Cứ thanh tra, kiểm tra nhưng phải đúng luật
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Năm 2016, theo chỉ tiêu được giao, Cục Thuế TPHCM sẽ phải thanh tra, kiểm tra tối thiểu 18% số lượng người nộp thuế có hồ sơ quản lý tính đến ngày 31-12-2015. Trong đó, 1% là thanh tra và 17% còn lại thuộc diện kiểm tra. Điều đó có nghĩa, trong tổng số 161.842 doanh nghiệp đang hoạt động tính tại thời điểm cuối năm 2015 sẽ có ít nhất 29.131 đơn vị sẽ tiếp đón các đoàn thanh tra, kiểm tra thuế trong năm nay.

Công tác thanh tra, kiểm tra thuế được ngành thuế nói chung cũng như TPHCM xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay để tăng thu cho ngân sách nhà nước, hướng đến vượt chỉ tiêu thu vốn đã được phân bổ rất cao (177.600 tỉ đồng, chưa kể dầu thô, tăng 23,5% so với chỉ tiêu năm 2015), bù đắp cho phần thiếu hụt mà giá dầu giảm mạnh theo kịch bản dự thu.

Cơ quan thuế TPHCM cũng đã xác định được các nhóm doanh nghiệp ưu tiên để tập trung công tác nghiệp vụ trong điều kiện nguồn nhân lực có hạn. Đó sẽ là doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về gian lận thuế, đặc biệt ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp có phát sinh thuế tiêu thụ trong nhóm ngành bia rượu, thuốc lá; doanh nghiệp nhiều năm chưa qua thanh tra, kiểm tra thuế hay doanh nghiệp được hưởng ưu đãi giảm thuế. Đặc biệt, cơ quan thuế sẽ thanh tra, kiểm tra 100% hồ sơ sau hoàn đối với các doanh nghiệp có số thuế hoàn lớn; các doanh nghiệp hoàn thuế giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu qua đường biên giới đất liền với các mặt hàng như phân bón, gạo, cao su, thuốc lá… Bên cạnh đó là nhóm doanh nghiệp có hoạt động liên kết, lỗ có dấu hiệu chuyển giá; thực hiện chuyển nhượng vốn, chuyển quyền khai thác thương hiệu…

Doanh nghiệp sợ nhũng nhiễu

Trao đổi với TBKTSG về kế hoạch này của ngành thuế, đại diện nhiều doanh nghiệp bày tỏ, chuyện không có gì mới. Bởi lẽ trong vài năm qua, nhất là năm 2015, ngành thuế đã tăng cường công tác này như một cách để gia tăng nguồn thu. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là việc thực thi công tác của cán bộ thuế.

Công tác thanh tra, kiểm tra thuế được ngành thuế nói chung cũng như TPHCM xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay để tăng thu cho ngân sách nhà nước, hướng đến vượt chỉ tiêu thu vốn đã được phân bổ rất cao, bù đắp cho phần thiếu hụt mà giá dầu giảm mạnh theo kịch bản dự thu.

Ông N.Q.V., Tổng giám đốc Công ty D.H, bức xúc không phải đến khi cơ quan thuế đặt kế hoạch thanh tra, kiểm tra 100% doanh nghiệp hoàn thuế giá trị gia tăng với số thuế lớn trong năm 2016 như đã nói ở trên mà suốt thời gian qua, doanh nghiệp hoàn thuế đã bị làm khó. Ông V. nói rằng, Luật Thuế giá trị gia tăng quy định rất rõ các trường hợp được hoàn thuế; phân định rõ tình trạng hoàn trước, kiểm tra sau hay ngược lại với thời hạn cụ thể. Vậy nhưng, bằng những văn bản dạng thông báo (công khai) hoặc chỉ đạo (nội bộ) trái luật, cơ quan thuế lấy đó để bắt bẻ, kéo dài và trì hoãn việc hoàn thuế cho doanh nghiệp.

Ông N.D.H., Giám đốc một công ty chuyên xuất hàng nông sản đi Nhật, Hàn Quốc, phàn nàn doanh nghiệp ông đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng 11 tỉ đồng từ tháng 5-2015. Đến nay, hơn nửa năm đã trôi qua, cơ quan thuế làm biết bao nhiêu thủ tục thanh tra, kiểm tra, thậm chí sau buổi đối thoại với lãnh đạo Bộ Tài chính diễn ra hồi đầu tháng 11-2015, cán bộ thuế còn hứa hẹn hồ sơ của ông sẽ sớm được giải quyết nhưng rồi… tiền vẫn chưa thấy đâu. Đó là chưa kể 13 tỉ đồng nằm ở các hồ sơ khác mà ông đã nộp từ đầu năm. Ông H. nhận xét, vì ngân sách nhà nước khó khăn nên ngành thuế “câu giờ” bằng đủ cách, bày vẽ ra đủ yêu cầu, từ cung cấp hóa đơn này đến xác minh đối tác kia để trì hoãn việc chi trả tiền hoàn thuế cho doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp cũng hiểu và thông cảm. “Nhưng, mọi thứ cần có giới hạn. Sau tất cả các thủ tục, cơ quan thuế không phát hiện ra điều gì bất thường nhưng hồ sơ cứ giam đó. Doanh nghiệp mệt mỏi, không biết phải làm ăn ra sao”, ông H. chia sẻ.

Ông N.N.A., Tổng giám đốc một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ massage trị liệu, chia sẻ điều ông lo nhất là cách làm việc và tư duy của cán bộ thực thi nhiệm vụ. Cách đây hai năm, cơ quan thuế không đồng ý với số thuế tự khai, tự nộp của doanh nghiệp ông nên thực hiện thanh tra thuế. Và cách mà cơ quan thuế chứng minh doanh nghiệp khai gian, đó là cho người ngồi ngay cửa của phòng dịch vụ để đếm lượt người vào ra và xem đây là căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt trong khi tại cơ sở này, ngoài dịch vụ massage còn có điều trị bấm huyệt một số bệnh như đau đầu, đau cổ… và mức thuế tiêu thụ đặc biệt của các dịch vụ hoàn toàn khác nhau. Sau đó, cơ quan thuế ban hành quyết định truy thu và phạt vi phạm hành chính mà theo đại diện doanh nghiệp là không đúng quy trình, quy định.

Cuối cùng, chịu không thấu, công ty đã khởi kiện cơ quan thuế ra tòa án để được phân xử. “Số tiền chúng tôi bị truy thu và phạt không quá lớn. Vậy nhưng, chúng tôi không thể chấp nhận cách làm áp đặt và thiếu cơ sở pháp lý nên đã quyết định khởi kiện dù biết rằng, thắng hay thua cũng đều rất khó làm ăn sau này”, ông A. chia sẻ.

Ngành thuế kêu quá tải

Trong khi đó, dưới góc nhìn của những người làm trong ngành thuế, chỉ tiêu về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hàng năm quá cao so với năng lực thực tế là nguyên nhân chính dẫn đến những khó khăn, bất cập. Năm 2015, theo báo cáo của Cục Thuế TPHCM, cơ quan này được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra 15% số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên hệ thống quản lý thuế tại thời điểm 31-12-2014, tương đương 20.953 doanh nghiệp (trong đó, thanh tra 2.305 đơn vị và kiểm tra 18.159 đơn vị).

Trong khi đó, nhân lực thực hiện nhiệm vụ thanh tra của Cục Thuế TPHCM là 140 công chức. Tính bình quân, để thực hiện nhiệm vụ được giao, mỗi đoàn thanh tra phải thực hiện 56 hồ sơ trong năm với thời gian là bốn ngày/hồ sơ! Còn với nhiệm vụ kiểm tra thuế, với nhân sự 1.320 người (trong đó có 142 là lãnh đạo) thì bình quân 392 đoàn thanh tra phải thực hiện 47 hồ sơ/đoàn/năm với thời gian là năm ngày/hồ sơ! Đây đều là những kế hoạch không tưởng.

Và năm 2016, chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp thanh tra, kiểm tra tăng hơn (tối thiểu là 29.131 doanh nghiệp), trong khi nhân sự làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra không thay đổi (dù Cục Thuế TPHCM vừa được bổ sung hơn 500 công chức thuế), chỉ đủ sức đảm nhận được khoảng 12% số doanh nghiệp hoạt động.