Câu chuyện của Thép Việt và hệ lụy FDI
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Một trong những lý do khiến doanh nghiệp đầu ngành này cảm thấy băn khoăn có liên quan đến một yếu tố vĩ mô quan trọng: đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Từ những con số FDI

Không khó để lý giải động thái của ông Thái khi trong hơn 3 năm qua, Việt Nam đã phải đối mặt với cảnh cung vượt xa cầu trong nhiều ngành công nghiệp như sắt, thép và xi măng.

Riêng đối với thép, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm Việt Nam giảm sút hơn 10% lượng thép tiêu thụ. Trên thực tế, lượng cung của thép xây dựng là 9 triệu tấn, trong khi cầu chỉ khoảng 5,6 triệu tấn. Và lượng cung của thép lá là 3 triệu tấn, trong khi cầu chưa đến 1 triệu tấn.

Vậy mà các dự án FDI vẫn cứ đổ vào ngành này.

Không khó để tìm thấy những con số “mất cân đối” của các dự án FDI trong ngành thép, bất chấp cung đã vượt cầu hơn 100%. Theo Bộ Công Thương, tính đến quý IV/2011, Việt Nam đã có 65 dự án thép. Nhưng điều nghịch lý là 58 dự án nội địa chỉ có tổng vốn đầu tư 41.623 tỉ đồng, trong khi 7 dự án FDI có vốn đầu tư lên đến 420.000 tỉ đồng, nghĩa là gấp 10 lần.

“Trong số 58 dự án đó, tôi nghĩ chỉ có khoảng 5-10 dự án lớn, còn lại chủ yếu là các lò thép nhỏ. Còn đối với FDI, tôi chưa thấy quốc gia nào có nhiều dự án FDI trong ngành này như ở Việt Nam. Con số 7 không phải nhiều, mà là quá nhiều”, ông Thái chia sẻ.

Hãy nhìn sang Trung Quốc. Từ lâu, quốc gia này đã thực hiện chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài không vượt quá 30%, kiểm soát lượng cung chỉ lớn hơn cầu tối đa 30% trong các ngành công nghiệp (không chỉ riêng ngành thép). Hàn Quốc cũng có những động thái tương tự để bảo vệ doanh nghiệp nội địa. Cả 2 nước này chỉ có vài công ty thép, phần lớn là doanh nghiệp nội địa.

Trong khi đó, ngành thép Việt Nam lại đối mặt tình trạng cầu giảm nhưng dòng vốn FDI vẫn tăng. Đây phải chăng là “thành quả” của các địa phương? Và phải chăng tăng trưởng FDI ngoạn mục được đánh đồng với hình ảnh phát triển của một quốc gia? Điều đáng nói hơn là doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa dường như chưa thực sự được bình đẳng.

Đối với Thép Việt chẳng hạn, lợi thế cạnh tranh của công ty này nằm ở năng lực sản xuất: với 1 triệu tấn thép được sản xuất mỗi năm, chỉ cần khoảng 1.700 lao động (công ty có cùng năng lực sản xuất ở Đài Loan trung bình phải cần đến khoảng hơn 3.500 lao động). Và dĩ nhiên phải xét đến một lợi thế khác, đó là tính lâu đời của thương hiệu này.

Tuy nhiên, các dự án FDI ngành thép thường có đến 3 lợi thế: đất, cảng và thuế. Với mác “đầu tư tỉ USD” và chính sách thu hút FDI, các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực này thường đưa ra điều kiện để có được các mảnh đất vàng, thường là gần các cảng lớn, tận dụng lợi thế về giao thông. Và quan trọng hơn là lợi thế về thuế. Điều này thì các nhà chức trách Việt Nam khá thấu hiểu khi ngành thuế đã có một năm được xem là rất quyết liệt để chống tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp FDI, gây thất thu thuế. Thế nhưng, thắng lợi trong năm 2011 chỉ đạt “67% so với kế hoạch đề ra” (chuyển giá là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn qua biên giới, không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế của các công ty đa quốc gia).

Nghĩa là ngành thuế sẽ phải nỗ lực hơn nữa trong năm 2012. Trong khi đó, để đối phó, các doanh nghiệp FDI cũng có thể điều chỉnh sao cho có chút ít lợi nhuận để hoàn thành nghĩa vụ thuế cho nước sở tại. Câu hỏi đặt ra là ngành thuế sẽ thu được bao nhiêu trong chút ít lợi nhuận đó.

Đó là chưa kể đến những hệ lụy khác. Bài viết “Đề phòng những dự án FDI bánh vẽ” của chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh (đăng trên một tạp chí kinh tế cách đây 1 năm) đã liệt kê những siêu dự án FDI “có vấn đề” như dự án Nhà máy Gang thép Eminence ở Thanh Hóa (30 tỉ USD), Nhà máy Thép Guang Lian ở Quảng Ngãi (4,5 tỉ USD), Khu Liên hợp thép Cà Ná ở tỉnh Ninh Thuận (9,8 tỉ USD). Theo ông Tự Anh, những dự án này đã được thổi phồng quá mức để che đậy thực chất không có gì của chúng, là cớ để chiếm dụng đất đai và các nguồn tài nguyên khác.

Đừng giải khát bằng nước muối

Có thể từ thép nghĩ rộng ra các ngành công nghiệp khác của Việt Nam. Chuyên gia kinh tế Paul Gruman (Mỹ) trong một lần đến Việt Nam, có tóm tắt chặng đường phát triển của Hàn Quốc qua 30 năm. Ông nói: “Hàn Quốc là bài học lớn về phát triển công nghiệp thành công và Việt Nam nên tham khảo”.

