăng 23,02% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 15,68% so với tháng 12/2010.

Tăng mạnh nhất vẫn là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng 1,35% so với tháng trước. Trong đó lương thực tăng 0,46%; thực phẩm tăng 1,55% và ăn uống ngoài gia đình tăng 1,59%. Tuy nhiên, so với tháng trước, mức tăng này đã “hạ nhiệt” gần một nửa. Được biết, trong tháng 7. hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng tới 2,12%, trong đó, lương thực giảm 0,88% còn thực phẩm tăng 3,2% và hàng ăn tăng 1,78%.

Tiếp đến là nhóm hàng giáo dục với mức tăng 1,13% do gần đến ngày khai giảng năm học mới, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,01%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có mức tăng 0,89%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,55%; nhóm hàng may mặc tăng 0,79%; nhóm giao thông tăng nhẹ 0,21%….

Nhóm bưu chính viễn thông là nhóm duy nhất trong 11 nhóm hàng có chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 thấp hơn so với tháng 7 với mức giảm 0,06%.

Chưa bền vững

Mặc dù là tháng có CPI tăng dưới 1% song nếu so với 2 tháng trước đó, CPI tháng 8 này thấp hơn không đáng kể (ngoại trừ trường hợp TP.HCM,  khi giữ được CPI ở mức tăng 0,68% so với tháng 7).

Với mức tăng 15,68% so với tháng 12/2010, để khống chế CPI cả năm ở mức 17% như mục tiêu Chính phủ đặt ra thì 4 tháng còn lại trong năm, CPI chỉ được tăng 0,33% – bài toán quá khó!
Mặt khác, CPI tháng 8 so với cùng kỳ đã tăng 23,02%, điều này đồng nghĩa với việc người dân gửi tiền đang chịu lãi suất âm, kể cả so với mức lãi suất “chui” 17- 18% hiện này. Đây cũng là một thách thức không nhỏ nếu Ngân hàng Nhà nước quyết đưa mặt bằng lãi suất về mức 17-19% trong tháng 9 tới như tuyên bố của tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Theo quy luật, CPI những tháng cuối năm thường tăng cao, đặc  biệt việc tăng lương tối thiểu từ ngày 1/10 tới đây cũng đang được dự báo sẽ tác động rất lớn đến mặt bằng giá của giai đoạn cuối năm.

Các doanh nghiệp vẫn đang đứng trước bài toán khó khi chỉ số tồn kho công nghiệp chế biến vẫn liên tiếp tăng cao, khi điện đòi tăng giá 3 tháng một lần, xăng dầu không chịu giảm, gas sắp bước vào giai đoạn tiêu thụ mạnh của nhiều nước… Thêm vào đó, bão lũ, dịch bệnh cũng là biến số rất phức tạp, có thể ảnh hưởng mạnh đến CPI các tháng tới.

Nhận định về CPI những tháng còn lại trong năm, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Giá -Tổng cục Thống kê – cho rằng, trong các tháng 9,  10, CPI vẫn tăng nhưng mức tăng không cao, và  “hy vọng tháng 8 này là lạm phát đang ở đỉnh”.

“Sự giảm tốc của CPI trong tháng 8 có thể được nhận diện là dấu hiệu thể hiện hiệu quả của Nghị quyết 11. Nếu sự giảm tốc được duy trì ở tháng 9 thì sẽ là sự thể hiện rõ ràng tác dụng của các giải pháp kiềm chế lạm phát” – ông Thắng phát biểu. Tuy nhiên, với mức tăng 0,93%, tức là suýt soát 1%, theo vị chuyên gia này, đây vẫn là mức tăng khá cao, và với mức tăng 23,02% so với cùng kỳ thì Việt Nam đang là nước có mức tăng CPI thuộc diện cao nhất thế giới…

“CPI có dấu hiệu giảm, sau đúng 6 tháng triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ. Đây là đấu hiệu đáng mừng song không thể lơi là. Chúng ta đã có nhiều bài học về vấn đề này. Vừa giảm một chút là chủ quan, nới lỏng, tháng sau lại lên vù vù…”- một chuyên gia cảnh báo.

Tín hiệu ngược từ 2 “đầu tàu”

Theo số liệu công bố của Cục Theo Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Thủ đô đã tăng 1,06% so với tháng trước, tăng 22,66% so cùng kỳ và tăng 15,65% so với tháng 12/2010. 

Đây là mức tăng cao nhất so với các tháng 8 của 10 năm trở lại đây trên địa bàn.

Ngược lại, số liệu thông kê của Cục Thống kê TP. HCM cho thấy, CPI tháng 8/2011 của TP.HCM tăng 0,68% so với tháng 7 và là tháng có mức tăng thấp nhất trong 8 tháng đầu năm. So với cùng kỳ năm trước, CPI tăng 18,98% và so với tháng 12/2010, CPI chỉ tăng 13,49%.

Thanh Thanh 
 Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam