Cứu con cua đồng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tôi về miền Tây, háo hức vì tưởng sắp được ăn cua đồng. Nhưng anh tôi bảo, cua đồng giờ hiếm, chỉ ưu tiên cho trẻ con.

Anh trai tôi ở Vĩnh Long. Trước khi tôi về thăm nhà tháng trước, qua điện thoại anh hỏi “muốn ăn món gì anh đãi”. “Mùa mưa mà có tô canh cua đồng nấu với mớ bồ ngót, vài trái mướp xanh là hết ý”, tôi hào hứng. Anh có vẻ bối rối: “cua đồng giờ là đặc sản à. Thịt heo đang rất mắc nhưng vẫn dễ tìm hơn cua đồng nghe mậy”.

Tôi về đến nhà cũng là lúc anh vừa trở về từ cuộc “hội thảo” tại nhà cô Ba Thảo – chủ đại lý phân bón, thuốc trừ sâu trong xóm. Qua lời anh tôi được biết, nói “hội thảo” cho sang chứ thật ra là sau mỗi mùa vụ, các công ty bán thuốc bảo vệ thực vật cử nhân viên xuống kết hợp với cô Ba Thảo tổ chức buổi giới thiệu sản phẩm mới với nông dân. Tất cả những người đến dự “hội thảo” đều được phát một cái áo thun, trên đó in logo của công ty. Đặc biệt, sau khi kết thúc “hội thảo” họ còn được một bữa cơm thân mật gọi là “tri ân các nhà nông”.

Tôi tranh thủ hỏi anh làm lúa dạo này thế nào. Với giọng hờ hững anh bảo, vụ nào trúng mùa thì đủ ăn còn thất thì coi như bà Ba Thảo, mấy công ty bảo vệ thực vật và thương lái “ăn” hết. “Xóm này ai cũng vậy”, nghe câu nói tỉnh queo tôi thấy xót xa cho nông dân quê mình. Có cái gì đó như chấp nhận và cam chịu.

Ký ức tuổi thơ tôi gắn với con cua đồng. Tôi còn nhớ như in những buổi trưa cùng mấy đứa bạn trong xóm ra đồng bắt cua. Cua đồng khi ấy nhiều vô số kể, nhất là sau mỗi cơn mưa. Chúng ngộp nước, chui khỏi hang, bò ra đồng hoặc xuống kênh rạch kiếm ăn. Bọn tôi chỉ việc chộp cổ các anh chị cua bò nghênh ngang mang về. Và như một phần văn hóa miền Tây, từ thịt con cua đồng, má tôi chế biến và làm nhiều món ăn rất ngon như: cháo cua, bánh canh cua và đặc biệt nhất là bún riêu cua… mùi vị không lẫn với bất cứ nơi nào.

Thế nhưng, ai ngờ chưa đầy 20 năm, cua đồng từ chỗ ăn không hết, có người còn bằm cho vịt ăn giờ trở thành đặc sản. Khan hiếm đến nỗi như lời anh tôi nói, ai “ưu tiên” mới được ăn. Còn cua đồng xay nhuyễn đóng gói sẵn ở các siêu thị hiện nay đa phần là cua nuôi, và người ta xay luôn cả phần vỏ của nó nên thịt không chắc, không ngọt đậm đà.

Trong một báo cáo của World Bank năm 2017, các nhà khoa học của tổ chức này đã gọi những khu vực tại ĐBSCL mà các sinh vật bản địa không còn sinh sống nổi là những “vùng đất chết”. Lý do: lạm dụng thuốc hóa học.

Tôi tự hỏi, mấy mươi năm qua Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu làm gì để giờ đây hệ sinh thái của vùng đồng bằng bị bào mòn? Vô lý hơn là cái nghèo vẫn không chịu buông tha những nông dân quanh năm cổ chân mọc rêu xanh? Chủ trương “làm ba vụ lúa” đã khiến đất đai bạc màu vì không có thời gian nghỉ ngơi. Và để không bị lâm vào cảnh mất mùa, hàng triệu nông dân đã phun nhiều loại thuốc hóa học xuống khắp ruộng đồng, kinh rạch. Hậu quả là không chỉ con cua đồng trong ký ức tuổi thơ tôi mà nhiều loài sinh vật khác của hệ sinh thái vùng đồng bằng dần vắng bóng.

Anh tôi nói, cứ sau mỗi mùa vụ, các công ty thuốc bảo vệ thực vật cho người về các ấp, xã tổ chức “tri ân nhà nông”. Thực chất, đó chỉ là hình thức quảng cáo để mùa vụ sắp tới, chủ đại lý phân bón thuốc thực vật độc quyền của xóm – cô Ba Thảo – sẽ cung cấp cho nông dân các loại thuốc hóa học mới đắt hàng hơn. Những ai ở miền Tây sẽ thấy thực tế này không còn xa lạ. Trong khi đó, từ lâu các nhà khoa học đã chỉ ra, mặt trái của việc lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học về lâu dài sẽ tạo ra những tác động xấu đến môi trường sinh thái, nhất là ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Trên những trang thương mại điện tử lớn hay trên mạng xã hội, các nhà buôn vẫn đang công khai rao bán những chai thuốc trừ sâu có chứa paraquat hay glyphosate, những hóa chất độc hại đã bị chính phủ cấm sử dụng trong nông nghiệp từ lâu. Những chai thuốc có xuất xứ Trung Quốc này được người nông dân ghi nhớ bằng màu sắc nhãn mác hay giá tiền, truyền tay nhau vì chúng “diệt cỏ tốt” chứ không quan tâm đến trong đó chứa hợp chất vô cơ phức tạp gì: họ không cần biết, vì số vụ xử phạt vì sử dụng chất cấm trong nông nghiệp đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Năm 2015, một nghiên cứu về hiện trạng ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu của Tổng cục Môi trường cho biết, cả nước có 1.562 điểm phát hiện, nghi ngờ tồn lưu do hóa cất bảo vệ thực vật. Và theo quy chuẩn số 54:2013 của Bộ Tài nguyên Môi trường về ngưỡng xử lý hóa chất thì cả nước có hàng trăm điểm ô nhiễm tồn lưu “có mức độ rủi ro cao, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng”. Ai ở miền Tây hẳn từng nghe các lời khuyên như “đừng có mua”, “đừng có ăn” quả này, quả kia vì loại đang được bày bán trên thị trường đều đã qua “quy trình xử lý” phun thuốc từ trên cây hay nhúng vào hóa chất sau khi thu hoạch. Bạn tôi, chủ một vườn sầu riêng nói thiệt rằng nhà cô chỉ dành lại một cây để ăn.

Khi theo dõi diễn đàn Quốc hội mới đây, tôi thấy có đại biểu đề xuất xây dựng các bộ luật như: luật chuyển đổi giới tính, luật về vấn đề phê bình và tự phê bình, đề xuất lập Bộ Thanh niên… Các việc ấy dường như rất bức thiết. Vậy thì, các nghịch lý của nền nông nghiệp, định mệnh “làm lúa bao nhiêu nghèo bấy nhiêu”, nguy cơ về sự tan rã của đồng bằng sông Cửu Long – vựa lương thực của quốc gia – có đủ cấp bách không?

Đã đến lúc, để cứu không chỉ những con cua đồng mà còn hướng đến việc bảo tồn toàn bộ cấu trúc hệ sinh thái ở đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo ổn định an ninh lương thực quốc gia và an sinh xã hội, tại sao chúng ta không nghĩ đến việc luật hóa việc trồng lúa? Nếu không có ngay được một bộ luật riêng thì cũng rà soát, sửa đổi hay bổ sung vào các quy định hiện hành về đất đai, môi trường, nông nghiệp theo hướng chặt chẽ hơn; hoặc nếu đã có chế tài đủ chi tiết, tại sao ta chưa thực thi quyết liệt hơn với các hành vi gây hại cho môi trường?

Ít nhất, ta cũng có thể xem xét ngay những vấn đề rất cơ bản như: có cần thiết trồng lúa ba vụ như hiện nay nữa hay không; các hành vi nào được coi là đi ngược quy luật tự nhiên và gây hại đến hệ sinh thái; chế tài giám sát và xử phạt đủ mạnh chưa; điều kiện và quy trình sản xuất nông sản như thế nào để hạn chế việc lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học có thể gây hại đến môi trường và sức khỏe cộng đồng…

Nếu câu chuyện trên chưa được quan tâm đủ lớn thì với những gì đã và đang xảy ra, tương lai không xa lắm, đồng bằng sẽ nghèo đi nhanh hơn cả về nghĩa đen và nghĩa bóng.

Nguyễn Trọng Bình