Hàn Quốc chơi với các doanh nghiệp FDI trong một chính sách quyết đoán hơn, với 3 đặc điểm:

Một là tỉ lệ sở hữu khoảng 30% dành cho doanh nghiệp FDI, 70% dành cho doanh nghiệp nội địa trong lĩnh vực công nghiệp. Điều này cho thấy Hàn Quốc từ rất sớm đã dọn đường cho các thương hiệu nội địa tiến ra thế giới trên một nền tảng công nghiệp hóa bền vững. Bền vững được hiểu là không chạy theo những lợi ích ngắn hạn để đánh đổi sự phát triển mang tính lâu dài. Nếu Hàn Quốc chạy theo FDI, để cho tăng trưởng nóng trong khi nền kinh tế 30 năm trước của nước này vẫn còn chập chững thì có khác chi “giải tỏa cơn khát bằng nước muối”. Nhờ mục tiêu phát triển bền vững mà hiện nay, không có gì lạ khi các thương hiệu lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG đã tỏa sáng trên thị trường quốc tế.

Thứ hai, quy hoạch FDI ở Hàn Quốc còn cho thấy những công ty FDI được kiểm soát chặt chẽ và được quy hoạch thành từng khu vực tập trung. Mục đích là để chính quyền có thể kiểm soát được lượng hàng xuất khẩu của các công ty FDI, tránh việc đăng ký tỉ lệ xuất khẩu một đằng nhưng lại làm một nẻo, tức dồn hàng vào thị trường nội địa, cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp trong nước.

Và thứ ba là các chính sách phát triển công nghiệp ủng hộ doanh nghiệp nội địa (như thuế, chiến lược xây dựng những thương hiệu quốc gia và quốc tế) được theo đuổi rất nhất quán.

Hãy trở lại với Việt Nam. Sau thời kỳ đổi mới là hành trình phát triển tích cực với sự tham gia của FDI, FII (vốn đầu tư gián tiếp) và chính sách “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đúng đắn. Nhưng đâu đó vẫn thấy rằng tăm tre vẫn phải nhập ngoại. Trong khi đó, các công ty công nghiệp trong nước thừa sức sản xuất nhưng vẫn phải cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp FDI chỉ vì những lợi thế mang tên “chính sách” và trong tình hình “người Việt dùng hàng Việt” mới chỉ dừng lại ở mức chiến thuật, không phải chiến lược. Song song đó, nguồn thu thuế và giải quyết chuyện hậu trường đối với các doanh nghiệp FDI qua vấn đề chuyển giá thì lại có quá nhiều điều bất hợp lý.

Để tồn tại, nhiều doanh nghiệp nội địa trong lĩnh vực công nghiệp đã phải tìm đến các khu vực tăng trưởng nóng và đầy rủi ro như chứng khoán, bất động sản, trong khi sản xuất lại rất cầm chừng và giải quyết hàng tồn kho bằng các biện pháp xuất khẩu thiếu tính chiến lược (mà xuất khẩu cho tốt thì cũng không phải dễ).

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE), nhận xét: “Nền sản xuất của chúng ta còn yếu. Và chúng tôi buộc phải tìm cách để thắng trên nền kinh tế của chúng ta”. Còn ông Thái, Thép Việt, thì trăn trở: “Tôi quan ngại về việc nguồn lực của các nhà công nghiệp dần dịch chuyển sang những khu vực lợi ích ngắn hạn khác và chúng ta về lâu dài sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào hàng hóa nước ngoài. Khi một ngành công nghiệp nào đó khó khăn sẽ kéo theo nhiều ngành khác nữa. Chẳng hạn, xi măng gặp khó khăn thì ngân hàng cũng đâu được yên!”.

Ngược lại, khu vực FDI vẫn thế, cứ tăng. Và khi thuế còn là chuyện phải nỗ lực giải quyết thì việc xây dựng các cơ sở hạ tầng phúc lợi để phục vụ cộng đồng như bệnh viện sẽ còn gặp khó khăn do thiếu vốn. Hình ảnh người bệnh chen chúc trong các bệnh viện công với chất lượng y tế thấp sẽ vẫn là một thách thức. Thu hút vốn FDI để có tiền rót vào các dự án hạ tầng xã hội trong tình trạng này có khác gì một chiếc chai bị thắt nút cổ?

“Chúng tôi tin rằng 30 năm nữa, công nghiệp của Việt Nam sẽ phát triển nhanh, nhưng cần phải có những điều chỉnh về mặt chính sách”, ông Thái bày tỏ. Khi được hỏi “nếu có quyền đưa ra giải pháp cho vấn đề FDI, ông sẽ làm gì?”, ông Thái trả lời: “FDI là quan trọng, nhưng chỉ nên thu hút vào những ngành mà người Việt khó làm được, như công nghệ cao chẳng hạn”.

Trong khi vẫn phải chiến đấu với các doanh nghiệp FDI để giữ vững mức thị phần 30% tại thị trường nội địa, ông Thái cho biết Thép Việt sẽ chọn cách thúc đẩy xuất khẩu, vốn đang chiếm 8% sản lượng công ty trong năm 2011, lên 30% trong thời gian tới.

Có nhiều mặt hàng các nhà công nghiệp trong nước thừa sức sản xuất nhưng vẫn phải cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp FDI chỉ vì những lợi thế mang tên “chính sách”.

Nguồn: Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư