Câu chuyện lạm phát 2011
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chúng tôi cho rằng xu hướng lạm phát theo năm sẽ tiếp tục tăng do những rủi ro về khả năng điều chỉnh giá hàng hóa cơ bản và chính sách tài khóa, tiền tệ cần có thêm thời gian để tác động làm giảm CPI. Trong trường hợp Chính phủ quyết tâm với mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế, lạm phát sẽ bắt đầu giảm vào quí 3.

Nguyên nhân lạm phát

Yếu tố đầu tiên giải thích cho nguyên nhân lạm phát phải kể đến là mức tăng cao của tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua. Trong vòng 10 năm qua, tổng tín dụng trong nền kinh tế tăng 15 lần. Đặc biệt, trong năm năm trở lại đây, tín dụng tăng gấp hơn năm lần và tăng trưởng tín dụng trung bình hàng năm ở mức 34%.

Hiện tại, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tổng tín dụng/GDP cao nhất so với những nước đang phát triển ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc. So với những nước có thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ với Việt Nam thì tỷ lệ tổng tín dụng/GDP của Việt Nam cao gấp 2-3 lần. Tính trung bình trong giai đoạn năm năm, tốc độ tăng trưởng của tín dụng thực khoảng 21% và của tổng phương tiện thanh toán thực là 17,5%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của GDP thực là 7%.

Tăng trưởng tín dụng cao không chỉ đến từ sự mở rộng của khu vực tư nhân và khu vực nước ngoài mà còn đến từ việc mở rộng tài khóa và tăng đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Kể từ năm 2006 trở lại đây, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tín dụng khu vực doanh nghiệp nhà nước luôn duy trì ở mức 30-32% trong tổng tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống. Bên cạnh đó, vốn đầu tư của ngân sách duy trì ở mức cao trong thời gian qua đã khiến cho thâm hụt ngân sách liên tục ở mức cao.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, thâm hụt ngân sách thường ghi nhận ở mức 5% GDP, riêng trong năm 2009 và 2010, con số này lần lượt là 6,9% và 5,8% đến từ chính sách kích cầu của Chính phủ. Còn theo số liệu của IMF, thâm hụt ngân sách được ghi nhận là 9% trong năm 2009. Thâm hụt ngân sách triền miên trong thời gian qua khiến cho nợ công liên tục tăng. Vào cuối năm ngoái, nợ công, gồm cả nợ chính phủ bảo lãnh, nợ địa phương lên tới 57% GDP, gần chạm đến ngưỡng nợ được đề ra là 60% GDP.

Lạm phát trong thời gian gần đây được cộng hưởng bởi chi phí đẩy. Giá hàng hóa thế giới liên tục tăng cùng với việc điều chỉnh giá của một số mặt hàng cơ bản đã tạo áp lực lên lạm phát. Trong thời gian qua, Chính phủ đã điều chỉnh giá xăng dầu hai lần với tổng mức điều chỉnh lên tới 29,2%, giá điện được điều chỉnh tăng 15,3%, giá than bán trong nước tăng 20-40% (không kể than bán cho điện). Theo tính toán của chúng tôi, tác động trực tiếp của việc điều chỉnh giá xăng dầu, giá điện và giá than lên CPI từ đầu năm đến nay khoảng 1,6%, tác động gián tiếp lên CPI được kỳ vọng cao hơn so với tác động trực tiếp khi điện, xăng dầu và than là yếu tố đầu vào của rất nhiều hàng hóa và dịch vụ.

Giá cả hàng hóa thế giới tăng liên tục trong thời gian qua cùng với xu hướng giảm giá của tiền đồng cũng gây áp lực lên lạm phát. So sánh với các nước khác, mức độ gây ảnh hưởng của giá hàng hóa thế giới lên giá cả của hàng hóa Việt Nam nhiều hơn do độ mở của nền kinh tế Việt Nam cao hơn. Tỷ lệ tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP chiếm tới 150% trong năm 2010, trong đó nhập khẩu/GDP là 82%. Cán cân thanh toán liên tục xấu đi trong ba năm qua khiến cho tiền đồng bị mất giá so với đô la Mỹ trong cùng khoảng thời gian là 31% trên thị trường tự do cũng là một biến quan trọng giải thích CPI tăng mạnh trong thời gian qua.

Lạm phát sẽ giảm từ cuối quí 3?

Chính phủ đã đi đúng hướng trong việc đưa ra các giải pháp nhằm chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong nghị quyết 11, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng xuống dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán xuống dưới 15%, đồng thời yêu cầu các cơ quan chính phủ xem xét cắt giảm chi tiêu công, cải cách doanh nghiệp nhà nước và một số biện pháp nhằm giảm đầu cơ trên thị trường vàng và ngoại hối. Mặc dù, tỷ lệ lạm phát chưa giảm và cán cân thương mại vẫn duy trì ở mức cao nhưng chúng tôi cho rằng những biện pháp của Chính phủ phần nào cho kết quả tích cực.

Trong thời gian qua, NHNN đã tăng lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay thông qua thị trường mở và giảm lượng tiền cung ứng qua kênh tái cấp vốn. Theo đó, thanh khoản tiền đồng được thắt chặt, lãi suất cho vay qua đêm tăng lên ở mức trên 20%. Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 21-22%/năm, khiến cho tăng trưởng tín dụng bằng tiền đồng giảm đáng kể. Theo số liệu công bố chính thức của NHNN, tăng trưởng tín dụng bằng tiền đồng cho đến ngày 16-3 của cả hệ thống chỉ tăng ở mức 1,43% so với cuối năm ngoái.

Bên cạnh đó, NHNN từng bước ổn định tỷ giá nhằm ổn định thị trường ngoại hối bao gồm tăng dự trữ bắt buộc đối với ngoại tệ, giảm lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ, không cho phép cho vay vàng và các ngân hàng sẽ có lộ trình hai năm để tiến tới ngừng huy động vàng cùng với một số biện pháp để bình ổn thị trường ngoại hối. Kết quả là trên thị trường tự do, tiền đồng Việt Nam lên giá 5,6% so với đô la Mỹ trong vòng hai tháng qua và trong vài tuần gần đây, xu hướng dịch chuyển của dân chúng từ việc nắm giữ ngoại tệ sang tiền đồng khá rõ rệt.

Về chính sách tài khóa, để đạt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống 5% GDP, Chính phủ đã quyết định không khởi công một số dự án không cấp thiết hoặc không hiệu quả trong năm nay.

Mặc dù lạm phát và thâm hụt thương mại vẫn duy trì ở mức cao, nhưng thành công đáng ghi nhận của Chính phủ thể hiện trong nỗ lực bình ổn thị trường ngoại hối. Trong thời gian tới, trong trường hợp Chính phủ quyết tâm với thắt chặt tài khóa và tiền tệ, lạm phát tính theo năm sẽ có xu hướng giảm vào cuối quí 3 khi hiệu quả của chính sách đã phát huy tác dụng.

Một số lo lắng về rủi ro lạm phát

Trước khi lạm phát giảm từ khoảng cuối quí 3, chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ tiếp tục tăng do Chính phủ nhiều khả năng tiếp tục điều chỉnh giá xăng dầu và giá điện. Ngoài ra, giá cả hàng hóa thế giới gia tăng, rủi ro tỷ giá chưa hoàn toàn được loại trừ, bão lũ có thể xảy ra vào mùa thu và rủi ro từ việc nới lỏng tiền tệ và tài khóa quá sớm có thể gây tác động tiêu cực lên CPI trong thời gian tới.

Mặc dù lãi suất tiền đồng được duy trì ở mức cao nhưng dường như NHNN vẫn lo ngại về khả năng các ngân hàng thương mại sẽ vượt mức tăng trưởng tín dụng mục tiêu 20% trong năm nay (ba tháng đầu năm ở gần mức 5%). Một số quan điểm bi quan đưa ra lời giải thích về tăng trưởng tín dụng cao bất chấp lãi suất tăng là do nhu cầu đảo nợ của các nhà đầu tư bất động sản. Mặc dù tỷ lệ cho vay phi sản xuất vào cuối năm 2010 chỉ ở mức 18,7% trên tổng dư nợ tín dụng nhưng gần đây mối lo ngại về khả năng dư nợ cho vay phi sản xuất thực tế cao hơn số liệu công bố do một số ngân hàng sử dụng kỹ thuật để chuyển sang nhóm cho vay sản xuất.

Về cắt giảm chi tiêu công, trong quí 1, mức độ cắt giảm chỉ ở mức 1% trên tổng chi tiêu công trong năm. Đa số quan điểm cho rằng, mức cắt giảm này chưa đủ liều. Chúng tôi chia sẻ khó khăn của Chính phủ trong việc giảm chi tiêu công trong ngắn hạn do hầu hết các dự án đều gắn với chương trình mục tiêu quốc gia nên rất khó có thể cắt giảm ngay lập tức. Cải tổ doanh nghiệp nhà nước bằng việc cắt giảm đầu tư và hạn chế doanh nghiệp nhà nước đầu tư sang lĩnh vực khác cũng đang được thực hiện.

Theo quan điểm của chúng tôi, giảm chi tiêu công và cải tổ doanh nghiệp nhà nước cần một chương trình trung và dài hạn hơn là cắt giảm và giãn tiến độ dự án trong ngắn hạn. Vì vậy, việc cắt giảm dự án đầu tư công khó có thể tác động mạnh lên lạm phát trong thời gian ngắn.

Cuối cùng, lạm phát của Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn của giá hàng hóa thế giới khi nền kinh tế có độ mở cao và đồng thời Việt Nam đang phải đối diện với tình trạng cán cân thanh toán xấu đi trong những năm qua dẫn đến dự trữ ngoại hối ở mức thấp. Niềm tin của tiền đồng đã dần trở lại nhưng rủi ro về việc giảm giá tiền đồng vẫn chưa được loại trừ hoàn toàn khi lạm phát, thâm hụt thương mại tiếp tục duy trì ở mức cao.

Đoàn Thị Thu Hoài
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online